Cần làm gì trong 6 tháng đầu ở Bí quyết lựa chọn khi nhận được hai công việc cùng lúc việc mới?
Bạn rất vui mừng vì một lúc nhận được cả hai lời mời làm việc sau các vòng phỏng vấn đầy gay go. Tuy nhiên, bước tiếp đến bạn lại rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan khi phải chọn một trong hai. Làm thế nào để có thể đưa ra quyết định đúng đắn?
Để giúp bạn lựa chọn, Trưởng phòng Tư vấn Tuyển dụng đã đưa ra 6 gợi ý để bạn có thể chọn một công việc mang lại cho mình tương lai thành công nhất, hãy cùng tham khảo nhé!
1. Xem xét mỗi công việc phù hợp với mục tiêu nghề nghiệp của bạn như thế nào
Khi bạn phỏng vấn cho một công việc nào đó, bạn muốn chứng minh mình là người phù hợp nhất cho vị trí mà công ty đang cần. Tuy nhiên, khi bạn có hai lời mời làm việc cùng lúc, bạn nên xem xét các triển vọng công việc phù hợp với mục tiêu nghề nghiệp của bạn ra sao.
Thay vì tập trung vào những gì bạn có thể làm cho công ty, hãy xem xét những gì mỗi công ty có như mô hình tổ chức, văn hóa, tầm nhìn... Hãy tự hỏi công việc nào phù hợp với mục tiêu nghề nghiệp hơn, công việc nào có cơ hội phát triển hơn, thách thức bạn nhiều hơn hoặc cho bạn cơ hội học các kỹ năng mới.
2. Cân nhắc mức lương và sự thỏa mãn cá nhân
Khi lựa chọn giữa hai công việc thì một câu hỏi đương nhiên phải quan tâm là việc nào được trả lương cao hơn. Tất nhiên, mức lương không phải là yếu tố quan trọng duy nhất. Sự thỏa mãn cá nhân cũng là điều rất cần thiết. Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu công việc bạn ít muốn làm lại có mức lương cao hơn? Trong trường hợp này, bạn sẽ cần cân nhắc xem mức lương cao hơn có đủ bù đắp khi làm công việc bạn không thích hay không. Chắc chắn, bạn sẽ có nhiều tiền hơn để chi tiêu ngoài công việc, nhưng nếu bạn chán việc đi làm 40 giờ hay nhiều hơn mỗi tuần, mức lương cao có thể không giúp bạn cảm thấy hạnh phúc hơn.
Các chuyên gia nhân sự khuyên rằng khi quyết định công việc không quá nhất thiết phải dựa vào lương bổng, chỉ cần chọn mức lương phù hợp với giá trị của bạn. Trường hợp nếu cả hai mức lương đều đáp ứng nhu cầu, bạn có thể chọn công việc giúp bản thân thỏa mãn hơn.
3. Đánh giá văn hóa của từng nơi làm việc
Các nhà tuyển dụng luôn xem xét đánh giá sự phù hợp của ứng viên với văn hóa công ty nhằm đảm bảo rằng bạn có thể phát triển tốt trong tổ chức của họ. Nhưng sự phù hợp về văn hóa không phải là con đường một chiều, bạn cũng cần phải quyết định xem mỗi công ty có phù hợp với mình hay không.
Nếu đã từng làm việc trong môi trường độc hại chắc bạn cũng biết mệt mỏi thế nào để có thể “sống” qua ngày, ngay cả khi bạn yêu thích công việc thì cũng sẽ sớm bỏ cuộc ở một nơi làm việc không thoải mái. Mặt khác, bạn có thể phát huy niềm đam mê của mình cho một công ty mà văn hóa ở đó khiến bạn cảm thấy bản thân có giá trị và được thử thách.
Khi chọn lựa giữa hai công việc, hãy xem xét thêm về văn hóa của từng nơi làm việc, dù đó là tinh thần cộng tác, sự độc lập, linh hoạt hay các thách thức mới thông qua người phỏng vấn hoặc nhân viên hiện tại... Sau đó, hãy đưa ra sự lựa chọn công ty bạn cảm thấy phù hợp nhất.
4. So sánh hai nhà quản lý tiềm năng
Bạn đã bao giờ nghe nói rằng nhân viên rời bỏ quản lý chứ không phải rời bỏ công ty? Người quản lý trực tiếp có tác động rất lớn đến trải nghiệm của bạn tại nơi làm việc. Một người quản lý tệ có thể khiến bạn mất động lực, thậm chí bỏ cuộc, trái lại một quản lý tốt sẽ thúc đẩy bạn cũng như giúp bạn học hỏi và phát triển.
Người quản lý có thể như một người cố vấn, mở rộng con đường phát triển chuyên nghiệp của bạn. Khi lựa chọn giữa hai công việc, hãy xem xét và so sánh hai người quản lý tiềm năng thông qua cách họ ứng xử với bạn trong buổi phỏng vấn, hoặc nói chuyện với nhân viên hiện tại về trải nghiệm với những người quản lý đó nếu có thể. Bạn sẽ chỉ có thể phát triển tốt khi được làm việc trong môi trường lành mạnh dưới sự quản lý của một người sếp tuyệt vời.
5. Viết ra một ngày điển hình cho mỗi công việc
Một cách khác để quyết định giữa hai công việc là liệt kê ra một ngày làm việc điển hình trong mỗi vai trò, bằng cách hỏi các câu hỏi như sẽ làm gì mỗi ngày, sẽ tương tác với ai, đường đi làm ra sao... Việc viết ra tất cả mọi thứ có thể giúp bạn hiểu những gì sẽ thực hiện đối với mỗi công việc. Nếu hai công việc tương tự nhau ở tất cả các khía cạnh khác, lựa chọn của bạn có thể tập trung vào các chi tiết nhỏ như đường đi lại ngắn hơn hoặc không gian làm việc hấp dẫn hơn.
6. Tin tưởng vào trực giác của bạn
Khi bạn đã thực hiện việc xem xét và tạo danh sách, hãy lắng nghe tiếng nói bên trong con người bạn: bản năng mách bảo bạn điều gì? Bạn mới là người hiểu bản thân mình và sở thích công việc hơn bất kỳ ai. Nếu bạn bè hoặc gia đình đang “chống” lại bạn vì một lựa chọn khác có vẻ hấp dẫn hơn, nhưng bạn biết rằng mình sẽ hạnh phúc với lựa chọn của bản thân thì hãy tin tưởng vào chính mình. Đôi khi bạn cần mạo hiểm và nhảy vào công việc khiến bạn cảm thấy hào hứng và tràn đầy năng lượng.