Ông chủ xây dựng bỏ việc về làm nông dân

Đầu những năm 90, tỉnh Lào Cai bước vào công cuộc tái thiết sôi động, phát triển các vùng kinh tế mới. Đây cũng là nơi chàng trai trẻ người Hải Dương - Nguyễn Văn Dũng tới làm việc với vai trò một nhà thầu xây dựng và tạo dựng sự nghiệp sau này bằng một sản phẩm nông nghiệp.

Khi chưa đặt chân tới mảnh đất Mường Khương, anh Dũng đã nghe nói nhiều về loại ớt ngon nổi tiếng của vùng là ớt thóc. Đến khi được mục sở thị cách bà con nơi đây làm tương ớt, được thưởng thức vị cay nồng đặc trưng của chúng, anh đã bị lôi cuốn và quyết định chuyển hướng sang đầu tư, phát triển thứ nông sản này. Đây không phải là lần đầu tiên anh Dũng bỏ dở một công việc tương đối thuận lợi để rẽ sang hướng khác, nhưng thứ quả nhỏ bé này đã níu chân anh bởi chính hương vị cay nồng, đậm đà của nó.

Theo anh Dũng, có nhiều yếu tố để làm nên đặc sản tương ớt Mường Khương như khí hậu, nguồn nước hay việc ủ bằng loại rượu ngô đặc biệt của bà con… Để giữ được hương vị nguyên bản của loại tương ớt này, anh Dũng đã bỏ nhiều công sức và thời gian để tìm hiểu, học hỏi cách làm của đồng bào. Một số người cho rằng anh gàn dở khi bỏ ngang một lĩnh vực "hái ra tiền" để làm nông dân nhưng anh vẫn nung nấu ý định của riêng mình. Những mẻ sản phẩm đầu tiên ra đời được chế biến hoàn toàn thủ công mang lại cho anh nhiều kinh nghiệm quý báu.

Sau những lần làm thử nghiệm đạt kết quả tốt, anh Dũng đã nghĩ đến việc tạo nên một dây chuyền chế biến ổn định và hướng tới cách đăng ký thương hiệu cho sản phẩm. Sau nhiều nỗ lực, năm 2005, anh thành lập hợp tác xã kinh doanh tổng hợp Mường Khương, đồng thời đăng ký ngay cho thương hiệu tương ớt Mường Khương.

Thời điểm đó, hợp tác xã tiến hành thu mua hết sản lượng ớt mà bà con nơi đây trồng được. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu đầu vào lại chỉ đáp ứng được một nửa công suất chế biến. Cụ thể, trong khi đơn vị cần khoảng 1.400 tấn ớt mỗi năm thì ớt nguyên liệu do bà con cung ứng mới chỉ đạt khoảng 700 tấn. Anh lập tức đối mặt với bài toán mở rộng vùng nguyên liệu.

Không chùn bước trước hoàn cảnh, trong khi 35 thành viên của hợp tác xã chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số, khó khăn, không có vốn để góp, anh Dũng phải bán tài sản cá nhân để duy trì hoạt động của cơ sở. Có chút vốn trong tay, anh tập trung tuyển chọn, làm ớt giống rồi cấp cho bà con trồng nhằm lấy đủ sản lượng cho nhà máy chế biến. Loại ớt gốc mà hợp tác xã sử dụng vẫn là giống ớt thóc cổ có từ ngày xưa mà bà con vẫn trồng. Giải quyết được khâu nguyên liệu đầu vào, cơ sở của anh lại đi vào hoạt động bình thường.

Đầu năm 2006, Cục Sở hữu Trí tuệ cấp chủ quyền thương hiệu cho sản phẩm tương ớt Mường Khương của hợp tác xã do anh Nguyễn Văn Dũng làm chủ. Năm 2011, do sản phẩm làm ra không đáp ứng đủ cho các đơn hàng, anh Dũng đầu tư thêm khoảng 2 tỷ để mở rộng dây chuyền sản xuất, giúp tăng sản lượng và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Sau một thời gian có mặt trên thị trường, sản phẩm tương ớt Mường Khương được nhiều khách hàng ở mọi vùng miền trên cả nước biết đến và ưa chuộng. Điều này vừa mang ý nghĩa về mặt kinh tế, vừa góp phần lưu giữ những giá trị truyền thống văn hóa của cộng đồng các dân tộc Lào Cai, trong đó, không thể không nhắc đến công sức của anh Dũng - người vực dậy và phát triển thương hiệu tương ớt Mường Khương.

Bình luận của bạn