Tài kinh doanh của ba chị em sinh viên
16h18 ngày 05/09/2015
Đến đường Lê Minh TP.Huế, hỏi quán nướng cay sinh viên là không ai không biết. Quán nổi tiếng không chỉ ở chất lượng của món nướng cay mà còn ở cái tài kinh doanh của ba chị em sinh viên người Huế.
Không gian quán nướng của ba chị em sinh viên.
Giữ khách hàng cũ
Quán nướng cay tối nào cũng không có chỗ ngồi. Không giống như nhiều sinh viên (SV) khác khi làm kinh doanh thường bị thua lỗ hay ngưng nghỉ giữa chừng, quán nướng cay hoạt động đến nay đã hơn hai năm mà khách cứ càng ngày càng đông.
Là chị thứ hai trong ba chị em, Trần Thị Thảo Trang, SV năm thứ 3, Trường ĐH Kinh tế Huế, bộc bạch về ý tưởng mở quán: “Cách đây hai năm cậu bạn em học trong Đà Nẵng ra Huế mở quán nướng mọi, tức là nướng mà không có đồ màu nhưng được một tuần thì quán ế quá nên nghỉ. Thấy tốn không nhiều vốn để mở quán, ba chị em mới bắt đầu nghĩ đến hình thức kinh doanh này. Lúc đầu, cứ mua đồ màu về ướp thử. Thử nghiệm nhiều lần với nhiều loại đồ màu khác nhau thì thấy hợp và ai cũng khen ngon nên quyết định mở quán”.
Bản thân là SV nên gặp phải nhiều khó khăn khi kinh doanh. Lúc đầu là sự phản đối từ phía gia đình. Sau nhiều lần thuyết phục, gia đình mới đồng ý cho ba chị em mở quán. Khi quán mở, chị em Trang phải tìm cách để khách biết đến quán, rồi nghĩ cách để giữ được khách. Những công việc này với SV như chị em Trang thật sự chẳng dễ tý nào.
Bước đầu gặp phải nhiều khó khăn nhưng với sự quyết tâm, ba chị em Trang giờ đã là chủ của một quán nướng cay đông khách ở Huế. “Khách của quán đa phần là khách quen mà theo quan điểm của tụi em thì việc tìm một khách mới tốn chi phí hơn gấp nhiều lần việc giữ một người khách cũ. Thay vì cố tìm kiếm khách mới, tụi em giữ khách hàng cũ. Những khách hàng cũ này sẽ giới thiệu ra nhiều khách hàng mới, từ đấy quán tụi em dần dần đông khách lên”, chị em Trang bật mí về phương thức kinh doanh của mình.
Để không phải nói: “giá như...”
Lúc mới lập quán, Trần Thị Sương, SV Trường ĐH Sư phạm Huế và cũng là chị lớn đứng ra quản lý. Đến khi Sương ra trường và phải tiếp tục học lên thạc sĩ nên giao lại cho Trang và đứa em trai là Trần Hữu Hoàng hiện đang là SV năm thứ 2, Trường ĐH Kinh tế Huế. Quán được lập nên từ ba cô cậu SV, nên từ nhân viên đến cách thức phục vụ rồi giá cả cũng rất... SV. Giá của các món trong quán đều giao động từ 20.000 - 35.000 đồng. Món cao nhất là thập cẩm nướng chỉ 40.000 đồng.
Nhân viên của quán đa phần là bạn bè thân thiết của ba chị em. Trang chia sẻ: “Một phần muốn cùng là SV để dễ quản lý. Hơn nữa tụi mình cũng muốn tạo điều kiện cho những đứa bạn có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống SV”. Đến nay quán của Trang có 14 nhân viên làm việc từ 15 giờ 30 đến 22 giờ/ngày. Tùy vào công việc mà trả tiền công, nhưng thấp nhất là 50.000 đồng/công. Bình quân mỗi tháng tiền công mà chị em Trang phải trả nhân viên ít nhất là 21 triệu đồng, cộng thêm 5 triệu đồng tiền thuê mặt bằng, rồi còn tiền mua nguyên liệu... Nếu tính tổng lại sẽ là một con số phải chi ra khó tưởng của một SV.
Vì tất cả nhân viên đều là SV nên đến kỳ thi là nghỉ cả loạt, chị em Trang phải tự làm tất cả các công việc ở quán. Hay nhiều khi ba chị em phải thay phiên nhau vì bản thân cả ba cũng phải đi thi. Mặc dù bận rộn với công việc của quán nhưng thành tích học tập của ba chị em đều khá cao. Mới đây, Sương đã bảo vệ xong luận văn thạc sĩ.
Quán ngày càng đông khách, khối lượng công việc ngày càng lớn khiến nhiều khi chị em Trang phải quay cuồng. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng trong ánh mắt của ba chị em luôn ẩn chứa một khát khao cháy bỏng và niềm tin thành công. Nhìn lại hơn hai năm làm kinh doanh, Trang chia sẻ: “Thất bại là điều khó tránh khỏi. Nhưng bằng nhiệt huyết của người trẻ bạn đừng mau chóng đầu hàng khó khăn. Mạnh dạn làm những điều mình nghĩ. Và dù không thành công thì sau này bạn cũng không phải nói: giá như...”.
Theo Báo Thanh Niên
Bình luận của bạn