Triệu phú trùn quế 9X
Tốt nghiệp đại học, tìm được công việc khá ổn nhưng Nguyễn Văn Hòa (28 tuổi) ở xã Đăk Hlơ, H.Kbang (Gia Lai) quyết định bỏ ngang, về nhà nuôi trùn quế và đã thành công với thu nhập tiền tỉ mỗi năm.
Hòa kể: “Em tốt nghiệp ngành tài chính ngân hàng năm 2013, làm trong một ngân hàng thương mại ở Đồng Nai. Được một năm thấy không ổn nên sau nhiều lần suy nghĩ, em quyết định bỏ việc, kiếm cơ hội ngay trên quê hương mình. Do gia đình làm nông nghiệp nên em cũng muốn thử sức. Đi thực tế và tham khảo trên internet, em thấy con trùn quế có vẻ hợp vì nguồn thức ăn và khí hậu của cao nguyên rất tốt. Vậy là đầu tư vài chục triệu đồng mua về nuôi thử. Nhưng nuôi vài tháng mà thấy chúng chậm lớn. Vậy là phải cắp cặp đi những nơi nuôi trùn quế ở miền Nam học tập”.
Tận dụng đất đai còn trống của gia đình để mở khu vực nuôi trùn, Hòa vừa làm vừa học. Dần dần những vuông nuôi trùn quế của Hòa bắt đầu tiến triển tốt. Cứ mỗi ký trùn thịt, Hòa bán ra 60.000 - 70.000 đồng, phân bón bán 3 triệu đồng/tấn. Một số người biết cơ sở nuôi trùn quế này đã tìm đến mua giống, phân bón.
“Nuôi trùn quế là một giải pháp tốt về môi trường. Thức ăn của chúng là các loại phụ phế phẩm nông nghiệp, phân của gia súc, gia cầm. Trong điều kiện độ ẩm 55 - 80% và khung nhiệt độ 24 - 35 độ C, trùn sẽ phát triển tốt. Tây nguyên có đủ những điều kiện lý tưởng này. Cứ 1 m2 trùn quế nuôi trong 4 - 6 tháng sẽ thu được 4 - 5 kg trùn và hàng trăm ký phân”, Hòa cho biết.
Trang trại của Hòa cũng tạo công ăn việc làm cho nhiều lao độngtại địa phương. Nhiều thanh niên muốn khởi nghiệp bằng việc nuôi trùn quế đều được Hòa giúp đỡ. Nhiều nông dân ở các địa phương của Gia Lai cũng như các tỉnh khác đã tìm tới học hỏi mô hình.
Năm 2017, Hòa đưa mô hình này tham gia dự thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp do Tỉnh đoàn phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ Gia Lai tổ chức và đoạt giải nhất. Ngoài công việc bận rộn thường ngày, hơn một năm nay Hòa đảm nhiệm thêm chức vụ Phó bí thư Xã đoàn Đăk H’lơ để có điều kiện giúp đỡ thêm nhiều thanh niên bản địa đang còn khó khăn trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Cứ mỗi mô hình nuôi trùn quế, Hòa hỗ trợ từ 20 - 80 triệu đồng và thu dần bằng sản phẩm. Hòa mong muốn những năm tới sẽ mở rộng quy mô các trại nuôi trùn quế và nghiên cứu cho ra thị trường thêm nhiều sản phẩm để tăng thu nhập cho chính mình cũng như những thanh niên, nông dân cùng tham gia.