Từ thầy giáo Tin trẻ đến sáng chế “chú nông robot” nông dân
Đồng giải nhì cuộc thi “Sáng tạo khoa học - kỹ thuật cấp tỉnh 2017” và “Khởi nghiệp khu vực ĐBSCL năm 2017”, xe năng lượng phục vụ nông nghiệp (NN) của anh Trần Trung Hiếu (sinh năm 1985, ngụ xã Vĩnh Lợi, Châu Thành, An Giang) được hội đồng giám khảo đánh giá là dự án khả thi, mang lại nhiều lợi ích cho nông dân (ND).
Xe năng lượng phục vụ nông nghiệp
Xuất phát từ tấm lòng hiếu thảo, khi thấy cha già cực khổ mỗi khi vào vụ mùa trên mấy chục công đất ruộng, anh Hiếu đã “ôm ấp” ý định tạo ra 1 chiếc máy đa năng, giúp cha đỡ vất vả. Vậy là, suy nghĩ tạo ra 1 chiếc máy nhiều tính năng như: xịt nước, sạ phân, sạ lúa dần lóe trong suy nghĩ của chàng trai trẻ.
Với công việc chuyên môn là giáo viên bộ môn Tin học của Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (thị trấn An Châu, Châu Thành, An Giang), anh Hiếu tự nhận hoàn toàn không có kinh nghiệm lẫn chuyên môn trong lĩnh vực bản thân đang thực hiện.
“Tôi đã lĩnh hội thêm kiến thức vật lý từ đồng nghiệp và tìm hiểu qua sách vở, Internet. Khi đã nắm rõ nguyên lý, tôi bắt tay vào thực hiện để hiện thực hóa ước mơ về chiếc xe năng lượng phục vụ nông nghiệp. Từ việc lên bản vẽ đến chọn mua nguyên - vật liệu, thiết bị, tôi gặp không ít khó khăn vì thực tế khác xa suy nghĩ. Khó khăn lớn nhất vẫn là sự ngăn cản của cha, bởi ông nghĩ việc tôi làm là không khả thi và tốn kém. Quả thật, sự thiếu thốn về kinh phí lẫn thất bại nhiều lần khiến tôi muốn buông tay. Nhưng nhờ sự động viên từ những người bạn, tôi có thêm động lực và sự hỗ trợ để theo đuổi ước mơ. Sau vài tháng kiên trì, chiếc xe đã hoàn thành” - anh Hiếu chia sẻ.
Với tải trọng khoảng 600kg làm bằng sắt, thép và vận hành trên nguyên tắc dựa vào năng lượng mặt trời, xe nông nghiệp đa năng của anh Hiếu có thể vừa phun thuốc, xịt nước, vừa sạ phân với công suất khoảng 3-5km/giờ. Tấm pin năng lượng với công suất 1.200Kw sẽ hoạt động khi nhận được năng lượng từ nguồn sáng của mặt trời. “Khi thử nghiệm trên mảnh ruộng, tôi thu được nhiều tín hiệu khả quan, giảm chi phí nhân công từ 15-20%. Bình quân 1 công ruộng tôi phải tốn khoảng 220.000 đồng/người/lần phun, xịt thuốc hay sạ phân, vừa mất nhiều thời gian lại vất vả nhân lực.
Trong khi đó, chiếc xe năng lượng đa năng của tôi có thể hoạt động trên diện tích từ 150-170 công/ngày. Ngoài ra, nó còn giúp gia đình tôi giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật từ 5-10%, vì không phải phun đi, phun lại nhiều lần. Người ND chỉ cần tiết kiệm được chi phí là mừng lắm” - anh Hiếu cho biết.
Đến “chú nông robot”
Được nhiều người ủng hộ, anh Hiếu có thêm tinh thần mang sản phẩm của mình tham dự cuộc thi “Sáng tạo khoa học - kỹ thuật cấp tỉnh 2017”. Trước đó, anh đã làm thêm 1 mô hình thu nhỏ chiếc xe năng lượng phục vụ NN để tiện cho việc di chuyển. Giải nhì chung cuộc là hoàn toàn xứng đáng với những gì anh Hiếu đã bỏ ra. Trên đà ấy, anh Hiếu tiếp tục mang sản phẩm dự thi “Khởi nghiệp khu vực ĐBSCL” và tiếp tục giành giải nhì.
Anh Hiếu bộc bạch: “Tại cuộc thi đó, tôi nhận được khá nhiều góp ý chân thành từ ban giám khảo và các doanh nhân thành đạt nhằm giúp tôi hoàn thiện sản phẩm. Theo họ, 1 chiếc máy mà ứng dụng từ 2 tính năng trở lên thì phải gọi là robot. Họ khuyến khích tôi nâng cấp sản phẩm và gợi ý về 1 robot thông minh được điều khiển bằng điện thoại từ xa. Nhiều lần suy nghĩ, tôi quyết định thử, nếu thành công sẽ giúp ích hơn nữa cho bà con ND. Đây là sự khẳng định, người ND có thể ứng dụng khoa học - kỹ thuật trên đồng ruộng của mình”.
Bằng việc dồn tất cả tiền thưởng, chiếc “xe năng lượng phục vụ nông nghiệp” trước đây được tháo ra hoàn toàn để thay thế bằng “chú nông robot” . Với chuyên môn tin học, không khó để anh Hiếu viết nên lập trình điều khiển từ xa kết nối trên chiếc điện thoại thông minh. Hiện, các công đoạn đã hoàn thành khoảng 40%, nếu không có gì trở ngại, trong tương lai “chú nông robot” sẽ được vận hành thử nghiệm trên ruộng nhà anh Hiếu.
“Đồng hành cùng anh Hiếu từ những ngày đầu, tôi tin và ủng hộ hết mình. Bởi thực tế, khi ứng dụng chỉ mới 1 vụ mùa mà bạn tôi tiết kiệm được khá nhiều chi phí. Song để “chú nông robot” có thể đi lại thuận tiện trên cây lúa đang trổ, anh Hiếu đang tập trung nghiên cứu để hoàn thiện vấn đề này” - anh Trương Thuận Hiếu (sinh năm 1984, ngụ xã Hòa Bình Thạnh, Châu Thành) bày tỏ.