Trùm trứng gà Vĩnh Phúc: Đều đặn thu tiền tỷ
Dân trong làng còn gọi anh là “ông trùm gà đẻ trứng” bởi anh là người đã đưa giống gà này về nuôi tại làng.
Từng phải vay nặng lãi, cho không trứng
Sinh năm 1976 tại Tam Dương, Vĩnh Phúc, khi tốt nghiệp ĐH Nông nghiệp I Hà Nội hệ tại chức, anh Bùi Quốc Việt cũng chăn nuôi đủ thứ con như gà, lợn, bò,... trồng đủ loại cây ăn quả để kiếm sống. Tuy nhiên, đến năm 2003, sau khi gà đẻ siêu trứng (trứng nâu) bí đầu ra, anh bắt đầu tìm hiểu và biết tới giống gà đẻ trứng Ai Cập. Anh quyết định nuôi thử nghiệm.
Anh Việt cho hay, trứng gà Ai Cập quả không quá to, mỗi con mái cho sản lượng 200-220 quả/năm, có vỏ dày, màu trắng giống với trứng gà ri (gà ta thả vườn). Tỷ lệ lòng đỏ đạt 33,31%, rất phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.
“Ban đầu tôi chỉ nuôi 1.000 con mái giống Ai Cập xem hiệu quả thế nào, nhưng sau 12 năm, đàn gà đẻ của tôi đã mở rộng tới 30.000 con với 6 trại nuôi. Tôi thuê 20 công nhân chuyên cho gà ăn và nhặt trứng, 3 lần mỗi ngày. Thời kỳ cao điểm, số lượng đàn gà lên tới 50.000 con”, anh Việt nói.
Theo anh Việt, đây là giống gà kiêm dụng (vừa lấy trứng vừa lấy thịt), có nguồn gốc từ Ai Cập. So với những loại khác, gà Ai Cập thích nghi với điều kiện chăn nuôi tại Việt Nam, như chịu nóng tốt, không đòi hỏi điều kiện nuôi dưỡng cao, có thể lai tạo với nhiều giống khác để tạo ra những giống gà mới hiệu quả hơn... Đặc biệt, sau một năm đẻ trứng, đến lúc bán thải loại, gà Ai Cập lại được dân buôn rất ưa chuộng, thường mua với giá cao ngang ngửa gà ta thả vườn.
Tâm sự với PV, anh Việt kể khi mới nuôi gà Ai Cập anh cực kỳ vất vả bởi từ vốn đến thị trường đều khó khăn. Ban đầu, trứng gà không biết bán ở đâu vì dân thấy lạ, không dám mua ăn. Anh phải chấp nhận đem trứng đến nhà dân, cho không để họ ăn thử một thời gian. Đến lúc dân biết và tin tưởng, đầu ra được đảm bảo thì anh lại thiếu vốn để mở rộng quy mô chăn nuôi.
“Để có vốn mở rộng đàn gà, tôi đã phải mượn 7-8 cái bìa đỏ của anh em họ hàng để đi thế chấp vay vốn ngân hàng. Thậm chí, có thời điểm tôi chấp nhận vay nặng lãi để kịp có vốn xoay vòng”, anh Việt cho biết.
Có 30 triệu đồng đút túi mỗi ngày
Anh Việt tâm sự, nuôi gà đẻ trứng nhiều khi thua lỗ cả tỷ đồng do mất giá, dịch bệnh,... nhưng khi giá trứng cao thì “hốt” cả bạc tỷ.
Hồi năm 2003, dịch cúm gia cầm bùng phát, anh thua lỗ mất 500 triệu đồng. Năm sau đó, 2013, giá trứng xuống thấp kỷ lục, chỉ còn 900-1.100 đồng/quả, anh cũng mất trắng 2,5 tỷ đồng. Nhưng hiện tại, giá trứng đang cao, với 1.000 con gà anh có thể lãi 1 triệu đồng/ngày. Tính ra, đàn gà 30.000 con đang thời kỳ đẻ trứng mỗi ngày cho anh nguồn thu 30 triệu đồng.
Đây là thời điểm gà đẻ trứng tốt, đạt khoảng 60-70% sản lượng, cộng với giá trứng trên thị trường khá cao nên lãi lớn, bù lại cho những lúc gà đẻ kém, giá trứng thấp. Nhờ đó một năm anh Việt thu về cả bạc tỷ.
Ngoài ra, anh Việt cũng bật mí, muốn lãi cao, người nuôi phải chọn được con giống tốt, chọn thời điểm vào vụ gà phù hợp thì gà đẻ mới hiệu quả.
Cụ thể, con giống phải được sinh ra từ bố mẹ tốt. Gà giống một ngày tuổi phải bung lông, bụng gọn, mỏ không bị vẹo, mắt sáng, chân bóng đẹp, đi lại nhanh nhạy,... Còn thời điểm vào gà, người nuôi nên vào gà từ tháng 8, nuôi đến khi ra Tết (mùa xuân ấm dần) thì gà bắt đầu đẻ trứng bói và cho thu lãi. Theo anh Việt, loại gà Ai Cập ưa khí hậu nóng, mùa hè chịu nóng rất tốt, đẻ nhiều nhưng đến mùa đông gà chịu rét kém, đẻ trứng sẽ ít đi. Vì thế, chọn thời điểm nuôi vào tháng 8 sẽ giúp gà tránh đẻ vào những tháng rét, cho hiệu quả cao hơn.
“Ở khu chăn nuôi gà này, tôi là người nuôi gà Ai Cập đẻ trứng đầu tiên. Sau đó, thấy được hiệu quả của nó tôi đã chia sẻ, hướng dẫn kỹ thuật cho người trong thôn, trong xã cùng nuôi. Đến nay, Thanh Vân là xã có số lượng gà Ai Cập lớn nhất huyện Tam Dương”, anh tâm sự.
Nói về dự định sắp tới, anh Việt chỉ cười và bảo: “Mới tạm thế này thôi, tôi chưa có kế hoạch gì thêm bởi đất đai đã tận dụng hết rồi, chỉ có thể giúp bà con về kỹ thuật để phát triển đàn gà của họ”.
Ông Nguyễn Đức Chính, thôn Phú Ninh, xã Thanh Vân, cũng cho biết, cách đây cả chục năm, vùng đồi Mé này vẫn còn hoang sơ, nhưng nhờ “ông trùm nuôi gà đẻ trứng” Bùi Quốc Việt tận tình hướng dẫn, nhờ nuôi gà đẻ trứng Ai Cập mà người dân trong làng đang phất lên. Cả làng thành thủ phủ gà đẻ trứng.
Nguồn: Dân trí