Giúp bạn tạo ấn tượng tốt ban đầu
Tạo nên một ấn tượng tốt lúc ban đầu rất quan trọng đối với việc xây dựng một mối quan hệ đối với mọi người. Trong việc làm ăn, một ấn tượng tích cực lúc đầu sẽ mang tính quyết định với những lợi nhuận thu được sau này, uy tín và mối quan hệ đối tác lâu bền. Đồng thời cũng giúp xây dựng mối quan hệ làm ăn và khiến nó phát triển thịnh vượng.
Trong kinh doanh, nhiều người chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc gây ấn tượng đầu tiên. Dù bạn làm ăn lớn hay nhỏ thì cũng không phải là lý do để bạn quên đi việc tạo ấn tượng đầu tiên với một người nào đó.
Bạn không nên viện cớ rằng khi một người nào đó không muốn làm ăn với bạn là do đối lập hoặc không thích bạn. Bởi vì, đó là do bạn thể hiện mình như một người không đúng mực và khiến công ty của bạn như một đám vô tổ chức.
Thể hiện ấn tượng tốt khi gặp gỡ, qua điện thoại, cách fax, email hoặc các cuộc hội họp qua mạng…rất quan trọng đế tạo nên một cái nhìn tích cực, đặc biệt là lần đầu gặp mặt.
Chúng ta thường gặp những người mà ngay lập tức cảm thấy thích và muốn tìm hiểu kỹ hơn và làm ăn cùng. Bởi vì hầu hết những người này đã tuân theo một số nguyên tắc cơ bản khiến ấn tượng đầu tiên của họ trở nên sâu sắc hơn. Áp dụng 6 lời khuyên sau, bạn có thể tạo ấn tượng đầu tiên mạnh mẽ với bất cứ ai và bất cứ khi nào.
Ăn mặc chỉnh chu
Điều này đã quá quen thuộc và cũng vô cùng chính xác. Mặc dù môi trường kinh doanh ngày nay phát triển và có nhiều đổi thay hơn so với trước đây, nhưng nguyên tắc này cũng vẫn phù hợp.
Chìa khóa ở đây là hãy ăn mặc một cách chỉnh chu và phù hợp. Không cần thiết phải mặc những bộ cánh thời trang, mới nhất nhưng hãy chắc rằng quần áo của bạn phải sạch sẽ và vừa vặn. Mục đích cuối cùng đó là bạn muốn xóa đi những ấn tượng tiêu cực xuất hiện trước cả khi bạn bắt đầu nói. Nếu bạn ăn mặc một cách lượm thượm, mọi người sẽ cho rằng có thể bạn cũng tùy tiện trong việc làm ăn.
Nói một cách rõ ràng
Hãy chắc rằng bạn đã trao đổi một cách rõ ràng với những người mà bạn gặp gỡ. Một điều gây khó chịu không kém đó là khi lắng nghe người khác mà không thể hiểu họ đang nói gì vì cách diễn đạt của bạn không rõ ràng.
Tập trung vào việc trò chuyện với một nhịp độ vừa phải và một giọng nói diễn cảm. Đừng quá sợ hãi, căng thẳng với việc giao tiếp. Thêm vào đó, bạn nên sử dụng văn phạm đúng đắn khi nói và tránh những từ lóng nếu bạn muốn tạo ấn tượng tốt lúc đầu. Nhớ rằng, nếu người đối diện không hiểu bạn đang nói gì thì họ sẽ không quan tâm đến bạn và công ty của bạn. Hơn nữa, hãy luôn tỏ ra lịch sự và nhã nhặn.
Nhắc đến tên của họ thường xuyên
Dành một chút thời gian để nghĩ về một số người mà bạn mới gặp. Nếu bạn gặp một ai đó thường nhắc đến tên của bạn khi trò chuyện, bạn sẽ đông ý rằng nó khiến cuộc trò chuyện trở nên thân mật hơn.
Thêm vào đó, việc này cho người kia thấy bạn quan tâm đến họ ngay từ đầu và bạn đủ xem trọng để luôn nhớ đến tên của họ. Một lợi ích khác nữa đó là nhắc tên họ trực tiếp sẽ giúp bạn ghi nhớ nó và gây ấn tượng với họ thâm chí hơn nữa khi bạn gặp lại họ lần thứ hai.
Tránh cười đùa
Sự vui tính thường là một điều tốt nếu nó được sử dụng một cách khôn khéo. Một chút thư giãn trí tuệ hoặc câu chuyện cười đơn giản có thể tạo nên điều kỳ diệu để cải thiện tình hình và tạo thuận lợi cho cuộc gặp gỡ. Nếu bạn không cẩn thận và có một câu nói đùa vô ý, tác dụng sẽ hoàn toàn trái ngược. Và như thế xem như bạn đã đặt một dấu chấm hết cho buổi gặp gỡ với đối thủ vì tạo một ấn tượng xấu bởi do sự hóm hỉnh vô ý của bạn.
Lời khuyên cho bạn là hãy tránh cười đùa vào buổi gặp gỡ đầu tiên. Nếu bạn thật sự muốn tạo nên một sự dí dỏm thì hãy dùng những câu ngắn gọn và vừa phải để không làm ai phải khó chịu. Chắc chắn bạn không muốn tạo ấn tượng như một “kẻ chướng tai gai mắt”.
Một người biết lắng nghe
Là một người biết lắng nghe không quá khó khăn và phức tạp như nhiều người vẫn nghĩ. Khi bạn thảo luận với một ai đó, hãy cư xử một cách tế nhị để họ biết rằng bạn chú tâm đến những gì họ nói.
Thỉnh thoảng, bạn cũng đừng quên gật đầu và tán thành với người nói bằng những câu như “Tôi biết điều này” hoặc “Tôi hiểu”, hay bất kỳ những lời nói khác thể hiện rằng bạn đang thật sự lắng nghe một cách chăm chú. Bạn cũng hãy thoải mái khi đặt câu hỏi (hoàn toàn một có gì gây hại nếu chỉ một vài câu) nếu bạn không chắc chắn về những điều mà người đối diện đang nói.
Cuối cùng, đừng bao giờ chen ngang khi một người khác đang nói chuyện. Ngắt lời một ai đó khi họ đang nói là một khiếm nhã lớn và sẽ tạo ra một ấn tượng xấu về kỹ năng giao tiếp của bạn. Lúc nào cũng hãy nhớ là phải có một sự xã giao thích đáng.
Đừng quá “chơi nổi”
Có lẽ một lời khuyên quan trọng nhất cần tuân theo khi tạo ấn tượng đầu tiên đó là hãy tránh “chơi nổi”. Lỗi tệ nhất bạn thường mắc phải đó là không ngừng nói về bản thân mình. Bạn sẽ trở thành một người ích kỷ, luôn chỉ quan tâm đến bản thân mình hơn là một người có thể sẵn sàng giúp đỡ người khác trong tương lai trong việc làm ăn.
Hãy hỏi những người khác về bản thân họ và để họ trở thành tiêu điểm của cuộc nói chuyện. Bạn sẽ gây ấn tượng không chỉ là người tốt bụng, lịch thiệp mà còn hiểu biết nhiều hơn về người mà bạn đang làm việc cùng. Hãy quan tâm đặc biệt đến cuộc nói chuyện, những chi tiết nhỏ này có thể sẽ giúp ích bạn trong tương lai.