Nữ chủ trang trại tiên phong nuôi gà chuồng lạnh

Là người đi tiên phong trong phong trào nuôi gà chuồng lạnh tại TP.HCM, chị Nguyễn Thị Lạc (ấp Nhị Tân, xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn) đã xây dựng một trại gà sạch với khoảng 80.000 con, mỗi năm doanh thu hàng tỷ đồng.

Chị Lạc cho biết gia đình có mảnh đất khoảng 6ha ở gần kênh An Hạ (Củ Chi). Tuy nhiên, do đất bị nhiễm phèn nên chỉ trồng được cây mía nhưng hiệu quả kinh tế cũng không cao. Vì vậy, chị và gia đình luôn tìm cách chuyển đổi vật nuôi, trồng cây cho phù hợp.

Nuôi gà trong phòng lạnh

Nhờ tích cóp, năm 2001 chị quyết định xây dựng hai trại gà trên mảnh đất của gia đình. Khi thực hiện nhiều người không khỏi ngạc nhiên vì trại gà chị làm không giống như các trại gà khác mà là xây dựng theo mô hình trại gà lạnh, khép kín. Mô hình này trước đó tại thành phố chưa ai làm và không ai dám làm. “Xây dựng một trại gà lạnh như vậy tốn khoảng 800 triệu đồng, trong khi trại gà hở người ta chỉ mất khoảng từ 50 – 60 triệu đồng/trại, nên khi đó ngoài tôi ra không ai dám làm cả”, chị Lạc cho biết. 
 
Sau một thời gian, trại gà lạnh của chị đã phát huy tác dụng khi đàn gà nuôi phát triển nhanh, sức đề kháng bệnh tật tốt và ít bị ảnh hưởng bệnh tật như những trại gà trong khu vực. Đây chính là cơ sở để chị quyết định mở rộng quy mô sản xuất. Chị vay tiền ngân hàng đầu tư thêm 3 trại nữa với số lượng nuôi thêm là 55.000 con, nâng tổng đàn gà trong trại lên 80.000 con. Tuy nhiên, chưa kịp vui mừng thì năm 2003 đợt dịch cúm đã làm trại gà của chị bị thiệt hại nặng nề. Khoảng 32.000 con gà trong trại bị thu gom mang đi tiêu hủy theo quyết định của thành phố dù gà nhà chị không bị bệnh. Tính ra, với 32.000 con bị tiêu hủy, ước tính trên 100 tấn gà, trị giá khoảng 2,5 tỷ đồng, trong khi chị chỉ được hỗ trợ 480 triệu đồng (15.000 đồng/con). 
 
Tiếc tiền, tiếc của gia đình chị dường như suy sụp sau sự việc này. Gia đình chị luôn chịu áp lực vì đàn gà trong trại khỏe mạnh nhưng lại không được mở rộng, nợ nần ngân hàng chồng chất. Trong đó, lãi suất ngân hàng chị vẫn phải gồng mình trả đều đặn hàng tháng. Nhớ lại những ngày ấy chị Lạc cho biết lúc đó như đứng giữa sống và chết nên rất lo lắng. Sốt ruột vì không được nuôi, trong khi trại gà lạnh của chị không có dịch bệnh, chị đã mạnh dạn làm hồ sơ trình Sở NNPTNT, UBND thành phố xem xét cho tiếp tục nuôi gà vào năm 2006. 

Trước những dẫn chứng thực tế về hiệu quả của mô hình nuôi gà lạnh của chị, cuối cùng thành phố cũng cho phép chị được nuôi gà trở lại. Từ đó đến nay chị yên tâm sản xuất với một năm nuôi 4 lứa gà. Mô hình nuôi gà chuồng lạnh của chị đã mang lại thu nhập cao. Ước tính mỗi năm chị thu lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng. Nhờ vậy mà 3 năm liền chị được bình chọn là nông dân sản xuất giỏi cấp thành phố. 

Từ trang trại đến bàn ăn

Hiện nay trại gà lạnh của chị Lạc có quy mô lớn bậc nhất Sài Gòn. Hàng ngày, chị vẫn đều đặn chạy xe hàng chục km từ nhà đến trại gà để theo dõi, chăm sóc đàn gà của mình. 

Chia sẻ về bí quyết nuôi gà chị Lạc cho biết, điều đầu tiên là phải siêng năng bởi gà là loại sinh vật sống, tăng trưởng từng ngày, nếu không siêng năng quan tâm, theo dõi thì khi phát hiện sự cố sẽ khó trở tay kịp. Thấu hiểu điều đó nên bản thân chị dù hiện đã có cơ ngơi khang trang nhưng hàng ngày chị vẫn phải đến trại chăm sóc, theo dõi đàn gà. Cũng nhờ vậy, mọi biểu hiện của đàn gà đều được chị theo dõi sát sao và có biện pháp chăm sóc kịp thời để giúp đàn gà sinh trưởng tốt. “Trong trại gà nhiệt độ là quan trọng nhất, phải luôn để ở 28 - 29 độ C đàn gà mới phát triển khỏe mạnh. Nói thiệt,  tôi chăm gà như chăm con vậy, cực nhưng được cái vui. Nhìn chúng lớn từng ngày khỏe mạnh  ham lắm”, chị cười vui nói. 

alt

Trong trang trại nuôi gà chuồng lạnh của chị Nguyễn Thị Lạc.
 
Theo chị Lạc, cũng nhờ chăm sóc kỹ theo quy trình nghiêm ngặt nên tỷ lệ hao hụt của gà khi giết mổ ở trại chị ít hơn so với trại khác, thêm vào đó thịt gà lại săn chắc nên được khách hàng ưa chuộng. 

Bên cạnh việc quan tâm, chăm sóc kỹ đàn gà thì chị còn áp dụng công nghệ mới trong chăn nuôi. Đó là cho đàn gà sử dụng chế phẩm sinh học. Ban đầu sử dụng chế phẩm này rất khó khăn vì theo dạng lỏng, khi bơm qua đường ống dễ gây nghẹt ống. Để khắc phục điểm này chị đã cho gắn máy bơm hơi để làm sạch núm, giúp gà dễ dàng sử dụng, từ đó phòng ngừa bệnh tật tốt hơn và sinh trưởng nhanh.

Mới đây, chị cho biết đã liên kết với 2 công ty để sản xuất theo hình thức sạch “từ trang trại đến bàn ăn”. Đây cũng là một trong những hoạt động hưởng ứng chương trình tuyên truyền vận động người Việt Nam dùng hàng Việt Nam. Để làm điều đó chị đang làm hồ sơ trình lên thành phố cho sử dụng lại mảnh đất đang trong quy hoạch treo. 

“Hiện tại, trong số 6ha mình có mới chỉ sử dụng 2ha đất để xây dựng trại, còn lại mảnh đất khoảng 4 ha nữa vẫn còn bỏ hoang. Mảnh đất này nằm trong khu vực quy hoạch treo, từ nhiều năm nay không có dự án đầu tư vào. Nếu được thành phố chấp thuận thì tôi sẽ đầu tư mở rộng trang trại gà với công nghệ hiện đại để phát triển mô hình kinh tế của gia đình” – chị Lạc cho biết kế hoạch của mình. 

Nguồn: Dân Việt
Bình luận của bạn