6 điều cần lưu ý khi gửi email cho nhà tuyển dụng
Nếu muốn tìm được một công việc, điều quan trọng đầu tiên là bạn cần thể hiện sự quan tâm của mình đến công việc đó. Và một trong những cách để cho thấy điều này là gửi email chuyên nghiệp đến nhà tuyển dụng tiềm năng. Điều này nghe qua có vẻ như là một nhiệm vụ đơn giản nhưng nó thực sự đòi hỏi khá nhiều thời gian và công sức. Hãy cùng xem một số lưu ý về cách viết email cho nhà tuyển dụng tiềm năng sau đây nhé.
Sử dụng địa chỉ email chuyên nghiệp
Đây luôn luôn là quy tắc số 1 khi gửi email đến nhà tuyển dụng. Email của bạn sẽ dễ bị phớt lờ, thậm chí bị xóa bởi bị cho là thư rác với những địa chỉ như changtrailangtu@, hoặc cobexinhdep@... Nếu địa chỉ email bạn đang sử dụng có thể bị xem là không nghiêm túc, hãy tạo ngay một tài khoản mới với cấu trúc [tên của bạn]@ hoặc [tên họ + con số]@... hoặc bất kỳ địa chỉ đáng tin cậy nào khác.
Đừng coi nhẹ phần tiêu đề
Nếu người nhận email của bạn là người quản lý tuyển dụng thì có nhiều khả năng họ sẽ nhận được hàng tấn thư mỗi ngày. Điều này có nghĩa là họ quá bận rộn và có thể sẽ lướt qua các tiêu đề email không rõ ràng. Đó là lý do tại sao bạn nên dành nhiều thời gian hơn để có phần tiêu đề email nổi bật. Một tiêu đề súc tích, nhẹ nhàng, đi vào trọng tâm sẽ thu hút sự chú ý và khuyến khích nhà tuyển dụng mở email ngay sau khi đọc.
Tránh sử dụng từ viết hoa
Mặc dù bạn muốn tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng nhưng cũng không nên làm phần nội dung email dày đặc các từ viết hoa, bởi cách trình bày này tạo cảm giác như thể bạn đang hét lên. Như thế chắc chắn rằng bạn đã tạo một ấn tượng không mấy tốt đẹp cho người nhận và họ sẽ không khi nào muốn gặp một người tìm việc đang cố tỏ vẻ “bề trên”.
Loại bỏ các từ viết tắt
Có một số từ viết tắt rất quen thuộc được sử dụng rộng rãi và ai cũng hiểu ý nghĩa, tuy nhiên để thể hiện sự tôn trọng với nhà tuyển dụng thì bạn nên tránh sử dụng. Bạn cần chứng tỏ rằng thái độ của bạn là nghiêm túc và bạn rất quan tâm đến cơ hội việc làm này. Nếu cần thiết sử dụng các từ như asap (sớm nhất có thể), ttyl (chào tạm biệt) hoặc plz (vui lòng) thì hãy cố gắng viết đầy đủ, một chút thời gian bỏ ra sẽ mang lại nhiều giá trị hơn bạn tưởng đấy.
Tránh lỗi chính tả
Khi bạn đang cạnh tranh với một nhóm lớn các ứng cử viên cho một vị trí nào đó thì một sai lầm nhỏ nhất cũng có thể khiến bạn bị loại khỏi “cuộc chơi” không thương tiếc. Vì vậy, đừng để những chi tiết nhỏ như sai lỗi chính tả hay lỗi đánh máy trở thành vật cản bạn đến với công việc mơ ước. Hãy đọc email của bạn nhiều lần, sau đó nhờ một người đáng tin cậy kiểm tra một lần nữa để đảm bảo bạn không mắc bất cứ sai sót nào. Sẽ chẳng có nhà tuyển dụng nào tin tưởng nếu bạn nói rằng mình là người cẩn thận, chú ý đến chi tiết trong CV nhưng lại mắc lỗi chính tả khi chỉ viết vài dòng ngắn ngủi trong email.
Phản hồi email nhanh chóng
Tốt nhất là bạn nên phản hồi trong vòng 1 ngày sau khi nhận được email từ nhà tuyển dụng. Nếu đó là email không cần đến câu trả lời thì bạn vẫn nên xác nhận rằng mình đã nhận được thư. Việc hồi đáp những email thế này cho thấy bạn là người chuyên nghiệp, có tinh thần hợp tác và quan tâm đến người khác bởi chỉ một lời xác nhận của bạn thôi cũng sẽ giúp công việc của họ thuận lợi hơn.