Thạc sĩ tài chính thu mỗi tháng gần tỷ đồng từ rau sạch

Là thạc sĩ tài chính ngân hàng, vài năm trước anh Nguyễn Văn Dương không nghĩ mình sẽ chuyển hướng làm nông nghiệp sạch. Khi còn làm việc tại ngân hàng, quá trình đi thẩm định cho vay vốn, anh Dương nhận thấy phần lớn người nông dân hiện vẫn phun thuốc, bón phân kiểu truyền thống, nên khó thâm nhập những thị trường ngày càng khó tính, yêu cầu cao về rau sạch.

"Cũng chính từ đó, khi thấy tiềm năng nhu cầu thị trường rau sạch đang ngày càng tăng cao, năm 2014 có cơ hội được sang Thái Lan tìm hiểu công nghệ sản xuất rau sạch tiêu chuẩn châu Âu, về nước tôi đã quyết tâm triển khai dự án", anh Dương chia sẻ. Khoảng thời gian này đối với anh Dương gặp nhiều khó khăn khi vừa phải lo làm công việc tại ngân hàng, vừa lo sản xuất rau sạch.

Tháng 6/2015, anh Dương dồn tiền để mua 4 ha đất tại tổ Vạn Thành (phường 5, TP Đà Lạt), trong đó đầu tư hơn 12 tỷ đồng nhập các thiết bị từ Thái Lan để trồng 1 ha các loại rau thủy canh. Đây là một trong những vườn thủy canh lớn và hiện đại bậc nhất tại Đà Lạt.

Hạt giống rau nhập từ nước ngoài sau khi được trồng trong xơ dừa (đã diệt khuẩn, sạch các mầm bệnh) sẽ được đặt vào hệ thống đường nằm cách bề mặt đất khoảng 70cm. Chất dinh dưỡng được pha theo tỷ lệ thích hợp sẽ hòa vào nước chảy qua những ống dẫn để nuôi sống cây rau phát triển từ lúc trồng trong giá thể xơ dừa cho đến lúc thu hoạch. Tất cả các công đoạn canh tác rau thủy canh được thực hiện tự động.

"Nguồn nước tưới đảm bảo các tiêu chuẩn là yếu tố quan trọng và quyết định tới năng suất và chất lượng rau nên thường xuyên được kiểm tra các đặc tính an toàn, sau khi đảm bảo các yếu tố 'chuẩn' thì mới đưa vào hệ thống ống dẫn", anh Dương chia sẻ.

Song song với việc trồng rau sạch, anh Dương lo tìm đầu ra cho sản phẩm. Bằng việc đưa sản phẩm tặng đầu mối tiêu thụ dùng thử trong lứa đầu tiên, ngay lập tức các đối tác đã đặt vấn đề bao tiêu sản phẩm rau thủy canh của trang trại. Bởi với quy trình sản xuất hiện đại, khép kín, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, quy mô lớn, có thể cung cấp hàng liên tục không bị gián đoạn bất kể mùa nào trong năm. Hiện trang trại của anh Dương đã có nền tảng vững chắc trong khâu tiêu thụ là chuỗi các siêu thị lớn, hệ thống cửa hàng đồ ăn nhanh và cả xuất khẩu.

Anh cho biết thêm, trồng rau thủy canh ban đầu vốn rất lớn nhưng với mỗi lứa rau ăn lá chỉ cần 25 đến 30 ngày là thu hoạch nên hàng năm có thể trồng được nhiều vụ hơn cách trồng giá thể hay trồng trên đất, giá bán cũng cao hơn nên khả năng thu hồi vốn nhanh.

Đến tháng 3/2016, anh Dương chính thức nghỉ việc ở ngân hàng và thành lập Công ty TNHH Đà Lạt rau thủy canh, chuyên cung cấp, lắp đặt chuyển giao kỹ thuật trồng rau thủy canh.

Hiện nay, mỗi ngày trang trại rau thủy canh của anh Dương thu hoạch hơn 1 tấn rau sạch bao gồm rau ăn lá như: xà lách các loại, cải, rau muống... cho thị trường các tỉnh thành trong cả nước và xuất khẩu sang Hàn Quốc. Với giá bán trung bình khoảng 35.000 đồng một kg, sau khi trừ các chi phí, mỗi tháng lợi nhuận đạt từ 800 đến 900 triệu đồng.

Chưa dừng lại ở đó, trong chiến lược kinh doanh của mình, anh Dương đã dành 3ha còn lại để đầu tư mô hình kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp và thu hút khách tham quan. Đây là mô hình du lịch canh nông khép kín đầu tiên ở thành phố Đà Lạt. "Ban đầu tôi dự kiến mở cửa đón khách vào đầu tháng 1/2017, nhưng ngay từ khi cơ sở vật chất đang hoàn thiện mà mỗi ngày đã có hàng trăm lượt người, ngày cao điểm tới cả ngàn lượt", anh Dương chia sẻ.

Với mong muốn để mỗi du khách lên Đà Lạt có thể tham quan nhà vườn hiện đại, trải nghiệm những việc làm của nông dân, được thu hoạch và có thể mua sắm nông sản ngay tại chỗ mà không phải di chuyển từ điểm này sang điểm khác, đến nay anh Dương đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng để xây dựng các khu sản xuất rau thủy canh, cà chua, khu trồng hoa, dâu tây công nghệ cao, hệ thống nhà hàng chuyên phục vụ các món rau và một khu trưng bày với khoảng 30 loại rau sạch giới thiệu tới du khách.

Bình luận của bạn