Trai thủ đô đi du học về... nuôi chim bồ câu

Cho bồ câu sống chung nhà

Tiếp xúc với Phúc lần đầu dễ nhận thấy sự năng động, tinh nhanh trong từng lời nói của anh. Đã có 10 năm gắn bó với nghề nuôi loài chim bồ câu nhưng trông Phúc chỉn chu như một viên chức, hằng ngày cưỡi con xe bán tải đỏ chót đưa chim bồ câu đi giao ở khắp các mối hàng trong và ngoài Hà Nội.

Nguyễn Văn Phúc kiểm tra đàn chim bồ câu

Bây giờ, khi đã có nguồn thu hàng tỷ đồng mỗi năm nhờ chim bồ câu nhưng khi được hỏi về chặng đường đã qua, Phúc lại bảo: “Nếu bây giờ cho tôi bắt đầu như thời điểm cách đây 10 năm, chắc tôi không dám”.

Đó là thời điểm năm 2008, khi đó Phúc quyết định bỏ công việc của một lập trình viên máy tính, vốn là thành quả sau 4 năm miệt mài học tập bên Nga, bỏ cả quán game đang kinh doanh ổn định, bỏ cả những hợp đồng cung cấp, bảo trì máy tính cho các cơ quan, trường học trên địa bàn về quê… nuôi chim bồ câu. Lúc đó, ai cũng sửng sốt bởi quyết định này và ra sức ngăn cản, chỉ riêng Phúc nhìn ra một điều gì đó.

“Lúc ấy, bố tôi cũng đã nuôi vài đôi chim bồ câu, vốn có chút kiến thức về công nghệ thông tin, tôi mang sản phẩm rao bán trên một số trang mạng và nhận được sự hưởng ứng của khách hàng. Tôi nhận ra đây có thể là cơ hội đổi đời nên quyết tâm theo đuổi” - Phúc nói.

Khởi nghiệp nuôi chim với 30 triệu đồng tiền vốn trong tay, Phúc mua  100 đôi bồ câu giống, háo hức làm chuồng, chăm sóc với biết bao hy vọng. Nhưng anh không thể ngờ chim bị dịch bệnh chết hàng loạt, chỉ còn lại 20 đôi.

Không nản chí, Phúc quyết tâm làm lại từ đầu, anh mua thêm 30 đôi chim giống, nhưng lần này Phúc áp dụng kỹ thuật chăm sóc, vệ sinh chuồng trại cẩn thận để chim không bị dịch bệnh. Chỉ 4 tháng sau, đàn chim của Phúc được nhân lên thành 80 đôi và nhiều hơn thế. Do không có nhiều vốn nên chim đẻ đến đâu, anh dành để nhân đàn sau khi đã bán một ít để duy trì tiền thức ăn cho chúng.

Phúc bảo, những ngày đầu chập chững nuôi chim, do chưa có điều kiện xây dựng chuồng riêng, anh phải cho bồ câu sống chung với gia đình. Theo đó, ngôi nhà 3 tầng của gia đình được anh đem ra trưng dụng 2 tầng trên làm không gian cho chim sống, chỉ còn 1 tầng dành cho sinh hoạt. Để hạn chế mùi hôi thối, đảm bảo vệ sinh môi trường, anh dọn dẹp, sát trùng chuồng trại thường xuyên. Nhờ vậy, đàn chim ít mắc bệnh, khỏe mạnh, lớn nhanh. Sau 3 năm, khi có đủ vốn, Phúc mới dời nhà cho đàn chim bồ câu ra... ở riêng.

“Bí kíp” nuôi chim thành công của Phúc là, trung bình 4 ngày chim bồ câu đẻ 2 trứng. Sau khi đẻ trứng, chim sẽ ấp trong vòng 16-18 ngày. Để trứng không bị hao hụt, nhiệt độ chuồng trại phải không vượt quá 35 độ C, ổ chim luôn sạch sẽ, không ẩm thấp. Việc chăm sóc chim cũng cần tỉ mỉ, kỹ lưỡng, cứ 6 tháng phải tiêm phòng bệnh rù một lần, sát trùng, chống nấm mốc mỗi tuần một lần. Đặc biệt, khi chim đang trong giai đoạn đẻ trứng thì không tiêm vaccine, vì tiêm vào thời điểm này sẽ làm giảm khả năng sinh đẻ.

Nuôi bồ câu thành công đã khó, việc tiêu thụ còn khó hơn, cũng may là Phúc đã quen với việc quảng bá sản phẩm qua Internet nên đã tự lập trang web, fanpage giới thiệu sản phẩm, đồng thời mang bồ câu đến các nhà hàng để chào hàng. Bây giờ thì trang trại bồ câu Hồng Phúc có anh đã có lượng khách hàng ổn định, thậm chí nhiều thời điểm cung không đủ cầu.

Phúc cho biết, bình quân mỗi tháng anh cung cấp cho thị trường 7.000 đôi chim bồ câu cả giống và thương phẩm. Với giá bình quân 200.000 đồng/cặp chim giống và 130.000 cặp chim thịt, mỗi năm Phúc có thu gần 2 tỷ đồng nhờ nuôi chim bồ câu, một con số vô cùng ấn tượng với chàng trai 31 tuổi.

Xây chuồng nuôi bồ câu trong… trại giam

Trong câu chuyện của mình, Phúc tiết lộ, đã nhiều năm nay anh phối hợp với Trại giam Phú Sơn (Thái Nguyên) để mở một trại nuôi chim bồ câu ngay trong trại. Cơ duyên đưa Phúc đến với việc làm nhiều ý nghĩa này là khoảng 4 năm trước, có 2 cán bộ của Trại giam Phú Sơn tìm đến anh mua chim giống về trại giam tạo việc làm cho phạm nhân. Nhận thấy nguồn nhân lực của trại giam dồi dào trong khi hiệu quả lao động khá tốt nên Phúc chuyển chim giống cho trại, cùng hợp tác sản xuất. Thời gian đầu anh chuyển 500 đôi chim, đến nay sau 4 năm, tổng đàn bồ câu “liên kết” đã lên đến 2.000 đôi, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 400 phạm nhân vừa nuôi chim vừa sản xuất lồng chim và nhiều việc khác.

Trong 10 năm làm nghề, trải qua không ít thất bại, bây giờ Phúc đã có thể tạm yên tâm với trại bồ câu đang phát triển ổn định. Nhờ loài chim hiền lành, xinh đẹp này, Phúc cũng tạo dựng cho mình một cơ ngơi mà nhiều thanh niên mơ ước, không những thế còn tạo việc làm cho 10 lao động địa phương.

Hôm chúng tôi đến, giữa tiếng “gù gù” râm ran của đàn chim bồ câu, Phúc đang tất bật giao hàng cho một chủ trang trại trẻ ở Bắc Ninh. Phúc bảo, ai đến mua con giống anh cũng chia sẻ hết kinh nghiệm và kỹ thuật. Nhờ vậy, số lượng người tìm đến trại bồ câu của Phúc ngày càng đông, Phúc cũng đã giúp nhiều thanh niên trên địa bàn lập nghiệp với nghề này. “Tôi có người bạn tên Khang cũng ở Sóc Sơn, sau một thời gian thất bại với nghề nuôi gà, thỏ, đã làm lại từ đầu với 50 đôi chim bồ câu giống mua từ trại của tôi. Giờ Khang đã có 1.000 đôi chim bồ câu giống, cho thu nhập 30 triệu đồng/tháng” - Phúc hồ hởi khoe.

Thành công với mô hình nuôi chim bồ câu, Phúc còn là một Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Thanh niên lập nghiệp TP.Hà Nội nhiệt tình và năng nổ. Vị trí này giúp Phúc chia sẻ được nhiều hơn kinh nghiệm cho các bạn trẻ muốn làm giàu từ nông nghiệp, giúp anh được tham quan nhiều mô hình, học hỏi thêm được nhiều kiến thức bổ ích, sự kiên trì, sáng tạo để ứng dụng vào thực tiễn.

Bình luận của bạn