Sinh viên ăn mì gói dành tiền tập kinh doanh
Nhiều sinh viên chấp nhận ăn mì gói để có vốn mở gian hàng trong chợ đêm ở làng ĐH Thủ Đức, học một bài toán kinh doanh thực tế.
Biết sinh viên thích uống trà sữa, Trần Thị Thảo và Phạm Thị Thanh Bình (sinh viên năm 2 khoa công tác xã hội Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) nhận đặt hàng online và giao hàng tận ký túc xá hoặc phòng trọ. Ăn mì gói là cách mà họ chọn để có tiền mua đồ nghề như bếp, thùng giữ nhiệt, ly, nồi, nguyên liệu... Bài toán của Thảo và Bình tính thật gọn gàng: bán được 35-40 ly, cao điểm có khi kiếm lời được 140.000 đồng/ngày.
Bạn Nguyễn Văn Tuấn (sinh viên năm cuối khoa nông học Trường ĐH Nông lâm TP.HCM) có gian hàng khắc chữ trên bút chì. Tuấn có sáu tháng học cách khắc bút chì và 900.000 đồng tiền vốn. Bạn bè là những người đặt hàng đầu tiên, mỗi ký tự 4.000 đồng. “Mình chủ yếu lấy công làm lời thôi. Thu nhập mỗi tối gần 100.000 đồng” - Tuấn cho biết.
Các bạn nói họ bán hàng để có trải nghiệm với bài học ở trường. Thảo chia sẻ: “Để có giá hữu nghị, tụi mình kiếm những nơi lấy hàng quen biết, có uy tín, giá cả phù hợp. Có tiền nhờ bán hàng, không phải xin tiền ba mẹ, mình cảm thấy rất vui”.
Bạn Lưu Thị Minh Hiền, Trường ĐH Kinh tế - luật TP.HCM, có gian hàng áo quần ở chợ đêm từ những ngày học năm 3, cũng nói tính toán số tiền bỏ ra, học cách bán hàng là cơ hội để các bạn “học đi đôi với hành”.
Bạn Đỗ Thị Bình (khoa kinh tế Trường ĐH Kinh tế - luật TP.HCM), là khách hàng thường xuyên của chợ đêm, nói: “Làng ĐH khép kín nên dịch vụ còn hạn chế, dạo chợ đêm là thú vui của sinh viên. Mình thích mua hàng của sinh viên bán vì giá vừa phải mà cũng là cách để ủng hộ bạn mình nữa”.
Đứng bên gian hàng bán móc khóa đồ gỗ của mình, bạn Đỗ Thị Bích Liên và Lê Đức Huy (năm 4 Trường ĐH Thể dục thể thao TP.HCM) cho rằng: “Hàng phải độc, đẹp mà rẻ thì mới bán được cho sinh viên ở đây”. Đó là bí quyết cạnh tranh mà những sinh viên này học được.
Theo báo Tuổi Trẻ