Thất bại liên tiếp vẫn không từ bỏ ao, vườn

Mặc dù thua lỗ nhiều lần, có năm mất tới 300 triệu đồng nhưng Nguyễn Lê Ngọc Chinh sinh năm 1985 ở Tây Ninh vẫn không từ bỏ mô hình nông nghiệp đã theo đuổi từ khi mới 18 tuổi.

Tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2004, do hoàn cảnh gia đình khó khăn  Nguyễn Lê Ngọc Chinh ở huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh) phải tạm gác việc học để phụ giúp gia đình.

Thấy đất vườn nhà rộng rãi, sau khi tìm hiểu nhiều mô hình chăn nuôi khác nhau, Chinh thuyết phục gia đình đào ao nuôi cá lóc bông và trồng xen canh 100 cây dừa quanh bờ.

“Với số vốn ban đầu 200 triệu đồng và 5.000m2 đất vườn, tôi cùng gia đình dành ra 2.000m2 để nuôi cá lóc bông, số còn lại trồng dừa”, Chinh nói.

Thời gian đầu, mô hình kinh doanh của gia đình Chinh gặp rất nhiều khó khăn, 4 năm liền chỉ thu được lãi khoảng 10 triệu đồng. Nhiều lúc cả nhà muốn chuyển đổi sang canh tác loại khác nhưng vì ở miền quê lại quen với làm nông nghiệp nên không dễ dàng chuyển đổi.

alt


Nguyễn Lê Ngọc Chinh (phải) không chỉ nhiệt huyết trong kinh doanh mà còn là cán bộ đoàn giỏi. Ảnh: NVCC.

Với kiến thức góp nhặt được từ những mô hình nuôi trồng khác, cộng với tìm tòi trên mạng, Chinh đã cùng gia đình liên tục cải thiện mô hình theo hướng chăm sóc mới cho năng suất cao hơn. Năm 2009, mô hình mới mang lại lợi nhuận vài chục triệu đồng. Nhưng rồi điệp khúc lỗ vẫn quay trở lại với gia đình cô 2 năm liên tiếp sau đó.Đến năm 2008, Chinh quyết định theo đuổi lại việc học. Cô tập trung ôn luyện và thi đậu vào ngành Quản trị kinh doanh trường Cao đẳng Công Thương TP HCM. Song song với việc học, cô gái 8x này vẫn miệt mài theo dõi và phụ giúp gia đình mỗi khi rảnh rỗi.

“Mặc dù đã cải thiện chế độ chăm sóc và năng suất cũng được nâng lên, nhưng 2010 gia đình tôi lỗ tiếp 60 triệu đồng. Nguyên nhân chính là do giá cá lóc bông xuống giá thê thảm. Chi phí đầu tư cao hơn so với giá đầu ra”, Chinh nói.

Đến năm 2011, sau khi tốt nghiệp ra trường, Chinh lúc này đã là Bí thư Đoàn kiêm Chủ tịch Hiệp hội thanh niên thị trấn Dương Minh Châu lập gia đình và bắt đầu dành hết tâm huyết cho nông nghiệp.

"Khi còn là sinh viên, tôi tìm hiểu và phát hiện ra giống ba ba lai sông Hồng cho hiệu quả kinh tế cao. Đây là giống ba ba mới có chất lượng thịt ngon và nặng cân hơn so với những giống ba ba khác. Do vậy, tôi quyết định đầu tư thêm 200 triệu để đầu tư nuôi 6.000 con ba ba giống", Chinh kể.

Dẫu đã tìm hiểu kỹ lưỡng về loài này từ mấy năm trước nhưng do thiếu kinh nghiệm chăm sóc thực tế nên đàn ba ba của Chinh đã chết mất một nửa, chỉ còn lại 3.000 con. Thấy ba ba chết trắng ao, Chinh vô cùng hụt hẫng. Nhưng rồi cô lại nghĩ "thất bại là mẹ thành công" nên quyết định làm tiếp. Năm đó cô lỗ 100 triệu đồng.

Chinh kể, nuôi ba ba giai đoạn khó nhất là trong quá trình sinh trưởng cần phân biệt được giống đực, cái để phân loại và chọn lọc chăm sóc cho chúng phát triển đồng đều. Thêm nữa, loại này thường thích sống ở bùn lầy nên nếu bị thương không chữa trị kịp thời sẽ lở loét và chết. Hoặc nếu nước hồ nuôi ba ba ít quá hoặc nóng quá cũng khó sống.

Về cá lóc bông, giống này rất "khó tính", nếu đúng giờ mới ăn, còn lệch giờ là bỏ bữa. Khi chúng bị bệnh sẽ nhanh chóng chết hàng loạt. Chi phí đầu tư nuôi cá lóc bông luôn cao hơn cá lóc thường và chậm lớn. Nếu cá lóc thường nuôi 4 tháng là cho xuất thì cá lóc bông phải mất 8 tháng. Về ưu điểm, loại này cho thịt thơm ngon, giá cao.

"Còn dừa, ai nhìn vào cũng tưởng đơn giản nhưng thời kỳ đầu nhà tôi trồng 120 cây chết mất 30 cây vì khi chuyển giao mùa không biết cách phun thuốc phòng bệnh", Chinh chia sẻ.

Từ những khó khăn trên, Chinh đúc rút kinh nghiệm và điều chỉnh chế độ chăm sóc cho cá và cây. Để mô hình ao - vườn phát triển tốt và tối ưu hóa chi phí, thông thường thức ăn của cá còn thừa cô sẽ vớt ra cho ba ba ăn. Còn nước ao cá, hồ nuôi ba ba sẽ dùng để tưới dừa.

Với kỹ thuật chăm sóc hiện đại, cộng với việc không ngại tốn công đi xuống tận các tỉnh miền Tây để học hỏi kinh nghiệm chăm sóc, cách chữa trị bệnh cho ba ba, năm sau đó Chinh huề vốn. Đến 2013, với giá bán cao cộng với mô hình cho năng suất tốt, Chinh cung cấp ra thị trường được 20.000 con ba ba, 35 tấn cá lóc bông và 600 trái dừa. Doanh thu năm đó đạt 800 triệu đồng và lãi thu về hơn 300 triệu.

Thành công chưa được bao lâu thì năm 2014 Chinh lại tiếp tục gặp thất bại. Khoản lỗ năm này lên tới 300 triệu đồng. Cô giải thích, thua lỗ lần này không phải do sản lượng và chất lượng, mà do thương lái Trung Quốc giảm thu mua, cộng với một số người vì ham lợi trước mắt đã tiêm chất kích thích cho ba ba tăng cân dẫn đến người dùng hạn chế mua, giá trên thị trường theo đó giảm mạnh. Nếu năm 2013, cá lóc bông có giá 50.000 đồng một kg thì 2014 giảm xuống còn 22.000 đồng, trong khi ba ba cũng mất một nửa giá.

Lỗ nặng là thế nhưng niềm đam mê và ý chí chinh phục vẫn làm Chinh không nản chí. Năm nay cô quyết định đầu tư gấp đôi số lượng cá cũng như ba ba, lên 100.000 con giống. Ngoài ra cô cũng đang tất bật tìm đầu ra uy tín để có giá bán ổn định.

Trong tương lai, Chinh dự định sẽ liên kết với những thanh niên có đất nông nghiệp để hình thành mô hình hợp tác xã khép kín. Trong đó, cô sẽ cung cấp giống, kỹ thuật chăn nuôi, thức ăn và bao tiêu cả sản phẩm làm ra. "Có xây dựng được mô hình như vậy thì mới mong người lao động nông thôn bớt khổ và làm ăn quy củ, đầu ra ổn định, hạn chế được sự phụ thuộc vào thương lái Trung Quốc", Chinh kỳ vọng.

Theo vnexpress.net

Bình luận của bạn