Nữ doanh nhân khởi nghiệp sáng tạo với cây Sachi

Tháng 7/2017, sau bước đầu xây dựng vùng nguyên liệu, chị Lê Thị Vân, Giám đốc Công ty CP Inca Việt Nam bắt tay vào sản xuất và cho ra sản phẩm của mình. Quá đỗi bất ngờ bởi sản phẩm viên nang Omega (liên kết với công ty Dược) của Công ty CP Inca Việt Nam vừa ra mắt 2 ngày đã được Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam mời tham gia và tôn vinh giải thưởng Sản phẩm vàng vì sức khỏe cộng đồng năm 2017. Cũng từ đây, người tiêu dùng biết đến một địa chỉ sản phẩm Sachi của Việt Nam sản xuất tại Hòa Bình.

Trăn trở sáng tạo sản phẩm từ… lá

Có 3 sản phẩm cao cấp làm từ sachi được cả thế giới biết đến với công dụng tuyệt vời tốt cho sức khỏe là dầu Sacha inchi, viên nang omega, hạt rang sấy. Những sản phẩm này được chế biến, chiết xuất từ nguyên liệu quả. Nhưng đến chị Vân, sachi được khai thác triệt để mọi thành phần. Bước vào sản xuất, bên cạnh 3 sản phẩm cao cấp kia, chị đã nghĩ rằng tại sao không lấy chính lá bọc của nó để tạo ra hương vị mới lạ cho hạt rang sấy. Từ đây, chị nghiên cứu và sáng tạo ra sản phẩm hạt bọc socola, hạt bọc trà xanh.

Là cây trồng đa tác dụng, sachi vừa là dược liệu, thực phẩm chức năng, vừa có thể dùng làm mỹ phẩm. Ngọn Sachi là loại rau đặc sản còn quả non có thể ăn sống. Trước hết, Sachi là cây thảo dược quý, chị lại nghĩ sao lâu nay người ta mới chỉ biết đến sản xuất từ quả mà bỏ quên đi lá - nguồn nguyên liệu rất dồi dào? ý tưởng dùng lá cây Sachi làm thành trà thảo mộc nghe rất mới lạ nhưng khi đưa ra hội nghị cổ đông đã không nhận được sự ủng hộ. Vì rằng, các sản phẩm trà có mặt trên thị trường hiện nay thì nhiều, liệu tiêu thụ có ổn không? huống hồ đây là sản phẩm bình dân.

Trước tình thế này, nhờ vào kết quả phân tích của chuyên gia (ngoài các thành phần dinh dưỡng như ở quả nhưng có tỷ lệ thấp hơn thì trong thân và lá còn có hàm lượng Sachi cao) cùng với hỏi ý kiến tư vấn của các công ty Dược, chị quyết định bỏ tiền túi ra làm thử trà thảo mộc sachi. Không ai ngờ rằng ngay sau khi sản phẩm này đưa ra thị trường đã trở thành sản phẩm bán chạy, được người tiêu dùng yêu thích. Trên đà thử nghiệm thành công, chị tiếp tục đưa ý tưởng và thử nghiệm làm trà matcha sachi và siro sachi.

Sau 14 tháng đi vào sản xuất, doanh nghiệp của chị đã đưa ra 10 sản phẩm làm từ Sachi, trong đó có 5 sản phẩm được làm từ ý tưởng sáng tạo của chị, đó là trà thảo mộc, trà matcha Sachi, siro Sachi, hạt bọc socola và hạt bọc trà xanh. Trong đó, 4 sản phẩm đã đưa ra thị trường, 1 sản phẩm là siro Sachi đang chờ kiểm định về ATTP. Doanh nghiệp đã có doanh thu bước đầu trên 1 tỷ đồng kể từ khi đưa sản phẩm tiếp cận thị trường cho đến nay.

Mong muốn người Việt Nam được dùng hàng Việt Nam

Đây cũng là căn nguyên trăn trở để doanh nhân Lê Thị Vân mày mò, nghiên cứu, học hỏi từ những cái có sẵn nhằm sáng tạo ra tính mới của sản phẩm, đồng thời biến những ý tưởng sáng tạo của mình trở thành sản phẩm hiện hữu.

Có một thực tế là việc sản xuất phụ thuộc vào vùng nguyên liệu nhưng cho đến nay, vùng nguyên liệu của doanh nghiệp mới xây dựng khoảng 100 ha, đáp ứng khoảng 1/3 công suất cho 1 xưởng. Để hướng tới mở rộng quy mô sản xuất, năm 2018, doanh nghiệp đặt mục tiêu tăng diện tích thêm 200 ha và đến năm 2019 tăng thêm 300 ha. Doanh nghiệp đang trong quá trình sản xuất thử nghiệm, về đầu ra sản phẩm có đến 10 đầu mối xuất khẩu nhưng mới có thể đáp ứng được số lượng hàng mẫu cho 4 đầu mối là khách hàng Hàn Quốc. Công ty đang cần ít nhất 500 ha vùng nguyên liệu mới đủ chế biến, đáp ứng các đơn hàng.

Những sản phẩm đầy tính mới, sáng tạo của chị Lê Thị Vân đã và đang đến gần với người tiêu dùng trong nước, phần nào thỏa mong ước của chị là người Việt Nam được dùng sản phẩm của Việt Nam. Chị đặt mục tiêu đến năm 2023 sẽ vững vàng ở top 3 các doanh nghiệp trồng và chế biến, xuất khẩu Sachi. Cũng theo lộ trình đến năm 2023, doanh nghiệp đầu tư thêm dây chuyền chế biến và mở rộng sản xuất với tổng mức đầu tư huy động trên 10 tỷ đồng. Đến lúc đó, doanh nghiệp không chỉ tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm nhóm hộ trồng Sachi và 10 lao động tại cơ sở sản xuất, chế biến với mức lương 4 triệu đồng/tháng như thời điểm hiện tại mà tiến tới sẽ đảm bảo tạo việc làm, thu nhập cho hàng nghìn nhóm hộ nông dân trong tỉnh và khoảng 50 lao động tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, ở giai đoạn này, chị Vân dồn sức nghiên cứu để lần lượt cho ra mắt 50 sản phẩm từ Sachi, tập trung làm thử nghiệm một số sản phẩm mang tính mới và sáng tạo.

Trên bước đường khởi nghiệp của doanh nhân Lê Thị Vân, những sản phẩm mang tính mới, sáng tạo đã tạo được dấu ấn riêng. Trong đó, sản phẩm trà thảo mộc đang là mặt hàng mũi nhọn để đưa đi quảng bá, giới thiệu đến đông đảo người tiêu dùng. Đồng hành với doanh nghiệp, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, một số sở, ban, ngành như: NN&PTNT, KH&CN, KH&ĐT, Công Thương… đã quan tâm, ủng hộ, hỗ trợ và khích lệ để doanh nghiệp phát triển khởi nghiệp. Theo chị Vân, vấn đề thiếu vốn, mở rộng vùng nguyên liệu là thực tế doanh nghiệp phải đối mặt lâu dài. Tuy nhiên với sự ủng hộ và tin tưởng, chị sẽ dùng tâm huyết của mình để sáng tạo, khởi nghiệp thành công.

Bình luận của bạn