Về nguồn khởi nghiệp với "quà quê" Bánh ít lá gai
Những tháng năm rong ruổi với ý nghĩ sẽ lập nghiệp ở vùng đất mới không làm nhạt đi sự “nặng lòng” của cô gái đất võ với quê hương Bình Định. Nguyễn Thị Hồng Son quyết định trở về quê hương và cùng 3 người bạn khác khởi nghiệp - mở cho mình hướng đi mới với bánh ít lá gai.
Tuổi thơ gắn liền với những buổi ngồi nhào bột, sống trong mùi thơm đặc trưng của lá gai, mùi béo nguậy của nếp quyện với đậu xanh, nhìn mẹ gánh những gánh bánh đi khắp nẻo đường cô cũng ước sau này lớn lên sẽ đưa bánh ít lá gai đi ra hơn những đoạn đường hữu hình mà mẹ đã đi, Hồng Son cho biết mình đã bén duyên với bánh ít lá gai từ đó.
Bắt tay vào khởi nghiệp với kinh nghiệm “kiến tập” từ tuổi thơ, với những lợi điểm của sản phẩm sẵn có như sản phẩm gắn liền với văn hóa của người đất võ Tây Sơn, được người dân đón nhận, cùng “bí kíp” làm bánh ngon từ người thầy cũng là người mẹ, và nhiều yếu tố thuận lợi khác như du lịch Bình Định đang trong giai đoạn tăng trưởng nóng, trong khi sản phẩm lưu niệm đặc trưng còn hạn chế, Hồng Son rất tự tin về tính khả thi dự án mình theo đuổi.
“Khi có ý nghĩ quay về quê hương khởi nghiệp, mình đã nghĩ ngay đến bánh ít lá gai. Sản phẩm ngoài bổ sung vào danh sách quà tặng đặc sản Bình Định, quảng bá văn hóa, con người Bình Định thì còn có thể nhân rộng mô hình, tạo thêm công ăn việc làm cho lao động nông nhàn tại địa phương.” Nguyễn Thị Hồng Son (SN 1988, Nhơn Phú, Quy Nhơn, Bình Định) – Founder dự án khởi nghiệp Bánh ít lá gai Tâm Ý chia sẻ.
Qua gần một năm từ khi hình thành ý tưởng, Hồng Son cùng các cộng sự đã đi được một đoạn đường mà không phải startup nào cũng làm được, từ xây dựng nhà xưởng, trang bị máy móc sản xuất, thiết kế logo, nhãn hiệu, bao bì sản phẩm, đăng ký bảo hộ thương hiệu, và sau một thời gian nghiên cứu chuẩn hóa chất lượng sản phẩm, dự án đã cho ra những mẻ bánh đầu tiên được phân tích kiểm nghiệm, đạt chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) để đến với người tiêu dùng thông qua các triển lãm, hội chợ và nhận lại sự phản hồi tích cực của khách hàng.
Vì hướng đến làm quà tặng du lịch, sản phẩm được nhóm đặc biệt đầu tư vào mẫu bao bì sản phẩm, làm toát lên nét văn hóa của người Bình Định. Hồng Son mong muốn mỗi hộp bánh là một đại sứ thầm lặng giới thiệu và quảng bá hình ảnh Bình Định đến với du khách trong và ngoài nước.
Hồng Son cho biết, như nhiều dự án khởi nghiệp khác, “Bánh ít lá gai Tâm Ý” cũng đang nỗ lực vượt qua trở ngại về vốn. Khởi nghiệp phải có vốn, khởi nghiệp về thực phẩm sạch còn cần vốn nhiều hơn, đặc biệt cần thiết trong giai đoạn bước vào thương mại hóa sản phẩm. Một khó khăn song song nữa đó là nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm. “Chất lượng đi đôi với giá thành”, nhưng người tiêu dùng đã quen với mức giá cũ, sản phẩm cũ nên khi một sản phẩm như vậy được đổi mới, chuẩn hóa đi theo đó giá thành cao hơn thì cần một thời gian đủ để thay đổi thói quen tiêu dùng.
Theo ông Lý Đình Quân – Giám đốc Trung tâm ươm tạo Sông Hàn, khi tiếp nhận tư vấn cho dự án sản phẩm bánh ít được sản xuất theo hướng truyền thống, Sông Hàn Incubator đã tư vấn cho dự án thay đổi sang sản xuất theo quy chuẩn. “Đưa công nghệ tham gia vào quá trình làm bánh, chuyển từ làm bánh thủ công sang bán thủ công; từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng loạt, trong đó chú trọng thay đổi bao bì sản phẩm từ đơn điệu sang có hình ảnh, logo, lồng hình ảnh vua Quang Trung Nguyễn Huệ, hình ảnh tháp bánh ít…- những nét văn hóa đặc trưng của Bình Định vào sản phẩm. Không chỉ đơn thuần làm thay đổi sản phẩm, mà truyền vào đó văn hóa Bình Định làm thay đổi cảm xúc người khách du lịch, gia tăng sự quan tâm của cơ quan quản lý nhà nước vào sản phẩm du lịch, từ đó, giá trị của sản phẩm bánh ít lá gai Tâm Ý tăng lên rất nhiều lần”, ông Quân nói.
Cô gái đất võ Tây Sơn chia sẻ, trong thời gian tới khi hoạt động khởi động dự án đã hoàn thiện, nhóm sẽ triển khai mở rộng phân phối và lên kế hoạch triển khai hợp tác mở dịch vụ trải nghiệm, dạy làm bánh tại Hội An để quảng bá thương hiệu và định hướng đưa Bánh ít lá gai Tâm Ý Bình Định vượt qua khỏi biên giới quốc gia, xuất khẩu đến những thị trường khác.
Đặc biệt, để khẳng định chất lượng sản phẩm, nhóm của Hồng Son đang triển khai kế hoạch dán tem truy xuất nguồn gốc QR code trên sản phẩm. Trong đó, tích hợp thông tin văn hóa Bình Định như câu chuyện về anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ, tháp bánh ít, nghệ thuật bài chòi; cùng các thông tin cơ bản về sản phẩm như thành phần, tên đơn vị sản xuất sản xuất, hạn sử dụng…. nhằm làm tăng hiệu quả quảng bá văn hóa Bình Định cũng như tăng niềm tin của người tiêu dùng.