Từ blogger thành... “vua pizza”
Là một trong những blogger “đời đầu” viết về ẩm thực, suốt 10 năm qua anh đã miệt mài cống hiến những bài viết rất có giá trị về pizza.
Trong giới sành pizza, hiếm có ai lại không biết đến tên tuổi của Adam Kuban. Là một trong những blogger “đời đầu” viết về ẩm thực, suốt 10 năm qua anh đã miệt mài cống hiến những bài viết rất có giá trị về pizza. Và rồi cũng sau ngần ấy năm tích lũy được một vốn kiến thức đáng kể về loại thứ ăn đặc biệt này, mới đây anh đã mạnh dạn từ bỏ nghiệp viết lách để mở một nhà hàng pizza riêng của mình.
Cửa hàng của anh có tên là Margot và thực đơn của nó dĩ nhiên là pizza. Có đến 7 loại pizza được anh chọn đưa vào ở đây, từ loại bánh có cà chua và phó mát đến các loại gồm cả xúc xích, ớt xanh và hành đỏ. Anh cho biết cửa hàng anh thường bán hết vèo vé dành cho khách đến thưởng thức và xem cách làm bánh tận nơi chỉ trong vòng 60 giây cứ mỗi sau khi anh gửi email đi. Và quả thật anh không hề khoe khoang. Khách đến cửa hàng anh ngoài việc thưởng thức bánh còn có thể được anh chia sẻ kinh nghiệm nếu như có nhu cầu, chẳng hạn như bao nhiêu phần trăm nước là đủ cho loại bánh này và bột phải được lăn ra sao.
Adam Kuban lớn lên ở thành phố Kansas. Trong đầu cha anh lúc nào cũng bị “ám ảnh” bởi pizza. Vào những đêm làm bánh pizza cho gia đình thưởng thức, ông lại thay đổi công thức một chút, và khi ấy Kuban có vai trò giúp cha lăn bột. Những năm đầu thập niên 1980, cha anh nhận thấy rằng giấc mơ lớn nhất của đời mình là pizza nên quyết định mở một cửa hàng bán pizza ở Kansas. Ông đặt tên tiệm là Mamma Mia và nó tồn tại được 1,5 năm. Sau đó, gia đình anh chuyển sang làm pizza theo kiểu “cấp tốc”: mua những hộp pizza Chef Boyardee có sẵn mọi thứ trong đó rồi chỉ cần thực hiện vài công đoạn đơn giản nữa là có sẵn một chiếc pizza.
Một thời gian sau, Kuban tung ra một trang web với ý định biến nó thành “một tạp chí về văn hóa pizza”. Trước đó anh cũng đã theo học báo chí vì biết rằng mình phải có trách nhiệm viết về nó. Thế là anh viết về mọi thứ liên quan đến pizza, từ lò nướng thế nào đến cách thức chế biến nước xốt ra sao, và nhanh chóng thu hút được một lượng độc giả khổng lồs đến từ nhiều ngành nghề khác nhau: đầu bếp, nhà báo, người yêu pizza và cả những kẻ “ngoại đạo” như cách họ thừa nhận trong các comment cho những bài viết của anh.
Kuban không phải là trường hợp duy nhất trong giới viết lách về ẩm thực trên Internet mở cơ sở làm ăn riêng sau nhiều năm tích lũy kiến thức lẫn kinh nghiệm. Trước anh đã có Lisa Fain với một nhà hàng kiểu Texas sau nhiều năm viết cho trang Homesick Texan. Pim Techamuanvivit, viết cho Chez Pim cũng mở Kin Khao, một nhà hàng kiểu Thái, ở San Francisco cách đây vài năm, và Molly Wizenberg vẫn tiếp tục viết lách sau khi cùng mở hai nhà hàng với bạn ở Seattle. Dù mới gia nhập đội ngũ trên nhưng Kuban không hề tỏ ra kém cạnh. Bản thân anh cũng là một đầu bếp tuyệt vời và đầy tâm huyết. Do vậy cũng dễ hiểu vì sao pizza của anh đang thu hút được nhiều khách “ruột”.
Khi được hỏi “Có bao giờ anh ăn pizza ở nơi khác không?” Anh trả lời:“Có chứ, tôi vẫn thường ghé tiệm Maria.” Đó là nơi mà anh vẫn hay ghé cùng cha từ lúc lên 8 hay 9 tuổi. Cũng tại nơi này mà cha anh đã ấp ủ giấc mơ có được một tiệm pizza riêng.
Thật ra tiệm Maria không có gì là sang trọng nhưng lại có nét rất riêng – được một gia đình quản lý từ năm 1957 đến nay, bên trong được trang trí bằng những tác phẩm nghệ thuật và đồ vật mang tính tôn giáo, các nữ nhân viên phục vụ chỉ mặc toàn màu đỏ. Bánh pizza của họ thì to đùng và không nổi tiếng lắm nhưng lại là nơi tiếp sức cho nhiều giấc mơ về pizza.“Người ta vẫn cứ tranh luận về pizza nhưng các bạn có nhớ thời mình còn bé không? Các bạn thích pizza nhưng không biết tại sao, chỉ đơn giản là thích thôi,” Kuban lý giải.
Theo Tri thức trẻ