Ông chủ công ty dịch vụ công nghệ khởi nghiệp với 5 triệu đồng
Hai lần khởi nghiệp thất bại trong lĩnh vực công nghệ vì thiếu vốn và kinh nghiệm, năm 2013, anh Nguyễn Văn Tạo tiếp tục thử sức với dự án mới.
3 tháng sau, do nội bộ không có tiếng nói chung nên anh và một số người bạn tách ra làm riêng, lập công ty VNetwork phát triển hệ thống Hosting và CDN (Content Delivery Networks). Mục tiêu đầu tiên chỉ phát triển hệ thống Hosting. Đây là dịch vụ lưu trữ và chia sẻ dữ liệu trực tuyến, là không gian trên máy chủ có cài đặt các dịch vụ Internet như world wide web (www), truyền file (FTP), mail… để mọi người chứa nội dung trang web hay dữ liệu trên không gian đó.
"Thị trường của Hosting năm 2013 khá bão hòa. Dự án của tôi chưa có điểm khác biệt so với các đơn vị khác, nhưng tôi vẫn muốn thử sức vì đây là giấc mơ tôi đeo đuổi nhiều năm", anh nhớ lại.
Khó khăn chồng chất khi công ty mới thành lập chỉ có 5 triệu tiền mặt và một nguồn server cũ. Anh tự nhủ không bỏ cuộc, không từ chối đơn hàng nào dù nhỏ nhất và xin làm đại lý cho các công ty khác.
Anh Tạo cùng cộng sự tìm khách hàng nhỏ muốn tạo Hosting - phân khúc mà nhiều doanh nghiệp lớn không quan tâm. Sau khi phát triển mối quan hệ với khách hàng nhỏ, anh có thêm nhiều khách hàng là các công ty cỡ vừa.
Sau khoảng 4 tháng dốc toàn lực tìm khách, cuối năm 2013, VNetwork đã có doanh thu 70 triệu. Nhận thấy công ty có nền tảng cơ bản, anh tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng, công nghệ Hosting một cách bài bản nhất.
Năm 2015, anh quyết định đưa công ty sang trang mới, với hệ thống CDN vốn còn nhiều tiềm năng phát triển. Đây là hệ thống gồm các máy chủ, được đặt ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới. Những máy chủ này sẽ lưu tất cả bản sao của dữ liệu trên website. Mỗi khi truy cập, thay vì tải trực tiếp dữ liệu từ máy chủ gốc, người dùng sẽ lấy dữ liệu từ máy chủ gần với họ nhất.
"Tôi và 3 người bạn trong công ty nhiều hôm ngồi bên hầm Thủ Thiêm đến 2h sáng chỉ để quyết định làm hay không làm hệ thống CDN. Sự thiếu hụt về hạ tầng, cộng thêm ngân sách không bằng với những công ty lớn khiến chúng tôi đắn đo", anh kể lại.
Tuy nhiên, anh và những người bạn của mình đã quyết định đối mặt với mọi thử thách, chuẩn bị thật kỹ các phương án kinh doanh. Sau 3-4 tháng từ lúc phát triển hệ thống CDN, có nhiều khách hàng quan tâm và liên hệ. Thậm chí, có công ty đặt vấn đề sáp nhập và mua lại thông tin về công nghệ nhưng anh từ chối.
Công ty liên tục có những hợp đồng lớn, anh dùng để phát triển hệ thống CDN toàn diện hơn. "Thành công ấy đến từ sự khác biệt trong đường lối kinh doanh, đáp ứng đúng nhu cầu khách hàng cần, đầu tư bài bản về công nghệ", anh tiết lộ.
Anh lấy ví dụ, khi sử dụng server, trong trường hợp trung bình hàng tháng có 10.000 lượng truy cập, công ty phải có 10 server, tốn chi phí mua sever ít nhất 200 triệu và chi phí đặt chỗ 15 triệu. Sử dụng server phải tốn thời gian và nhân lực để xây dựng hệ thống. Nếu trong hệ thống có một server bị vấn đề sẽ ảnh hưởng đến toàn hệ thống. Server là nơi chứa không gian của website, tất cả người dùng đều truy cập vào trung tâm máy chủ nên dễ dẫn đến quá tải, bởi vì không tối ưu việc chịu tải. Hệ thống CDN sẽ khắc phục những hạn chế này.
Hiện doanh nghiệp cung ứng nhu cầu hệ thống CDN cho nhà phát hành game, đài truyền hình, dịch vụ Live Streaming...
Công ty có 20-30 người, thuộc thế hệ 9x. Song, đối với Giám đốc công ty VNetwork (CDN&Security), đây là những cộng sự bản lĩnh của mình, vì ai cũng ham học hỏi, đam mê công nghệ và cùng đoàn kết để phát triển.
Gặt hái nhiều thành công, anh cho biết sẽ không dừng lại. Nhận thấy khâu bảo mật cộng thêm độ an toàn trong hệ thống mạng ở Việt Nam còn khá sơ sài, anh dự định sẽ xây dựng một dự án riêng về hệ thống bảo mật trong năm 2017.