Thu 60 triệu đồng mỗi tháng từ bán sữa sạch lề đường

Hơn hai năm trước, cậu sinh viên ngành điện tử viễn thông Nguyễn Thanh Trà (sinh năm 1993) tham gia một khóa học về xây dựng và rèn luyện những thói quen hiệu quả trong học tập và cuộc sống. Để hoàn thành khóa học, Trà cùng 6 thành viên khác thành lập nhóm kinh doanh sữa bắp và báo cáo kết quả sau hai tháng trải nghiệm thực tế.

Mỗi thành viên tham gia dự án góp vốn 3 triệu đồng. Mục tiêu ban đầu là để rèn luyện kỹ năng bán hàng và giao tiếp nên nhóm bạn trẻ không đặt nặng vấn đề lợi nhuận.

“Tụi mình dành gần như toàn bộ thời gian và tâm sức cho công việc, không ngại mang từng chai sữa đến mời khách và vẫn niềm nở nếu bị từ chối. Khi tổng kết dự án, mọi người đều bất ngờ vì trong thời gian ngắn mà doanh thu vượt ngoài mong đợi. Thừa thắng xông lên, cả nhóm cam kết đồng hành lâu dài để mở rộng dự án này thay vì ngưng lại sau khóa học như các học viên khác”, Trà chia sẻ.

Tuy nhiên, định hướng phát triển “lấy công làm lời” không còn phù hợp chỉ sau vài tháng nên số lượng thành viên rơi rụng dần, dẫn đến phải đóng cửa. Không chấp nhận bỏ cuộc, Trà học hỏi nhiều nơi để tìm nguyên nhân thất bại và phương pháp kinh doanh hiệu quả, đến cuối năm đã tập hợp thêm 3 người bạn cùng nhau vực dậy dự án còn dở dang.

Từng thành công khi kinh doanh sữa bắp cộng thêm mong muốn thay đổi thói quen tiêu dùng từ thức uống đóng chai gây hại sức khỏe, không rõ nguồn gốc sang những sản phẩm nguyên chất từ thiên nhiên, nhóm bạn trẻ bắt đầu nghiên cứu và nấu thành công 8 loại sữa bằng nguyên liệu sạch như đậu nành, đậu phộng, gạo lứt, hạt sen… Ngoài những thay đổi về nhân sự và sản phẩm, dự án đầy cũng khoác thêm cái tên mới Green milk - Sữa xanh, với cam kết sản phẩm tươi sạch, luôn được nấu và bán hết trong ngày.

Chia sẻ về những câu chuyện vui khi cam kết không bán hàng cũ, Trà cho biết hằng ngày các thành viên chủ chốt luân phiên thức dậy từ 1h sáng để giám sát quy trình nấu sữa tại xưởng sản xuất ở Gò Vấp. Sau đó, sữa nhanh chóng được chuyển về bán tại các quầy cho kịp giờ đi làm của phần đông khách hàng là nhân viên văn phòng. Tuy nhiên, số lượng sữa dư trong những tháng đầu tiên quá nhiều, buộc mọi người phải uống trừ cơm cho tiết kiệm. Giờ nhắc đến việc uống sữa vẫn khiến cả nhóm sợ hãi.

Green milk xác định sẽ bán lề đường ngay từ thời điểm ra đời nên chi phí đầu tư cho mặt bằng, quầy kệ, bảng hiệu… không cao. Số tiền 30 triệu đồng của 4 thành viên đóng góp chủ yếu dành mua nguyên liệu nấu sữa và đóng chai.

Hiện, dự án đã đặt ba quầy tại các con đường có lượng xe lưu thông tấp nập vào buổi sáng. Trung bình mỗi ngày tiêu thụ hơn 200 chai. Với giá dao động từ 8.000 đến 14.000 đồng, đều đặn mỗi tháng nhóm bạn trẻ này thu hơn 60 triệu đồng. Không tăng trưởng nhanh chóng như lần đầu tiên, nhưng sự phát triển ổn định và sinh ra dòng tiền dư theo kế hoạch trong năm đầu thực hiện chứng minh dự án đã có những bước chạy đà chắc chắn.

Dự định sắp tới của Trà sẽ phát triển theo mô hình cụm vệ tinh, tức thuê mặt bằng để cửa hàng trung tâm vừa bán trực tiếp, vừa sản xuất, phân phối cho 4 quầy nhỏ nằm xung quanh. Trong năm nay, nhóm quản trị đã làm việc với các nhà đầu tư tiềm năng để kêu gọi vốn, phấn đấu sẽ phủ sóng 12 quầy và cửa hàng tại TP HCM. Mục tiêu sản phẩm phân phối qua hai kênh bán trực tiếp và giao hàng tận nơi đạt 1.500 chai mỗi ngày để mang về doanh thu khoảng 500 triệu đồng một tháng. Đồng thời, tập trung phát triển thương hiệu và nâng tầm chất lượng sản phẩm sữa để tăng tỷ lệ khách hàng thân thiết trở lại.

Châu Anh Thư, sinh viên Đại học Bách khoa, phụ trách nhân sự cho biết một trong những yếu tố quan trọng giúp nhóm bạn 9x tự tin có thể đạt được những con số trong mơ này bởi đã nghiên cứu kỹ tâm lý khách hàng và tìm ra hướng tiếp cận phù hợp. Đó là tận dụng sự sáng tạo của đội ngũ nhân viên bán hàng hơn 25 người nhằm xây dựng hình tượng phục vụ nhiệt tình và dễ thương.

“Lời chúc buổi sáng vui vẻ, ngày mới tốt lành... mà tụi mình hét to đã thu hút sự chú ý của người qua đường. Doanh số tăng thêm 30% chỉ sau một tuần thực hiện, sau đó chững lại. Nhóm sáng tạo tiếp tục nghĩ ra cách vẽ tấm bảng ngộ nghĩnh  'Tụi con bán sữa', nhờ hình thức này mà nhiều người tò mò dừng lại xin chụp ảnh và mua sữa”, Thư chia sẻ.

Để các bạn nhân viên và cộng tác viên cống hiến hết mình, Thư cho biết thêm dự án không trả lương hoàn toàn bằng tiền mặt mà thường xuyên tổ chức họp mặt hàng tuần để thảo luận về định hướng tương lai, ôn luyện tiếng Anh, rèn kỹ năng thuyết trình và hùng biện.

 Đúc kết về những thành công bước đầu của ước mơ “phủ xanh Việt Nam” bằng thức uống tươi sạch, nhóm bạn trẻ này cho rằng ngoài một sản phẩm chất lượng thì dự án muốn bền vững rất cần sự hòa hợp từ yếu tố con người. Hầu hết các thành viên tham gia dự án đã và đang học chuyên ngành không liên quan đến kinh doanh như: cơ khí chế tạo máy, hệ thống công nghiệp… hoặc có những bạn còn là sinh viên nên gặp nhiều bất lợi, đặc biệt là thời gian làm việc khác nhau dẫn đến sự ganh tị về công sức đóng góp. Nhưng bù lại, điểm mạnh nhất gắn kết chặt chẽ các thành viên là niềm đam mê kinh doanh, khát khao mang đến giá trị hữu ích cho xã hội bằng sản phẩm thiết thực.

Bình luận của bạn