Chuyên gia: Đừng khởi nghiệp theo phong trào

“Đừng tập trung vào người khác nói gì. Đừng tập trung vào góc nhìn của nhà đầu tư. Hãy tập trung xem khách hàng của bạn muốn gì.”

"Gần đây, đi đâu chúng ta cũng nghe khởi nghiệp. Nhưng các bạn thấy đấy, những gương mặt thành công đứng lên chia sẻ tại các sự kiện khởi nghiệp quanh quẩn chỉ có bấy nhiêu con người. Do vậy, hãy tỉnh táo và đừng khởi nghiệp theo phong trào", ông Phạm Đình Nguyên, người sáng lập thương hiệu cafe Phin Deli, chia sẻ.

Lời khuyên trên được ông Nguyên đưa ra trong Diễn đàn lãnh đạo trẻ Việt Nam 2015 (Vietnam Young Leaders Forum 2015) do Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp (BSSC) phối hợp cùng Hội Doanh nhân trẻTPHCM (YBA) và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TPHCM tổ chức vào tối qua 18-12.

Theo ông Nguyên, các bạn trẻ nên tìm đọc cuốn “Sách đen về tinh thần doanh nhân”, trong đó tác giả cuốn sách chỉ ra 14 nhân tố chính dẫn đến thất bại mà nếu bạn có thể vượt qua được thì mới nên nghĩ đến khởi nghiệp.

Với những lời khuyên cụ thể hơn, bà Nguyễn Phương Anh, Giám đốc Marketing của Google tại Việt Nam, cho rằng các bạn trẻ nên đi làm một thời gian để hiểu được một công việc kinh doanh thật sự vận hành như thế nào, những áp lực người chủ phải đối mặt, hay ít nhất bạn phải hiểu làm nhân viên là như thế nào trước khi lên làm chủ.

Tiếp nói câu chuyện, bà Phương Anh chia sẻ, khởi nghiệp thật sự rất khó khăn: "Tôi có nhiều người bạn khởi nghiệp. Bạn bè mời nhau đi chơi hoặc ăn tối rất khó khăn vì họ gần như không tách ra khỏi công việc, thậm chí ở văn phòng đến đêm mới về. Những bạn trẻ có sẵn sàng hy sinh tuổi xuân của mình để suốt ngày lao đầu vào công việc? Bạn có sẵn sàng theo đuổi công việc bạn đang làm trong 10 năm? Nếu không, bạn chưa sẵn sàng để khởi nghiệp".

“Quan trọng hơn, thất bại ở tuổi trẻ, đôi khi rất có hại. Nếu ở tuổi 25 mà bạn đã đóng cửa công ty hai lần thì sự tự tin của bạn sẽ giảm đi rất nhiều. Còn nếu ở tuổi 35, mọi chuyện có thể sẽ khác. Do vậy, nếu chưa sẵn sàng, việc làm thuê để tích lũy kinh nghiệm vẫn là điều nên làm”, bà Phương Anh phát biểu.

Ý tưởng quan trọng như thế nào?

Tình trạng chung được nhiều diễn giả chia sẻ, đó là các bạn trẻ khi khởi nghiệp thường luôn cho rằng ý tưởng của mình là xuất sắc, là đáng đầu tư và đem ý tưởng đi gọi vốn. Tuy vậy, theo các diễn giả, ý tưởng không đóng góp nhiều vào sự thành công của một dự án.

Cụ thể, ông Nguyễn Hải Ninh, Giám đốc điều hành chuỗi cafe The Coffee House, nhìn nhận công thức thành công đến từ 99% năng lực thực thi và chỉ có 1% dành cho ý tưởng.

Tương tự ông Ninh, ông Nguyễn Trung Tín, người sáng lập không gian làm việc chung Dreamplex, cho rằng ý tưởng chỉ đóng góp 1% mà thôi, 98% đến từ năng lực thực thi và 1% là sự may mắn.

Trong khi 1% đã ít, ông Nguyên còn cho rằng đôi khi ý tưởng không có giá trị gì cả. Tại sao vậy? Ông Nguyên lấy ngay mô hình kinh doanh của The Coffee House để phân tích. “Kinh doanh như The Coffee House không mới lạ và cũng chẳng khó để làm theo ý tưởng đó, nhưng bạn có làm được như họ, hay nói cách khác, bạn có năng lực thực thi có tốt và nhanh như họ hay không, là một vấn đề”, ông Nguyên nói.

Sao chép mô hình kinh doanh: chuyện bình thường!

Rất gần với ý tưởng là câu chuyện mô hình kinh doanh. Vậy cần làm gì khi đưa một mô hình kinh doanh ở nước ngoài về Việt Nam để nó sống tốt?

Trước khi trả lời câu hỏi này, bà Phương Anh, nguyên là Giám đốc điều hành Zalora Việt Nam, kể rằng trước đây, khi Zalora mới vào Việt Nam, người ta nói sẽ chẳng ai mua hàng thời trang online đâu; hoặc như khi Uber vào, nhiều người nói, taxi đầy đường, ai gọi taxi qua ứng dụng điện thoại làm gì ... thế nhưng hiện nay tình hình thế nào thì hẳn mọi người đều thấy.

"Do vậy, theo tôi, mô hình nào cũng có áp dụng được cho Việt Nam nếu người lãnh đạo hiểu sâu sắc về thị trường và biết cách truyền thông cho sản phẩm của mình," bà Phương Anh nhận xét.

Tiếp nối ý trên, ông Trần Tuấn Anh, người sáng lập Ticket Box - mô hình đặt vé các sự kiện thể thao và văn hóa giải trí trực tuyến - bổ sung, để một mô hình nước ngoài về Việt Nam sống tốt, cần phải có những điều chỉnh cho phù hợp với thị trường nội địa.

Để dễ hiểu, ông Tuấn Anh lấy một ví dụ về hình thức của chiếc vé để phân tích. Cụ thể, ở nước ngoài, cái vé chỉ là phương tiện để vào cổng. Khách hàng chi tiền mua vé là để thưởng thức nội dung của chương trình. Hình thức vé không quan trọng, đôi khi chỉ là một tờ giấy nhỏ đơn giản. Nhưng ở Việt Nam, điều này khác hoàn toàn. Khách chi một triệu thì cái vé bạn làm phải sang trọng và khác biệt so với vé 50.000 đồng, nếu không sẽ bị cho là coi thường khán giả.

Thật ra, chuyện làm theo những mô hình kinh doanh của nước ngoài tại Việt Nam không mới. Năm năm trước, ta có công ty khởi nghiệp Tiki, bắt đầu với mô hình bán sách qua mạng, một hình thức tương tự như Amazon; hoặc từ năm 2012 Foody ra đời, với ý tưởng tương tự như Yelp bên Mỹ; gần đây là The Coffee House lấy ý tưởng “ngôi nhà thứ 3” từ Starbucks...

Trong khởi nghiệp, chuyện sao chép một mô hình kinh doanh là điều hết sức bình thường. Quan trọng hơn, ai hiểu khách hàng tốt nhất, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng và giành được tình cảm từ họ, người đó chiến thắng. Hay nói cách khác như bà Phương Anh: “Đừng tập trung vào người khác nói gì. Đừng tập trung vào góc nhìn của nhà đầu tư. Hãy tập trung xem khách hàng của bạn muốn gì.”

 
Bình luận của bạn