3 TÍNH TỪ KHIẾN CV RỚT GIÁ
Đừng đánh bóng CV bằng những ngôn từ bóng bẩy, thay vào đó, hãy thành thật trước mặt nhà tuyển dụng. Tin tôi đi, họ đã đọc hàng vạn CV và phỏng vấn hàng nghìn người, làm sao bạn có thể qua mặt được họ chứ.
Khi Aaron Schock rời khỏi Hạ viện Hoa Kì vào mùa xuân năm ngoái, rất ít người sẽ tập trung vào những ảnh hưởng của ông đến Quốc hội. Lý do đầu tiên là vì không một dự luật nào mà ông này từng bảo trợ được đưa vào áp dụng. Nhưng lý do thứ hai, và cũng là lớn nhất, là vì Schock, người từng bị chỉ trích vì một vụ bê bối chi tiêu, nổi danh nhờ một tấm ảnh cởi trần trên bìa tạp chí Men’s Health.
Schock là ví dụ điển hình của những người bên ngoài bảnh bao mà bên trong rỗng tuếch.
Đáng thất vọng hơn, ở tuổi 33, Schock là một chính trị gia đai diện cho thế hệ trẻ chúng ta (thế hệ 8X - 9X). Chúng ta cần những con người tốt hơn thế này, và mọi việc phải bắt đầu ngay bây giờ.
Hãy nhìn vào sơ yếu lý lịch (CV) và thư xin việc (cover letter) của bạn để xem rằng bạn có dùng tới 3 tính từ này không?
- Thành công
- Chăm chỉ
- Nhiệt tình
Chắc hẳn phần lớn các bạn đều có dùng các tính từ này để miêu tả bản thân. Đây là một thói quen xấu bắt nguồn từ thời sinh viên, khi tất cả chúng ta đều muốn tỏ ra “nguy hiểm”.
Cuốn “Flying without a Helicopter: How to Prepare Young People for Work and Life” của tiến sỹ Joanie Connel đề cập chi tiết đến thói quen này. Bà viết:
“Điều hài hước nhất về những gì bạn học ở giảng đường là chúng gần như không thể áp dụng được ở nơi làm việc.”
Đã đến lúc bạn thay thế những từ ngữ bóng bẩy trên bằng kinh nghiệm làm việc thật của bạn. Hồ sơ của bạn sẽ thú vị hơn nhiều khi chúng có chất lượng chứ không chỉ là khoe khoang hời hợt. Đây là chiến lược tôi dạy cho tất cả các khách hàng tôi từng tư vấn về nghề nghiệp.
Hãy xem xem 3 từ này tệ ở chỗ nào:
1. THÀNH CÔNG
Đơn xin việc hời hợt: "Tôi là một người quản lý dự án thành công, luôn mang lại kết quả tốt nhất cho khách hàng."
Đơn xin việc có “chất”: "Minh chứng rõ ràng nhất cho kinh nghiệm quản lý dự án của tôi là điều hành một thương vụ sát nhập 3 website thành 1. Dự án này kéo dài 7 tháng và bao gồm 17 thành viên, nhưng tôi đã giữ mọi người đi đúng hướng và hoàn thành công việc.”
Giải thích: Ai cũng nổ rằng họ “thành công”, nhưng bạn là người duy nhất đưa ra được ví dụ về sự thành công của mình. Những người khác có thể trưng cái biển “thành công” để gây sự chú ý, nhưng bạn phải tạo ấn tượng bằng câu chuyện của riêng mình.
2. CHĂM CHỈ
Đơn xin việc hời hợt: "Tôi làm việc chăm chỉ và luôn hoàn thành công việc."
Đơn xin việc có “chất”: "Trong công việc vừa qua, tôi đã thu thập và phân loại 12.000 hồ sơ dữ liệu về tình trạng béo phì thiếu nhi ở 50 tỉnh thành. Tôi phải báo cáo lại trong 2 tuần vì sau đó sếp cần có thông tin để có thể thuyết trình tại một hội nghị quốc gia. Nhiều hôm tôi đã ở lại văn phòng đến tối muôn để xong việc nhưng cuối cùng tôi cũng hoàn thành dự án.”
Giải thích: Không ai sẽ tin bạn “chăm chỉ” trừ phi bạn đưa ra ví dụ cụ thể về điều này. Đừng làm màu mà hãy minh chứng bằng hành động.
3. NHIỆT TÌNH
Đơn xin việc hời hợt: "Tôi luôn tiếp cận công việc một cách nhiệt tình nhất."
Đơn xin việc có “chất”: "Hầu hết các thực tập sinh đều sẽ không muốn dành cả mùa hè pha cà phê cho sếp, nhưng tôi đã được lợi từ trải nghiệm này. Vì là người đi rót cà phê cho cấp trên, tôi có cơ hội được tiếp xúc với họ và học hỏi nhiều điều bổ ích về công ty cũng như sự nghiệp của họ. Với tôi, rót cà phê là cách sử dụng thời gian hiệu quả nhất trong quá trình thực tập.
Giải thích: Trong khi các đơn xin việc khác chỉ nói đơn thuần là họ “nhiệt tình”, bạn chứng minh được điều này bằng kinh nghiệm làm việc thực sự, và đây là điều làm nên cái chất của bạn.
LỜI CUỐI
Trong mỗi ví dụ về “chất”, bạn sẽ thấy rằng tôi không hề dùng các từ: “thành công”, “chăm chỉ”, “nhiệt tình”. Đó là vì khi bạn đưa ra ví dụ cụ thể để chứng minh rằng mình “nhiêt tình”, bạn không cần phải dùng đến chính từ đó.
Hãy để kinh nghiệm làm việc quyết định thành bại cho lá đơn xin việc của bạn, và nhường lại những màu mè hoa lá cho người khác. Các chính trị gia chẳng hạn.