Tìm "Vị ngọt" trong hạt tiêu
Giá tiêu trong nước vài năm qua dao động liên tục khiến việc cạnh tranh giành thị phần rất quyết liệt, rủi ro không ít. Thế nên, khởi nghiệp với một doanh nghiệp (DN) kinh doanh tiêu khi kinh nghiệm và vốn liếng đều ít là quyết định táo bạo của Trang Thanh Khải.
Tự tìm hướng đi
"Sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP.HCM, tôi cũng như bao bạn bè khác lao vào kiếm việc làm. Trong 6 năm làm nhân viên kinh doanh cho các tập đoàn lớn, mỗi nơi tôi được giao đi bán một thứ, ban đầu là bán trà Lipton và hạt nêm Knorr cho Unilever, sau đó là dầu gội đầu cho P&G, rồi chuyển sang bán nước mắm cho Tập đoàn Masan.
Đã có lúc tôi từng nghĩ mình sẽ mãi bán hàng như thế cho đến già đi... "bán muối" là xong. Nhưng khoảng hơn một năm trước, tôi bắt đầu có ý định phải làm cái gì đó của riêng mình thay vì cứ đi làm thuê cho người khác.
Do vậy, trước khi đi "bán muối", tôi thử chuyển sang bán tiêu xem sao", Trang Thanh Khải giới thiệu dí dỏm về quãng thời gian khởi đầu của mình trước khi quyết định ra riêng khởi nghiệp với Viet Pepper, một công ty phân phối tiêu ở thị trường trong nước.
Từng đầu quân cho nhiều tên tuổi lớn, có không ít trải nghiệm kinh doanh nhưng chàng trai quê Gia Lai chia sẻ rằng quãng thời gian đó chỉ giúp anh hiểu được phần nào cách kinh doanh của các tập đoàn đa quốc gia và trang trải cuộc sống chứ chưa thật sự va chạm nhiều với thực tế.
Khải bộc bạch: "Thành thật mà nói, khi kể ra đã từng làm cho tập đoàn này, công ty kia nghe rất oai nhưng nhìn lại mới thấy, những kiến thức tích lũy được không phù hợp để áp dụng vào thực tế công việc của mình. Quy trình và cách làm của các tập đoàn lớn rất hay nhưng chỉ phù hợp với công ty quy mô lớn, trong khi bước khởi đầu của tôi rất nhỏ, những phương thức cao siêu không có đất sống, vậy nên tôi nghĩ thôi thì mình cứ lăn vào làm, tự khắc sẽ tìm ra được hướng đi".
Những ngày đầu kinh doanh, Khải bán đủ thứ, đặc biệt là trái cây, có khi về tận Bến Tre thu gom dừa mang lên Sài Gòn phân phối. Quãng thời gian này đã giúp Khải có cái nhìn rõ hơn về thị trường hàng nông sản trong nước. Sinh ra ở Gia Lai, tỉnh có diện tích trồng tiêu lớn, Khải đã quá quen thuộc với loại cây gia vị này.
Nhận ra những lợi thế nhất định của cây tiêu trồng tại vùng đất này, Khải quyết định khởi nghiệp với chính những hạt tiêu ở quê nhà. Những ngày đầu, anh mang từng ký tiêu đến các chợ chào hàng để thăm dò và thâm nhập thị trường. Khi đã tạo dựng được uy tín, Khải bắt đầu nghĩ đến việc mở rộng quy mô thay vì bán lẻ.
Trong vài năm qua, giá tiêu ở thị trường Việt Nam không ngừng dao động nhưng luôn ở mức cao, trở thành mặt hàng nông sản được nhiều DN đầu tư, giành thị phần. Đúng lúc cao điểm này, Khải và một người bạn lập ra Công ty TNHH Hồ tiêu Việt (Viet Pepper).
Số vốn ban đầu chưa đến 200 triệu đồng, theo anh đánh giá: "Không đáng bao nhiêu so với các DN kinh doanh mặt hàng này nhưng đó là hình hài đầu tiên của ước mơ làm một điều gì đó cho riêng mình của tôi".
Không trông chờ vào vận may
Để tự nuôi sống và tìm chỗ đứng cho Công ty, Khải chọn cách mua tận gốc bán tận ngọn, thông qua các mối quan hệ ở quê thiết lập hệ thống thu mua, sau đó trực tiếp phân phối cho các đầu mối tại Sài Gòn để giảm thiểu tối đa chi phí trung gian. Khải mua tiêu tại vườn của nông dân với giá nhỉnh hơn các đầu mối khác một chút để luôn đảm bảo nguồn hàng và chất lượng.
"Quy mô nhỏ nên chúng tôi không dám liều, giá tiêu dao động liên tục nên rủi ro rất cao. Nhiều DN sẵn sàng "ôm" hàng với số lượng lớn để chờ giá tăng, nhưng Viet Pepper chủ trương không tích trữ hàng, bằng mọi cách phải xoay vòng vốn, giải tỏa hàng nhanh, không để tồn kho. Có nhiều thời điểm chúng tôi cũng thấy tiếc vì bỏ lỡ cơ hội khi dự đoán đúng giá tiêu bất ngờ tăng mạnh, mất đi khoản lợi nhuận lớn. Nhưng cuối cùng, việc đảm bảo an toàn vốn, không công nợ, xoay tiền nhanh để không gặp rủi ro vẫn là hướng đi đúng, nhất là với một DN nhỏ, mới hình thành như Viet Pepper. Tuy lợi nhuận ít nhưng bảo đảm, không trông chờ vào vận may tăng giá”.
Bằng những cách này, lượng hàng tiêu thụ của Công ty bắt đầu tăng. Sau vài tháng, lượng tiêu bán được đã lên tới 4 - 5 tấn/tháng, hiện nay, trung bình hơn 10 tấn/tháng với 3 loại có chất lượng và mức giá khác nhau. Khải cho rằng hướng đi đúng nhất trong tương lai của Viet Pepper là đáp ứng được nhu cầu sử dụng nông sản sạch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm của người dùng, trong đó có tiêu.
Không có ưu thế về quota xuất khẩu thô tiêu hạt như các DN lớn, Viet Pepper hướng đến đối tượng khách hàng sử dụng sản phẩm tiêu xay là các siêu thị, nhà hàng, khách sạn... Từ các đầu mối lớn chuyên bán sỉ ở các chợ tại TP.HCM, thị trường tiêu thụ của Viet Pepper bắt đầu mở rộng xuống các tỉnh miền Tây và hướng đến mục tiêu mở rộng thị trường Hà Nội.
Tự nhận định DN mình rất nhỏ và mới chỉ đủ "cơm ngày 3 bữa", chưa dám mơ đến mục tiêu cao hơn là giành thị phần trong nước nhưng Khải đã bắt đầu ấp ủ ước mơ xuất khẩu, trực tiếp phân phối sản phẩm đến các đầu mối tại nước ngoài, không qua trung gian, nhất là hệ thống nhà hàng tại Singapore. Việc trở thành thành viên của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cũng giúp Viet Pepper có thêm cơ hội tiếp cận đối tác ngoại.
Khải tỏ ra hớn hở trước cơ hội mới: "Thông qua một hội thảo về ngành thực phẩm mới đây ở Thượng Hải, Viet Pepper đã tiếp xúc và chào hàng được với những khách hàng đầu tiên. Đến nay đã có 10 đối tác bắt đầu liên hệ chào giá để hướng tới mục tiêu xuất khẩu đợt hàng tiêu đầu tiên ra nước ngoài. Ở tuổi 30 mới chập chững khởi nghiệp, nhưng khi còn kịp để xây dựng ước mơ cho mình thì với tôi, không bao giờ là muộn".
Nguồn: Lamgiau.edu.vn