7 điều sếp không nói nhưng bạn nên hiểu
Là cấp trên, sếp không thể lúc nào cũng có mặt mọi lúc mọi nơi để đưa ra lời nhắc nhở, hướng dẫn cho từng nhân viên mà có những điều sếp cần cấp dưới tự “giác ngộ”.
Nếu bạn nhận thức được 7 vấn đề sau – là những điều đơn giản nhưng nhiều người lại mất cả một quá trình để thấu hiểu, thì chắc rằng bạn sẽ tạo được một “dấu son” đẹp đẽ trong lòng sếp.
Cuộc sống vốn không công bằng
Đó là chân lý mà ngay cả tỷ phú Bill Gates cũng phải học cách chấp nhận và bạn cũng cần làm như thế. Vậy nên đừng “ngồi lê đôi mách” than thở mỗi khi có cô bạn đồng nghiệp được thăng chức, được giao cho những dự án lớn chỉ vì được sếp yêu quý hơn. Thay vì phàn nàn, hãy học cách đổi mới bản thân mình bằng cách nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn... để chứng minh năng lực với sếp. Một ngày nào đó, có thể bạn cũng sẽ đạt được những gì mà cô bạn đồng nghiệp kia đang có bây giờ.
Chẳng ai quan tâm đến quá trình cả
Điều sếp cần ở nhân viên chính là kết quả công việc, chứ không phải việc họ luôn “cắm mặt” vào máy tính 8 tiếng một ngày nhưng không hoàn thành tốt các công việc được giao. Cũng chẳng ai quan tâm xem bạn đã nỗ lực thế nào, thức trắng bao đêm hay sụt bao nhiêu ký nếu như kế hoạch của bạn thất bại thảm hại. Bạn càng cố gắng giải thích, sếp sẽ cho rằng bạn đang bào chữa và càng có cái nhìn thiếu thiện cảm về bạn. Những lúc như thế, hãy chấp nhận điểm yếu của mình và lấy đó làm bài học để làm tốt hơn trong lần sau.
Sếp luôn có con mắt thứ 3
Bạn luôn thắc mắc không hiểu sao chuyện bạn mới chia tay người yêu hay bạn vừa đi muộn có 30 giây lại đến tai sếp? Những sếp khó tính luôn gắn camera trong mắt, săm soi bạn khi bạn chẳng làm gì hoặc trong những lúc bạn nghĩ “Mình hết việc rồi, xõa thôi!”. Chưa kể đồng nghiệp cả vô tình lẫn cố ý tiết lộ những thông tin có thể khiến bạn điêu đứng. Vậy nên, đừng cố gắng “qua mặt” hay có “hành động mờ ám” nào sau lưng sếp, sếp biết hết cả đấy!
An toàn không bao giờ là đủ
Tránh xa rủi ro sẽ không đảm bảo cho bạn một con đường bằng phẳng trong công việc. Chẳng sếp nào thích một nhân viên tàng hình, ngại va chạm và chỉ thích ẩn nấp trong vỏ trú ẩn của mình cả. Nếu bạn không muốn tên mình nằm ngay đầu trong danh sách đỏ của sếp thì nhanh chóng “hiện hình” đi thôi. Trải nghiệm giúp bạn nhận ra thiếu sót của bản thân, hoàn thiện hơn và dễ dàng tìm thấy cơ hội để vươn lên.
“Đối thủ” ở khắp mọi nơi
Trong khi bạn nghĩ rằng đồng nghiệp giống như một người bạn thì trên thực tế lại có lúc bạn bị chính những người sát cánh kề vai bấy lâu nay sẵn sàng "trừ khử", thì sếp với kinh nghiệm của người đi trước thừa biết bạn bị chơi xấu thế nào nhưng sẽ không nói với bạn đâu. Quá trình lột xác thành bươm bướm bao giờ cũng phải trải qua vô vàn đau đớn và khó khăn. Sếp muốn bạn tự lớn lên, tự nhận ra đâu là “kẻ tiểu nhân” để chiến đấu thì mới có thể tiếp tục đứng vững được. Còn nếu không, chẳng mấy chốc mà bạn tự nguyện đưa đơn xin nghỉ việc thôi.
Công việc của bạn chỉ là tạm thời
Ngay cả khi bạn ký bản hợp đồng trọn đời với công ty thì cũng chẳng có gì đảm bảo rằng vị trí của bạn được an toàn. Cứ thử tưởng tượng vào một ngày đẹp trời nào đó, sếp nổi hứng “tàn sát” nhân viên, điều chuyển công tác hay công ty bị giải thể chẳng hạn, bạn sẽ gia nhập đội ngũ thất nghiệp hoặc lò dò làm quen với công việc mới. Vậy nên hãy cống hiến hết mình cho công việc ngay khi còn có thể nhé!
Ngoại hình cũng là một kỹ năng
Mọi người có thể đưa ra các xét đoán về khả năng, tính cách và trình độ của bạn một phần thông qua trang phục và cách bạn cư xử. Thế nên, sẽ chẳng sếp nào thích nổi nhân viên ăn mặc xuề xòa, mặt mày hốc hác, đặc biệt là những lúc tháp tùng theo sếp gặp đối tác hoặc khách hàng bởi bạn đang làm “mất mặt” sếp đấy. Bên cạnh thái độ làm việc chuyên nghiệp, hãy chọn cho mình những bộ cánh phù hợp với vóc dáng và phong cách trang điểm theo từng bối cảnh, bạn sẽ tạo được sự tự tin cho bản thân mình và cho cả sếp nữa.