Thanh niên dân tộc mê khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa

Không chỉ thể hiện tính độc đáo, các dự án khởi nghiệp của thanh niên dân tộc còn ứng dụng công nghệ vào dự án, tạo ra điểm nhấn của cuộc thi “Dự án khởi nghiệp nông nghiệp lần 4” năm 2018.

Đây là đánh giá của Hội đồng giám khảo tại vòng sơ loại cuộc thi năm nay. Các dự án của thanh niên dân tộc miền núi có tính thực tiễn, mới lạ, nhiều dự án thể hiện được sự độc đáo, áp dụng công nghệ trong sản xuất, kinh doanh.

Mặt khác, theo thống kê, số lượng dự án ở khu vực phía Bắc cũng như thanh niên các dân tộc miền núi tăng mạnh. Trong đó phải kể đến các bạn trẻ thuộc đồng bào các dân tộc như: Dao, H’Mông, Mường, Nùng, Thái, Tày, K’Ho, Chu Ru, Cờ Lao, Mông… đến từ các tỉnh, thành như Sơn La, Hòa Bình, Bắc Kạn, Phú Thọ, khu vực Tây Nguyên.

Theo Ban tổ chức, cuộc thi “Dự án khởi nghiệp nông nghiệp” thu hút 157 dự án đến từ 27 tỉnh thành trên cả nước. Các dự án đều đã được triển khai, có sản phẩm là đặc sản đang được phân phối, kinh doanh trên thị trường. Nhiều sản phẩm mang tính độc đáo, có bản sắc riêng, được khai thác từ nguồn tài nguyên bản địa. Trong đó, Bến Tre là địa phương có số lượng gửi bài dự thi đông nhất với 41 dự án, vượt qua Đồng Tháp (31 dự án).

Sau vòng sơ loại, 108 bài thi khắp các vùng miền được Hội đồng giám khảo chọn vào vòng bán kết, diễn ra tại Bến Tre, TP.HCM và Hà Nội vào tháng 9/2018.

Trước đó, Ban tổ chức đã thực hiện chuỗi tập huấn, huấn luyện, các diễn đàn, tham quan mô hình khởi nghiệp ở hơn 20 tỉnh, thành khắp cả nước. 1000 hồ sơ tham gia cuộc thi được phát đến các thanh niên, sinh viên, những người mới khởi nghiệp, CLB làng nghề, các tổ hợp tác…

Cuộc thi "Dự án khởi nghiệp nông nghiệp" do Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức hằng năm, bắt đầu từ năm 2015. Đến nay, cuộc thi đã được tổ chức trên phạm vi cả nước với sự tham gia của hàng trăm dự án khởi nghiệp. Cuộc thi năm 2018, số lượng dự án đăng ký tham gia tăng hơn 30% so với cuộc thi năm 2017.

 

Bình luận của bạn