Để luôn là chính mình nơi công sở
“Hãy là chính mình” có lẽ là lời khuyên thường thấy nhất trong vấn đề sự nghiệp. Câu nói này được sử dụng bởi các lãnh đạo doanh nghiệp hay trong những bài phát biểu ngày tốt nghiệp. Nó phổ biến đến nỗi trở thành một công cụ tuyển dụng cho một số công ty.
Một trong những người đang cố gắng làm theo lời khuyên này là Michael Friedrich, phó chủ tịch của ScribbleLive tại Berlin, một công ty phần mềm của Canada. Đối với Friedrich, việc là chính mình có nghĩa là mặc quần sooc đi làm và tâm sự với khách hàng rằng ông đang ngủ nhờ ở nhà một người bạn trong lúc đi tìm nhà.
Cho đến nay, sự tự nhiên này đem lại cho ông nhiều lợi ích, Friedrich nói. Nhờ biết nhiều ngoại ngữ và có kỹ năng đa văn hoá tích luỹ được từ việc đi lại nhiều nơi thay vì vào đại học, ông đã có được công việc lương cao. Và bất chấp tác phong khác người tại ScribbleLive, Friedrich đã được đề bạt lên vị trí cao cấp.
"Tôi không lo ngại về vấn đề hình ảnh theo những cách hiểu truyền thống. Tôi là tôi," người đàn ông 44 tuổi nói. "Tôi thừa nhận bản thân mình và tôi cảm thấy vui vì điều đó."
Thế nhưng liệu 'hãy luôn là chính mình' có phải là lời khuyên tốt cho tất cả mọi người? Bạn nên tự nhiên đến mức nào trước các đồng nghiệp? Và phải chăng khả năng chấp nhận phong cách này ở mỗi người không giống nhau?
Những giới hạn mờ nhạt
'Hãy là chính mình' có thể gây tác dụng tiêu cực trong một số tình huống nhất định, Giáo sư Herminia Ibarra, chuyên gia từ London Business School và Insead ở Pháp, nói.
Nghiên cứu của bà chỉ ra rằng những người được thăng chức có khả năng mất vị trí mới nếu họ cứng nhắc với khái niệm 'sống thật'. Thay vì điều chỉnh cử chỉ của mình để phù hợp với vị trí mới, họ lại giữ nguyên thái độ cũ. Đôi lúc họ sẽ bị cho là quá cởi mở và thân thiện, chia sẻ quá nhiều suy nghĩ và cảm xúc cho người ngoài và bị cho là không đáng tin cậy, bà giải thích.
"Một định nghĩa rất đơn giản về sống thật, đó là hãy là chính mình," Ibarra nói. "Thế nhưng 'chính mình' có thể là mình của hôm nay, của quá khứ hoặc tương lai.”
Giáo sư Herminia Ibarra nói việc cư xử lúc nào cũng như lúc nào không phải là điều hay
Tự kiểm soát
Người ta có thể sử dụng khái niệm 'sống thật' để nguỵ biện cho việc an phận, Ibarra nói. Khi đối mặt với thay đổi, đôi khi họ nghĩ rằng 'đó không phải là tôi', và họ dùng khái niệm 'sống thật với chính mình' để từ chối đối mặt với thách thức, từ chối phát triển.
Việc điều chỉnh bản thân để phù hợp với tình hình mới có dễ hay không còn tuỳ thuộc vào khả năng đổi màu như tắc kè hoa của mỗi người, theo Mark Snyder, nhà tâm lý xã hội học tại Đại học Minnesota. Ông đã tạo ra một bài sát hạch cá tính để đo điều này, với tên gọi Thước đo Khả năng Tự kiểm soát Bản thân.
Những người có đặc tính giống tắc kè hoa là những người xem cuộc sống như là cơ hội để nhập các vai khác nhau, họ là những người chọn từ ngữ cẩn thận và biết cách tạo ấn tượng đúng, Snyder nói. Trái lại, những người chỉ biết sống đúng với bản thân thì lại bộc lộ cá tính đích thực của mình trong tất cả các tình huống giao tiếp xã hội, ông nói.
Vấn đề của việc 'luôn là chính mình' trong công việc, đó là bạn sẽ luôn thua những người có đặc tính giống tắc kè hoa, Snyder nói. Bởi vì có rất nhiều công việc, nhất là những vị trí cấp cao trong một tập đoàn, sẽ yêu cầu những chuẩn mực nhất định về tác phong, về khả năng trình bày, và sẽ phù hợp hơn với những người biết cách điều chỉnh chính mình để phù hợp với tình hình.
Một nghiên cứu khác thì chỉ ra rằng một khi đã ở trên đỉnh cao của nấc thang sự nghiệp, bạn mới có quyền được là chính mình.
"Những nhân sự cao cấp đã thử nghiệm nhiều phiên bản của chính mình và chọn phiên bản phù hợp nhất", Ibarra nói. "Họ thường khuyên các sinh viên hay các nhân sự cấp thấp rằng 'hãy luôn là chính mình', mà lại quên rằng đó là một quy trình 30 năm trời."
Bên cạnh đó, việc khuyên ai đó 'hãy là chính mình' cũng dễ làm người đó tưởng rằng đó là tất cả những gì họ cần, Jeremiah Stone, chuyên gia tuyển dụng tại Hudson RPO, New York, nói.
"Điều này không có nghĩa là bạn đi đến một buổi phỏng vấn, hoặc đến công sở và cư xử giống hệt như cách bạn cư xử với bạn bè thân thiết. Điều này có nghĩa là bạn tỏ ra trung thực với mọi người, giúp họ hiểu rõ về bạn, những gì quan trọng với bạn, những giá trị mà bạn theo đuổi," oong nói. "Đó không phải là lời khuyên tồi. Đó chỉ không hẳn là lời khuyên có ích."
Ngay cả Friedrich cũng không nghĩ rằng 'hãy là chính mình' là điều khôn ngoan, nhất là đối với những người trẻ.
"Làm sao bạn có thể là chính mình khi bạn cũng chưa biết mình là ai?" Ông nói. "Hãy tự tìm hiểu về bản thân trước và nghiệm ra điều gì làm bạn hạnh phúc."