Thanh niên Raglai khởi nghiệp làm giàu nhờ trồng chanh dây
Bằng ý chí, khát vọng, thanh niên dân tộc Raglai Lương Tự Trị, với mô hình trồng chanh dây đã vươn lên làm giàu trên quê hương mình.
Hưởng ứng phong trào “Thanh niên khởi nghiệp” do Trung ương Đoàn phát động, những năm qua, nhiều thanh niên trên địa bàn huyện miền núi Bác Ái – tỉnh Ninh Thuận phát huy vai trò xung kích, năng động và “khởi nghiệp” thành công.
Để có 6 sào trồng chanh dây tươi tốt, anh Lương Tự Trị ở xã Phước Hòa, huyện Bác Ái-tỉnh Ninh Thuận đã tìm mua giống chanh dây từ thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng và tự học hỏi kỹ thuật trồng.
Không ít lần giàn chanh dây bị đổ ngã do gặp mưa nhiều, chất lượng trái không đảm bảo. Không bỏ cuộc, anh Trị mạnh dạn vay vốn hơn 100 triệu đồng đầu tư giàn kiên cố và tìm tòi học hỏi kỹ thuật chăm sóc cây chanh dây; kết quả vụ đầu tiên, 6 sào chanh dây đã cho thu nhập 30 triệu đồng/tháng, cứ 4 ngày thu hoạch một lần với năng suất từ 300 đến 400 kg/sào.
Nhận thấy tiềm năng kinh tế của loại cây này phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, nhiều đoàn viên thanh niên dân tộc Raglai được anh Lương Tự Trị hướng dẫn cách trồng, chăm sóc.
Đoàn thanh niên xã Phước Hòa, huyện Bác Ái đã tổ chức cho các đoàn viên, thanh niên dân tộc Raglai tham quan mô hình trồng chanh dây của anh Lương Tự Trị; phối hợp với Trung tâm khuyến nông huyện tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật, giúp thanh niên nắm rõ quy trình sản xuất mô hình trồng chanh dây tại địa phương.
Anh Katơr Chí, Bí thư Đoàn xã Phước Hòa, Bác Ái nói, "Sắp tới, xã đoàn chúng tôi đề xuất Cấp ủy chính quyền địa phương mở lớp dạy nghề để có kiến thức trồng chanh dây để có hiệu quả, đạt kết quả tốt."
Là cây trồng mới và trồng thử nghiệm ở xã Phước Hòa bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao nên nhiều người đã tìm hiểu và trồng cây chanh dây. Bên cạnh đó, thương lái từ tỉnh Lâm Đồng đến thu mua tại vườn nên nhiều thanh niên trong xã yên tâm khi đưa giống chanh dây về trồng tại địa phương.
Với kết quả ban đầu của mô hình trồng chanh dây của anh Lương Tự Trị đã giúp thanh niên vùng đồng bào dân tộc Raglai mạnh dạn đầu tư vào cây trồng mới, góp phần giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở địa phương