Tận mục vườn mít của triệu phú miệt vườn

Với việc trồng mít, nuôi cá “sạch”, ông Lương Văn Tám, còn gọi là Tám Quýt (63 tuổi) ở ấp Long Hòa A2, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) có nguồn thu nhập khoảng 400 triệu đồng/năm.

Tuổi đã cao, không chịu cảnh làm ruộng được mùa mất giá. Năm 2011, ông Tám Quýt quyết định chuyển 2 công ruộng để trồng thử nghiệm 200 cây mít Thái siêu sớm để tăng thu nhập kinh tế gia đình vì thấy mít dễ trồng, chi phí đầu tư thấp lại nhẹ công chăm sóc.

 Sau 14 tháng trồng và chăm sóc, 200 cây mít của ông Tám cho thu hoạch trái. Ông Tám nói: “Mít Thái trồng cho trái quanh năm, thu hoạch rộ vào khoảng tháng 5 và tháng 11. Từ khi đậu trái đến thu hoạch khoảng 3,5 tháng”

Năm đầu tiên trồng mít bán được với giá cao, nhưng năng suất cũng chỉ ở mức khá do chưa nắm được kỹ thuật, cách phòng trừ sâu bệnh. Tuy nhiên, với bản tính chịu khó, cần cù, không ngừng học hỏi kinh nghiệm, ông Tám quyết định mở rộng 6 công đất nữa để trồng thêm 1.000 cây mít.

Năng suất mít đạt khoảng từ 100 - 150 kg/cây, với giá bán từ 10.000 - 20.000 đ/kg vì vườn ông Tám không có mít nhỏ (nếu có cũng chỉ để cho cá ăn). Mỗi cây mít sẽ cho thu nhập khoảng trên 1 triệu đồng/năm.

alt

Ở tuổi 63, không có nhiều sức khỏe như thanh niên, việc phun xịt thuốc cho vườn mít sẽ tốn nhiều công lao động, chi phí và chất lượng sản phẩm không an toàn. Chính suy nghĩ đó, lão nông này đã trồng mít theo kiểu bao trái.

Năm thu hoạch đầu tiên, vườn mít thu lãi trên 30 triệu đồng, nhưng đa phần chất lượng trái không đẹp vì sâu đục, nám…nên ông Tám sử dụng túi nylon (loại đựng 25kg gạo) để bao mít.

Ông Tám nhớ lại, thấy trái mít bị sâu, bệnh tấn công mà không phun xịt được nên chọn cách bao trái bằng túi nylon mà chỉ hạn chế được sâu, bệnh nhưng mẫu mã trái vẫn không đẹp lại không bền. Vì mỗi túi nylon chỉ sử dụng được một vụ (3,5 tháng). Không chịu đầu hàng, lão nông đã dành thời tìm tòi, mài mò suy nghĩ để chọn loại vật liệu bao trái vừa tiết kiệm, vừa an toàn và nâng cao chất lượng mít.

Sau thời gian tìm hiểu, ông Tám nhận thấy lưới cước Thái sử dụng rất phù hợp nên tiến hành mua và đặt may với chi phí 4.000 đồng/cái.

Từ việc quan sát được tập tính của sâu đục trái (do bướm sinh ra) và ruồi lưng vàng chỉ đáp ngang chứ không từ dưới lên, nên 1.000 túi lưới sau này được ông Tám thiết kế may theo dạng không đáy để giảm chi phí đầu tư chỉ còn 3.500 đồng/cái thay vì 4.000 đ/cái so với trước đây.

Theo ông Tám Quýt, nên chọn cước Thái loại khổ 1m để may. Mỗi túi cắt chiều dài 70 cm, chỉ may một đường dọc theo thân túi và trên đầu mỗi túi may một đường chạy vòng khoảng 1 cm để xỏ dây vào, giúp cho việc buộc, mở khi bao trái và thu hoạch dễ dàng. Nên bao trái ở giai đoạn 10 ngày sau khi mít đậu trái.

Đối với một cây mít nhỏ nên để 3 - 4 trái/cây, còn 8 - 10 trái/cây đối với cây mít 3 năm tuổi. Số lượng trái lên khi tuổi đời cây càng lớn. Như vậy, cây không bị mất sức.

Trồng mít không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên khu vườn, nguồn nước không bị ô nhiễm. Do đó, ông Tám tận dụng diện tích mặt nước để nuôi cá đồng. Xác định trồng mít nhiều sẽ có một phần mít hư không bán được và để giải quyết thì tận dụng nuôi cá.

Để có được môi trường nuôi cá lý tưởng, ông Tám dành 7 công ruộng còn lại để tạo ra môi trường thiên nhiên vừa có mương, vừa có ruộng và trồng rau lan, muống, khoai mì để làm thức ăn cho cá.

Hiện vườn mít của ông Tám đang cho thu hoạch, mỗi đợt thu hoạch cách nhau 5 ngày, sản lượng vài trăm kg đến hơn tấn/lần.

Được thương lái đến tận vườn thu mua với giá 10.000 - 20.000 đồng/kg (tùy thời điểm) và thu hoạch đạt khoảng 5 tấn cá với giá bán 25.000 - 30.000 đồng/kg. Tổng thu nhập mỗi năm trên khoảng 400 triệu đồng.

Nguồn: giaoducthoidai

Bình luận của bạn