Nông dân Đan Phượng làm giàu từ trồng bưởi Diễn
Cây bưởi Diễn còn được người nông dân nơi đây thuần hóa, lai tạo trở thành nhãn hiệu riêng: “Bưởi tôm vàng Đan Phượng”.
Đệ nhất bưởi tôm vàng “cháy hàng” trước tết
Mặc dù, còn 2 tuần nữa mới đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018 và với giá bán khá “chát”, trung bình 50.000 đồng/quả nhưng những vườn bưởi tôm vàng ở xã Thượng Mỗ gần như đã “cháy hàng”.
Lý giải việc bưởi tôm vàng được khách đặt mua nhiều, ông Phan Văn Hào (SN 1953) là 1 trong những hộ trồng bưởi đầu tiên ở xã Thượng Mỗ cho hay: “Nhiều người gọi bưởi tôm vàng là đệ nhất bưởi cũng phải, bởi giống bưởi này khi chín không chỉ có màu sắc vàng tươi rất đẹp, khi ăn có vị ngọt dịu đặc trưng mà còn có mùi thơm đặc biệt, đến độ mà người ăn chỉ cần sờ vào vỏ thôi, dù rửa tay bằng xà phòng thơm thế nào cũng không hết mùi thơm”.
Từ trồng bưởi tôm vàng, mỗi năm gia đình ông Phan Văn Hào có thu nhập hơn 300 triệu đồng.
Hiện với diện tích hơn 4 sào trồng 120 cây bưởi, vụ bưởi năm 2017 ông Phan Văn Hào có thu nhập 350 triệu đồng. Điều đáng nói là dù cho thu nhập cao, nhưng chi phí đầu tư cho cả vườn bưởi rất ít, chỉ khoảng 20 triệu đồng, vì vậy trừ hết chi phí gia đình ông Hào còn bỏ túi hơn 300 triệu đồng.
“Dù bây giờ có nhiều giống bưởi, nhiều hộ trồng bưởi nhưng bưởi tôm vàng nhà tôi trồng vẫn đắt như tôm tươi. Cả vườn bưởi tôm vàng này hơn 12.000 quả nhưng đã được thương lái đặt mua hết sạch trước tết cả tháng với giá 50.000 đồng/quả” - ông Hào phấn khởi nói.
Theo ông Hào, bưởi tôm vàng có xuất xứ từ xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm (nay là quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) – nơi có giống bưởi Diễn nối tiếng. Từ năm 1995, được người dân một số xã ven sông Đáy như Song Phượng, Đồng Tháp, Phương Đình… đưa về trồng, chăm sóc nhiều năm mới cho quả.
“Ban đầu trồng, người dân không hề lai tạo hay chiết, ghép, tác động vào cây, nhưng khi bưởi lớn lên và chín có màu vàng tươi, bà con hái ăn thử mới thấy múi to, tôm vàng, có vị ngon ngọt đến kỳ lạ, khác hẳn so với giống bưởi Diễn ngọt đậm, và giống bưởi được đặt tên tôm vàng từ đó” - ông Hào nhớ lại.
Anh Đỗ Văn Mạnh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thượng Mỗ, kiêm Chủ tịch Câu lạc bộ bưởi tôm vàng cho biết: Năm 1997, khi xã thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, nhiều hộ dân trong thôn đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trũng, cấy lúa, trồng màu năng suất thấp sang trồng cây ăn quả. Thôn An Sơn 2 có 260 hộ thì có tới 70 hộ chuyển sang trồng bưởi Diễn với diện tích hơn 7ha.
Điều đặc biệt là cây bưởi gốc Phú Diễn nhưng hợp với đồng đất ở đây và được người dân chăm sóc đúng kỹ thuật nên phát triển nhanh, chất lượng quả năm sau cao hơn năm trước. Hiện vườn bưởi của các hộ ông Đào Văn Quý, Phan Văn Hào, Phan Văn Ba, Phan Văn Thọ - trồng từ những năm 1997-1998, được khách hàng về đặt mua buôn cả vườn, chờ đến gần tết mới hái để mang đi tiêu thụ.
“Năm 2012, bưởi Tôm vàng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể với tên gọi “Bưởi tôm vàng Đan Phượng”. Nếu như năm 1995, diện tích trồng cây bưởi toàn huyện Đan Phượng mới chỉ là 17ha thì đến nay đã tăng lên 290ha, trong đó xã Thượng Mỗ là địa phương có diện tích trồng bưởi tôm vàng nhiều nhất huyện Đan Phượng” - anh Hà thông tin.
Mở hướng làm giàu cho cả xã
Cùng với ông Hào, gia đình ông Phan Văn Thọ, ở thôn 2 xã Thượng Mỗ là một trong những hộ đầu tiên đưa bưởi tôm vàng vào trồng ở xã. Với 3 sào vườn, ông trồng gần 50 cây bưởi. Hiện nay, vườn bưởi đã được thương lái đặt mua với giá từ 4 - 5 triệu đồng/cây, như vậy, chỉ 1 gốc bưởi đã có thể cho thu nhập ngang với 1 sào lúa/năm.
“Giống bưởi này có thời gian chín và thu hoạch vào đúng dịp Tết Nguyên đán nên sản phẩm được tiêu thụ nhanh, giá cao. Năm nay, giá bưởi trung bình từ 50.000 đến trên 60.000 đồng/quả. Vườn bưởi chủ yếu được các lái buôn từ các xã, huyện của Hà Nội về thu mua tận vườn trước tết cả tháng, giờ này vẫn có nhiều khách sỉ, lẻ hỏi mua biếu tết, dù giá lên đến 100.000 đồng/quả nhưng không còn mà bán” - ông Thọ cho biết.
Theo các hộ trồng bưởi lâu năm như ông Phan Văn Hào, ông Phan Văn Thọ…, để vườn bưởi ngon nức tiếng có 4 yếu tố quyết định chất lượng bưởi. Đó là: Giống bưởi, chất đất, kỹ thuật chăm sóc và thời gian trồng càng lâu năm thì quả bưởi càng mọng nước, ngọt sắc.
Ông Thọ bày tỏ: Trong 4 yếu tố trên thì kỹ thuật chăm sóc rất quan trọng. Khi thu hoạch xong phải cắt tỉa cành sâu, cành vượt, quét vôi gốc diệt côn trùng gây hại cho cây rồi bón thúc một đợt phân để cây hồi phục, phát triển khỏe mạnh. Khi cây bưởi ra hoa, tiến hành phun phân bón lá, kích thích quả đậu sai, đến giữa tháng 4 quả bằng cái chén phải bọc giấy bảo quản để hạn chế sâu bệnh và chống rám nắng, ruồi châm...
Vườn bưởi của ông Thọ trồng từ năm 1998, những năm đầu bưởi cho thu bói nên chất lượng chưa cao. Tuy nhiên, khi cây bưởi ở năm thứ 7 trở đi, chất lượng quả thơm ngon và rất sai. Theo ông Thọ, bưởi Diễn tôm vàng hợp với đồng đất nơi đây nên cho chất lượng quả tốt, tròn, múi đều, tép vàng, ăn ngọt và thơm.
Ông Hào cũng cho rằng kỹ thuật chăm sóc vườn bưởi rất quan trọng, trong đó người trồng cần phải nắm rõ bón phân “4 đúng”.
Theo Chủ tịch Hội ND Đỗ Văn Mạnh, từ khi cây bưởi Phú Diễn bén duyên với đồng đất Thượng Mỗ, đời sống kinh tế của người dân đã khấm khá hơn nhiều. Đến nay, toàn xã Thượng Mỗ có gần 1.000 hộ tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng với diện tích hơn 100ha; trong đó có khoảng 78ha bưởi Diễn tôm vàng, 20ha đu đủ và hơn 34ha hoa và rau màu... Tuy nhiên, do bưởi Diễn tôm vàng cho thu nhập cao nên nhiều hộ dân trong xã đang chuyển hướng sang trồng bưởi.
Đặc biệt, từ khi được gắn nhãn hiệu tập thể, giống bưởi tôm vàng trở thành cây trồng chủ lực, mở ra hướng làm giàu cho người dân xã Thượng Mỗ. Theo tính toán của UBND xã, năm 2016, các hộ dân trồng bưởi có mức thu nhập từ 100 - 500 triệu đồng/hộ, góp phần làm thay đổi diện mạo quê hương Thượng Mỗ.