Trọn đời đam mê với giày Việt

“Để trở thành một người thợ khâu giày chuyên nghiệp cần hai đức tính quan trọng là trí và lực. Nhưng để là người thợ giỏi cần phải có đầu óc tinh thông và đôi tay tài hoa”- ông Vũ Chầm (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Giày Việt) người thợ khâu giày giỏi nhất Việt Nam đã đúc kết về nghề mà ông đeo đuổi suốt cả đời mình...

Tết Bính Thân này, tính cả tuổi mụ nữa ông Chầm tròn 85 tuổi. Năm tháng cuộc đời và thời vận chồng chất truân chuyên đã lấy đi của ông hầu hết sức lực, song tâm trí thì vẫn còn rất minh mẫn.

Vào một ngày cuối năm Ngọ chuẩn bị bước sang năm Thân, ông đã có một buổi trà đạo và kể với tôi những điều ông chưa từng nói với ai về cách ông trở thành thợ giày như thế nào với 4 lần dựng nghiệp, về nỗi đau đáu làm sao để có được những đôi giày Việt bền đẹp nhất.

2 bàn tay trắng và 4 lần dựng nghiệp…

Doanh nhân Vũ Chầm (Vũ Văn Chầm) sinh năm Nhâm Thân (1932), cái tuổi mà ông cho rằng “người ta thì sướng lắm, còn phận tôi cực cả đời”. Thế nhưng, ông lại yêu thích những điều cực nhọc mà tuổi Thân mang lại, bởi vì, đời có cơ hàn thì mới có điều kiện và động lực để phấn đấu.

Sinh ra tại làng Phong Lâm, xã Hoàng Diệu, huyện An Lộc, tỉnh Hải Dương- nơi có nghề da giày truyền thống lâu đời ở Việt Nam. Vũ tộc có đến 18 đời làm nghề khâu giày, cụ tổ của ông Chầm là người duy nhất khâu giày cho vua Lê Thánh Tông đi. Thế nhưng, bố mẹ ông lại không nối nghiệp mà làm nghề nông.

Năm 1950, theo ý nguyện của người cha đã mất sớm là cần có một công việc để bớt cực thân, Vũ Chầm dời quê lên phố Hàng Bột (Hà Nội) học nghề đóng giày từ một người bác. “Khi đó tôi còn rất trẻ nhưng do nghề tổ nó ngấm trong máu nên rất thạo việc, đóng được cả những đôi giày bốt cho quan tây đi”- ông Chầm nhớ lại.

Có nghề rồi, năm 1953, ông cùng hai người anh xuống Hải Phòng lập nghiệp làm giày bỏ mối, làm dép cao su lốp. Rồi Hiệp định Genève được ký kết, lần lập nghiệp đầu tiên của ông bị phá sản vì giày khâu ra bán không ai mua. Năm 1955, mẹ con ông gồng gánh di cư vào miền Nam mà “vốn liếng” đáng kể chỉ có… nghề khâu giày.

Chân ướt chân ráo vào Sài Gòn, ông Chầm làm thuê cho một tiệm giày và đến cuối năm 1955 lập nghiệp lần hai với nghề sản xuất giày bỏ mối. Năm 1957, ông Chầm mở tiệm giày Thanh Bình ở khu chợ Vườn Chuối (quận 3), cuối năm đó hàng nghìn ngôi nhà ở khu Sáu Lèo (đường Bùi Viện, quận 1) bị bà hỏa thiêu rụi, nhà ông cháy đến mức không còn chiếc bát để ăn cơm.

Gia sản biến thành tro nhưng không thiêu cháy được ý chí, cuối năm 1958, ông Chầm dựng nghiệp lần ba và làm việc quên ăn quên ngủ, nhờ đó cơ sở lớn lên từng ngày. Năm 1960, cơ sở giày của ông làm gia công cho hãng giày Bata của Pháp và năm 1965, thương hiệu giày Sài Gòn đã ra đời. Ông Chầm khoe, từ năm 1970-1975, ông đã sản xuất 50 thương hiệu giày da chất lượng cao, bán từ Huế đến tận Cà Mau và cái tên Vũ Chầm trở nên nổi tiếng.

Sau khi miền Nam giải phóng, nhiều thứ thay đổi nhanh chóng, trong đó có nghề khâu giày. Lúc đầu ông Chầm làm giày cho Ban nội chính TP.Hồ Chí Minh, sau chuyển sang làm công nhân đóng giày cho tổ sản xuất Hoàng Diệu. Để nuôi tám đứa con, ông Chầm đặt thêm chiếc tủ nhỏ “sửa giày dép Vũ Chầm” ngay tại nhà để kiếm thêm thu nhập. Các con ông nhờ đó được đến trường, trong đó 5 người con đã vào đại học. Năm 1990, ông Chầm bỏ tổ hợp sản xuất Hoàng Diệu, vay người thân hai cây vàng để dựng nghiệp lần bốn với thương hiệu Vina Giày.

Công ty CP Giày Việt hiện có hơn 1.000 mẫu mã với thương hiệu nổi tiếng là Vũ Chầm, Vina Giày, Giày Việt và Vinagico. Mỗi ngày công ty tạo ra ít nhất một mẫu mã mới, ngoài hệ thống cửa hàng phủ khắp cả nước, 30% còn lại xuất khẩu. Ở công ty, ông Chầm giữ vai trò cố vấn, với nghề nghiệp hiện nay là Chủ tịch Hiệp hội Da Giày TP.Hồ Chí Minh. Tám người con của ông đều có công ty riêng. Vai trò “quân sư” khiến ông bận bịu quanh năm suốt tháng. Cho đến giờ này, dù đã vào “tuổi xưa nay hiếm” và có thừa điều kiện để nghỉ ngơi, hưởng thụ cuộc sống an nhàn nhưng ông Chầm vẫn cắm cúi bên chiếc máy khâu, cắt, vẽ những mẫu giày mới hàng đêm miệt mài đến mức… nghiền.

Quan trọng nhất của đời người là sự tử tế

Là doanh nhân thành đạt với tay nghề giỏi, tuy nhiên, điều mà người đời nể nhất ở ông Chầm vì ông được coi là một người tử tế.

Từ khi khởi nghiệp đến bây giờ, ngoài dồn lực để làm giàu, ông là người luôn mong muốn nhân viên dưới quyền giỏi nghề hơn ông. Vì thế, ông truyền đạt hết những kỹ năng, kinh nghiệm. Nhờ sự chuyển giao này, từ khi khởi nghiệp đến nay, không dưới 200 người thợ của ông đã trở thành chủ tiệm, doanh nhân thành đạt, đây là “báu vật” của riêng ông mà ở đời ít ai bì được. Với con cái, thành công hay thất bại trong kinh doanh đối với ông không quan trọng bằng làm một người tử tế.

Hơn 30 năm nay, ông Chầm theo đạo Phật, ý ông là không phải để người dương thế khen mộ đạo mà giáo lý Phật giúp con người ông Người hơn.Triết lý Phật được ông áp dụng vào kinh doanh, theo đó mọi thành viên trong doanh nghiệp đều có quyền lao động, học tập và thụ hưởng xứng đáng sức mình bỏ ra mà ông là người có trách nhiệm phải thực thi.

Việt Nam đang hội nhập, nhiều ngành nghề truyền thống sẽ gặp không ít khó khăn, trong đó có da giày. Nghe tôi chia sẻ lo lắng đó, ông Chầm cười: “Không hề gì, cơ sở nào nhỏ không đủ sức tồn tại thì chuyển qua làm thuê, cơ sở nào có lưng lửng vốn thì nên hùn hạp lại để xây dựng thành một doanh nghiệp lớn để đủ sức cạnh tranh. Ở đời “trong nguy có cơ”, người Việt ta lại có truyền thống luôn vượt qua những thời khắc khó khăn, cái quan trọng là phải biết đoàn kết và mọi người cần phát huy hết sở trường, sở đoản của mình”.

Bình luận của bạn