Sáng tạo để làm giàu

Sau khi đi xuất khẩu lao động từ Hàn Quốc trở về, anh Đặng Võ Nhật Trường - 34 tuổi, ở ấp Thạnh Thới (xã Đông Thạnh, Châu Thành, Hậu Giang) đã chế tạo thành công máy băm rau phục vụ chăn nuôi, giúp tiết kiệm thời gian và công sức…

alt

Nhà anh Trường cách trung tâm xã Đông Thạnh chưa đầy 5 km nhưng để đến được cũng lắm gian nan vì con đường bùn đất lầy lội, ngoằn ngèo và vắng vẻ. 

Anh Trường có nước da ngâm đen, vui vẻ. Anh dẫn chúng tôi ra sau nhà để giới thiệu sản phẩm vừa chế tạo được sau 5 năm “học hỏi” ở xứ người.

Anh cho biết, máy thiết kế nhỏ gọn dễ di chuyển để phù hợp với hộ gia đình. Cấu tạo đơn giản gồm: 2 motor, băng chuyền và lưỡi dao... chi phí đầu tư hơn 7 triệu đồng, thời gian làm mất hơn nửa tháng. 

Nói xong, anh cắm chui vào ổ điện cho motor chạy rồi cho khoảng chục cân rau muống vào chưa đầy 5 phút cho ra sản phẩm. Cầm mớ rau vừa băm xong trên tay, anh Trường nói: “Rau nhuyễn, đều và không bị dập. Chứ nếu dập thì gà sẽ chê không ăn”. 

Theo anh Trường, một người lao động băm nhuyễn 100 kg rau bằng tay mất cả buổi, còn dùng máy mất 40 phút, công suất trên 1 tấn rau/ngày. Máy có thể băm nhuyễn được các loại rau như: rau muống, rau trai, lục bình… dùng để heo, gà, vịt, cá ăn.

Anh Trường là con thứ hai trong gia đình 3 anh em, trước đây điều kiện khó khăn nên học hết lớp 10 rồi nghỉ đi làm thuê rồi bạn bè rủ đi xuất khẩu lao động để kiếm tiền về giúp đỡ cha mẹ. 

Anh kể: “Tôi đi Hàn Quốc được 5 năm, bên đó làm việc cho trang trại nuôi heo quy mô 10.000 con, tất cả đều tự động từ khâu cho ăn đến tắm rửa. Nhiệm vụ của tôi là vệ sinh chuồng trại, lương hơn 20 triệu đồng/tháng”.

Năm 2013, hết hợp đồng, anh trở về nhà mở trang trại chăn nuôi heo, gà. Anh cho biết, nuôi gà chủ yếu cho ăn rau xanh chứ không cho ăn thức ăn công nghiệp. 

Vì gà ăn rau xanh thịt sẽ dai và ngon hơn. Thời gian đầu, anh tận dụng các loại rau mọc quanh nhà và ngoài đồng cắt về rồi dùng tay băm nhuyễn. Tuy nhiên, làm một thời gian thấy tốn nhiều công sức, mệt mỏi nên nảy ra ý tưởng chế tạo ra chiếc máy băm rau cho đỡ nhọc nhằn.

Sau đó, anh tìm đến các cửa hàng bán máy nông nghiệp, phục vụ chăn nuôi, xưởng cơ khí ở khắp các tỉnh ĐBSCL để hỏi mua và quan sát tích lũy kinh nghiệm. 

Anh Trường cho biết, có những chiếc máy băm ra được rau nhưng nhược điểm là bị dập, gà chê không ăn. Sau nhiều đêm phác thảo ý tưởng, anh nhờ một người bạn làm cơ khí đến nhà làm theo ý mình và đã thành công. 

“Máy băm rau ở Hàn Quốc tất cả đều tự động và đảm bảo an toàn lao động nên giá đến hàng trăm triệu đồng, không thể mua nổi nên tôi thiết kế máy phù hợp nuôi gia đình và túi tiền của mình”.

Hiện nay, điều anh Trường trăn trở nhất là muốn xây dựng quy trình sản xuất sạch bằng cách cho gà ăn sạch, hạn chế thức ăn tăng trọng để vừa đảm bảo chất lượng gà được ngon và sức khỏe người tiêu dùng. Đồng thời, muốn đăng ký quyền sở hữu trí tuệ sản phẩm mình làm ra để tránh phiền phức về sau…

Khát vọng làm giàu

Năm 2013, sau khi từ Hàn Quốc trở về và tích lũy ít vốn, anh Trường đầu tư gần 100 triệu đồng để mở trang trại nuôi 10 con heo sinh sản, 40 con heo thịt và 500 con gà. 

Vụ đầu, nuôi đạt hiệu quả, có lãi hơn 50 triệu đồng. Năm 2014, anh mở rộng quy mô lên 3.000 con gà và thêm 2.000 con vịt. Đồng thời, mỗi năm heo sinh đẻ khoảng 250 con, giữ lại nuôi để đảm bảo chất lượng con giống.

Anh Trường tính toán, một con heo nuôi hơn 3,5 tháng xuất chuồng với giá từ 40.000 - 50.000 đồng/kg heo hơi, mỗi con trên 100 kg sẽ lãi khoảng 700.000 đồng. 

Còn gà, vịt nuôi hơn 3 tháng, trung bình lãi khoảng 20.000 đồng/con. Ngoài ra, nuôi gà, vịt cho ăn bằng rau xanh không chỉ giúp thịt ngon mà còn tiết kiệm được khoảng 40% chi phí so với nuôi bằng thức ăn. Trung bình, 1.000 con gà mỗi ngày cho ăn khoảng 100 kg rau xanh.

Năm 2014, anh Trường bán 4 đợt với trên 10.000 con heo, gà, vịt, trừ chi phí lãi trên 200 triệu đồng. Vừa qua anh bán 4 đợt heo với tổng số gần 100 con. 

Hiện tại, ngoài việc đang nuôi gần 60 con heo thịt, heo giống và khoảng 400 con vịt. Anh vay ngân hàng thêm 100 triệu đồng để mở rộng diện tích, xây thêm 2 chuồng nuôi heo và 1 chuồng nuôi gà với diện tích gần 2.000 m2.

Anh Huỳnh Thanh Tuyền - Bí thư Xã đoàn Đông Thạnh, cho biết: Anh Trường là thanh niên cầu tiến, có ý chí vươn lên. Anh đã mạnh dạn vận dụng kiến thức, kinh nghiệm từ nước ngoài về áp dụng tại địa phương để làm giàu chính đáng.

Còn Bí thư Huyện đoàn Châu Thành, chị Nguyễn Thị Ngọc Chân, nói: “Chúng tôi luôn tạo điều kiện, giúp đỡ mô hình của anh Trường phát triển. Qua đó để nhân rộng cho thanh niên trong huyện học tập…”.

Nguồn: Báo Giáo dục thời đại

Bình luận của bạn