Thợ săn cây cảnh ngoại tỉnh

Để phục vụ thị trường khó tính, những người thợ săn cây cảnh phải ra Bắc vào Nam để săn tìm. Với nghề săn cây cảnh ngoại tỉnh, kinh nghiệm chính là thứ quyết định sự giàu nghèo…

Nhìn cây… tính được lãi

Mới 5 ngày sau chuyến đi Bến Tre mua 200 cây cảnh, anh Nguyễn Duy Lữ (quê ở xã Vinh Giang) đã bán được 30% số cây ấy. Trong giai đoạn thị trường cây cảnh “đóng băng”, sức mua như vậy là một thành công lớn. Anh Lữ tâm sự, phải có đam mê và kinh nghiệm mới “trụ” lại được với nghề, đó chính là điều kiện tiên quyết mà mỗi chuyến đi, anh đều có lãi.

alt
Thị trường cây cảnh khó khăn, thợ săn cây đồng thời phải giàu kinh nghiệm chăm sóc cây

Nghệ thuật chơi cây cảnh đã có từ rất lâu, mỗi thời điểm có một cách chơi, loại cây khác nhau. Người kinh doanh trong lĩnh vực cây cảnh phải nắm vững yếu tố thị trường, móc nối với các tỉnh thành để tìm nguồn cây phù hợp. Chỉ cho chúng tôi xem những cây còn tồn lại trong vườn, anh Lữ kể: “Trong đời làm nghề bán cây của tui, không phải buôn chừng nào bán hết chừng ấy, cũng có những lúc tồn cây trong vườn, quan trọng là chuyến hàng mình buôn về phải tính được lỗ lãi, ngay cả khi đọng cây vẫn có lãi, ít ra là ngang vốn”. Hơn 12 năm gắn bó với nghề, bài học rút ra từ người thợ săn cây ngoại tỉnh Nguyễn Duy Lữ là phải nhìn được dáng cây, đoán được chuyện lỗ lãi để định giá và quyết định giá mua.

Mỗi chuyến đi, người thợ săn ở lại chừng 10 ngày, có khi đến cả tháng, về các vùng quê có nhiều cây để săn lùng. Đến vùng đất lạ, nhiều người phải nhờ vào những tay “cò cây” dẫn đường rồi ăn chia hoa hồng hoặc móc nối với người cùng nghề ở tỉnh bạn để nhờ tìm nguồn cây trước. Trò chuyện với một người ở thành phố chuyên săn cây, người này cho biết: “Phong cách chơi của miền Nam là cây nhỏ, gọn gàng. Người miền Bắc chơi theo kiểu cổ - kỳ - mỹ - văn (lâu năm - quái lạ - đẹp - có ý nghĩa nhân văn). Mỗi lần ra Bắc, tui thường nhờ đến đội ngũ xe ôm hoặc “cò cây”. Những tay “cò cây” là những người rành về cây nhưng không có vốn lớn để buôn. Mình kết hợp với họ đôi bên cùng có lợi”.

Cái hay từ nghề săn cây là tùy tư duy, góc nhìn của từng người để “cáp” được giá trị của cây. Có trường hợp, người lắc đầu chê bai, nhưng người khác mua lại bán được giá cao vì nhìn được “thế ngầm’ của cây. Theo anh Lữ, phải am hiểu cách chơi cây của từng vùng mới có thể thuyết phục được người bán cây, thậm chí là bạn cùng chơi “nhường cây”.

Tính cạnh tranh, phá giá trong giới buôn bán cây là điểm mà những người thợ săn cây đặc biệt lưu ý. Do đó, người thợ săn cây “trung thành” một nguyên tắc khi ra ngoại tỉnh buôn cây là dù mua được cây giá rẻ mà ngay lập tức có người mua lại giá cao tuyệt đối không bán, tránh để người vừa bán hàng cho mình thất vọng. Một số trường hợp, cây đó được chuyển về quê bán với giá thấp hơn, nhưng họ vẫn chấp nhận.

Rủi ro cao

Giới chơi cây cảnh chủ yếu là giới thương gia, gia đình giàu có hoặc các công ty, cơ quan mua cây để trang trí. Những đối tượng này chỉ quan tâm đến cây đẹp nên người thợ săn cây cảnh dễ nhìn vào tâm trạng người mua mà “hét” giá. Theo những người thợ săn cây, thời thị trường cây cảnh siêu lợi nhuận cách đây khoảng 5 năm về trước; người chơi cây theo xu thế thị trường chuộng cây nào, chơi cây đó, do vậy trong nghề săn cây, thời điểm này lãi cao ngang bằng với mức độ rủi ro. “Có những người không nắm vững thị trường, thấy cây đang chuộng nhảy vào nghề đi săn cây. Vừa buôn được cây về thị loại cây đó hết thời, ôm luôn cục nợ”, một người thợ săn cây ở thành phố phân tích.

Kể cho chúng tôi nghe một vài cái tên từng sụp đổ vì nghề săn cây cảnh, nhất là thời cây sanh lên ngôi rồi hết thời, anh Lữ nhấn mạnh, thị trường là vậy, siêu lợi nhuận nhưng cũng gắn liền với rủi ro, không có kinh nghiệm dễ lâm vào cảnh “bán nhà” ôm vườn cây cảnh. Những năm gần đây, thị trường cây cảnh chững lại, người săn cây cảnh buôn 9 bán 10, đồng nghĩa với rủi ro thấp hơn, buôn cây nào chắc bán cây đó.

Tìm hiểu nhiều người thợ săn cây cảnh, được biết, trung bình mỗi tháng hiện nay, thu nhập của họ khoảng 7-8 triệu đồng (thời thị trường khó khăn). Nhưng muốn nắm chắc tiền lãi sau mỗi đợt hàng buôn về, ngoài việc giỏi chọn cây (theo nguyên tắc nhất đế nhị thân), phải biết cách chăm sóc tránh trường hợp cây chết, đồng thời cũng phải có kinh nghiệm trong việc tạo thế cho cây. Từ những cây giá rẻ, nếu biết cách “lật thế”, có thể tăng giá trị của cây đến vài chục lần. Ngoài ra, cũng phải xác định thời điểm khách mua cây nhiều, thường từ tháng 10 âm lịch đến tháng 3 năm sau để tìm nguồn cây. Một yếu tố nữa được những người thợ săn cây ngoại tỉnh nhắc đến là phải thường xuyên rèn luyện tư duy, tầm nhìn với cây. Săn cây về không chỉ bán ở thị trường Huế mà còn đi tỉnh thành khác nên phải hiểu lối chơi cây các vùng.

Ở Huế, giờ đây số lượng người “trụ” lại với nghề buôn bán cây cảnh ít dần, đội ngũ thợ ra ngoại tỉnh săn cây cũng hạn chế. Những người thợ săn cây ngoại tỉnh cảnh báo, đã qua rồi thời thị trường ảo trong cây cảnh, muốn theo đuổi nghề, phải có mối giao lưu rộng và am hiểu nhiều về nghề.

Nguồn: Infonet.vn

Bình luận của bạn