7 câu nói giúp bạn tạo sự tin tưởng trong giao tiếp
Cảm ơn
Thật ngạc nhiên khi câu này lại ở trong danh sách những câu nói chiếm được lòng tin của người khác phải không? Thực ra, một trong những bước đầu tiên để tạo nên niềm tin của ai đó là tạo thiện cảm với họ, và một câu “cảm ơn” đơn giản đã giúp bạn thể hiện được sự trân trọng đối với những gì họ làm.
Đừng nghĩ cần phải có thứ gì to tát để người khác tin tưởng mình, hãy nhớ rằng lòng tin được xây dựng bằng cả một quá trình, và chỉ đơn giản bắt đầu bằng những cử chỉ thể hiện sự biết ơn.
Tôi cũng quan tâm đến vấn đề này giống bạn đấy
Ngoài cảm giác được trân trọng, con người cũng có xu hướng thân thiết với những ai thuộc phe “đồng minh” của mình. Vì vậy, khi người ấy đưa ra một vấn đề, đừng ngần ngại thể hiện rằng bạn cũng rất quan tâm tới điều đó nhé.
Hãy thêm vài ý kiến, quan sát cá nhân để chứng minh tính “chân thực” (rằng không phải bạn chỉ nói để lấy lòng), những câu chuyện thật của chính bạn sẽ nhanh chóng chiếm được lòng tin của người nghe. Tất cả điều này sẽ giúp truyền tải thông điệp “Tôi đã từng trải qua vấn đề này, vì vậy, tôi rất quan tâm và đồng ý với bạn” tới đối phương.
Tôi tin bạn làm được mà
Khi bạn muốn người ta đối xử với mình như thế nào, hãy đối xử như vậy với họ trước tiên. Khi bạn muốn đối phương tin tưởng, hãy thể hiện rằng bạn hoàn toàn đặt niềm tin ở họ trước. Nhưng điều này không dễ dàng thể hiện qua một câu nói đâu, nó yêu cầu bạn một sự thành tâm tuyệt đối. Vì chỉ khi thật sự có ý như vậy, bạn mới có thể trả lời rành mạch câu hỏi “Tại sao bạn lại có niềm tin như vậy ở tôi?” nếu bên kia hỏi ngược lại.
Bạn nói tiếp về vấn đề này đi
Câu này nói rằng bạn rất sẵn lòng ngồi thêm hàng tiếng đồng hồ để lắng nghe thêm những câu chuyện hay ho từ họ. Đối phương sẽ nhận được dấu hiệu rằng bạn rất coi trọng những điều họ nói trong cuộc hội thoại, đó có thể là kinh nghiệm, chia sẻ từ chính con người họ. Đừng quên đặt thêm câu hỏi để thể hiện sự hứng thú và gây thiện cảm với đối phương như: “Tại sao lúc ấy anh/ chị lại nghĩ ra được những điều hay ho như vậy?” “Mình chưa hiểu chỗ này lắm, bạn kể chi tiết hơn đi!”,..
Nghiên cứu đã chứng minh rằng…
Còn gì đáng tin hơn khi ý kiến của bạn đưa ra đã được chứng minh bằng những nghiên cứu thực tế, đặc biệt là kèm theo những số liệu cụ thể ngay sau đó. Ngoài ra, những yếu tố nhỏ như tên tác giả, thời gian cũng là bằng chứng xác thực cho nghiên cứu này. Hãy tìm kiếm những hồ sơ khoa học, hay hình mẫu thành công của một dự án, quan điểm, để tăng thêm tính tin cậy cho đề xuất của mình. Ý tưởng mới của bạn sẽ dễ dàng thuyết phục được mọi người hơn , khi bạn giới thiệu cho một dự án tương tự đã từng thành công vang dội.
Chúng ta có điểm chung đấy
Đối với trường hợp những nhóm người, tổ chức, hãy dùng mục đích chung để liên kết những cá thể riêng lẻ lại với nhau. Thay vì đưa ra những điều chỉ đúng với bạn, hay cho một nhóm người cụ thể; hãy biến nó thành lợi ích chung của tất cả mọi người trong nhóm. “Tôi đưa ra điều này vì mục đích chung, bạn có lợi, và tôi có lợi, chúng ta đều có lợi ” sẽ là động lực lớn khiến mọi người đồng ý và tin tưởng với quyết định và sát cánh cùng bạn.
Tôi hiểu được những gì bạn nói, những gì bạn đã trải qua
Gợi sự đồng cảm là bí quyết tốt nhất để tạo nên sự tin tưởng giữa hai cá thể riêng biệt. Khi đưa ra những cử chỉ, hành động chứng minh rằng “tôi hiểu những gì bạn nói”, bạn sẽ truyền đi sự thấu hiểu với tất cả những suy nghĩ của họ. Lúc đó, giữa hai người sẽ có sự gắn bó về mặt cảm xúc. Theo thời gian, sự liên kết này sẽ mở rộng thành sự tin tưởng họ (đã bao lần bạn nghe theo lời khuyên của một đứa bạn thân vì nó rất hiểu mình còn hơn mình hiểu mình?).
Hãy bắt đầu bằng những cử chỉ hàng ngày như lắng nghe, đồng cảm, biết ơn, để tạo được sợi dây liên kết với bất kì ai, đó là bước đệm quan trọng của niềm tin đấy.