Khởi nghiệp thời hội nhập (Kỳ 1)
Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra ngày càng sâu rộng làm bùng nổ các mô hình kinh doanh mới ở các nước, trong đó có khởi nghiệp sáng tạo. Ðiều đó đòi hỏi nhiều giải pháp trọng tâm, đồng bộ về công tác xây dựng pháp luật, hỗ trợ pháp lý, giúp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo động lực thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp ở nước ta phát triển mạnh mẽ.
Bài 1: Ðón bắt cơ hội từ "sân nhà"
Những năm gần đây, tại TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung, hoạt động của các doanh nghiệp khởi nghiệp (DNKN) nổi lên với những mô hình và sản phẩm tạo ra giá trị cao, vừa đóng góp vào phát triển kinh tế đất nước, vừa khẳng định vai trò, vị thế của DNKN trong cộng đồng doanh nghiệp. Cùng với việc củng cố khẳng định thương hiệu ở thị trường trong nước, DNKN đã và đang chủ động nắm bắt cơ hội vươn ra thị trường nước ngoài.
Mở lối riêng bằng giải pháp công nghệ mới
Xuất hiện rộng rãi trên thị trường vào đầu năm 2016, Giải pháp "Tưới tiêu và quản lý dưỡng chất" của Công ty TNHH Mimosa Technology (gọi tắt là Mimosa Tek) ứng dụng công nghệ cao nhanh chóng được các nhà nông và chủ trang trại trên khắp cả nước đón nhận. Cầm những thiết bị cảm biến "Made in Việt Nam" vừa được lắp ráp xong, ông Nguyễn Khắc Minh Trí, Giám đốc điều hành Công ty Mimosa Tek giải thích: Ðể số hóa quy trình tưới tiêu và trồng trọt, các thiết bị cảm biến (giám sát độ ẩm đất, cảm biến vi khí hậu, thiết bị trạm khí tượng…) sẽ đo đếm các thông số trên cánh đồng. Tất cả những thông số này sau đó được gửi về hệ thống trung tâm xử lý rồi tích hợp vào mạng in-tơ-nét giúp người trồng trọt có thể điều khiển hệ thống tưới tiêu, cách bón phân từ xa thông qua một chiếc điện thoại thông minh được lập trình sẵn.
Không chỉ giúp người nông dân giải phóng sức lao động, mục đích mà giải pháp "Tưới tiêu và quản lý dưỡng chất" của Mimosa Tek hướng tới là giúp người trồng trọt quản lý tài nguyên một cách tiết kiệm, đạt năng suất cao nhất. Một cuộc khảo sát từ rất nhiều khách hàng của Mimosa Tek cho thấy: Khi sử dụng công nghệ của công ty này, lượng nước và điện năng giảm từ 30% đến 50% so với tưới tiêu thủ công, công lao động giảm 80% và sản lượng cây trồng tăng từ 20% đến 30%. Với kinh phí từ 10 đến 200 triệu đồng (tùy theo quy mô trồng trọt), những chủ nhà vườn đến các công ty trồng trọt, kinh doanh nông sản có thể tiếp cận quy trình tưới tiêu và chăm sóc cây trồng ứng dụng mô hình nông nghiệp công nghệ cao…
Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (Sihub), thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh đánh giá: Ðây là một trong những DNKN tiên phong tại Việt Nam đưa các giải pháp nông nghiệp chính xác lên từng cánh đồng, từng mảnh ruộng với mong muốn chuyển đổi cách làm nông truyền thống. Qua đó giúp người nông dân phát triển sản xuất bền vững thông qua việc tối ưu năng suất trong khi giảm thiểu chi phí và rủi ro. Với những ưu việt của giải pháp ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, hiện nay số lượng khách hàng của Mimosa Tek lên đến con số 100, trong đó có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn như VinEco, Công ty Hải Vi, Trang trại Nông Phát. Ước tính tổng doanh thu năm 2017 của Mimosa Tek tăng 100% so với năm 2016.
Ở lĩnh vực khác, Công ty cổ phần Ekid Studio sản xuất bộ đồ chơi thông minh dựa trên ý tưởng và lập trình của nhóm startup (khởi nghiệp) Nguyễn Thuần Phác và cộng sự. Sản phẩm từng đạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Trong giờ học tại một trường quốc tế ở TP Hồ Chí Minh, bộ đồ chơi Ekid gồm thẻ hình, thẻ ráp hình, tập vẽ tranh…, giáo viên cùng các em nhỏ say mê khám phá những hình ảnh 3D sống động. Một giáo viên cầm máy tính bảng áp vào từng tấm thẻ của bộ thẻ ráp hình, những con thú nhìn như thật hiện lên màn hình máy tính cùng âm thanh phát ra tên con vật bằng tiếng Việt và tiếng Anh.
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ekid Studio Nguyễn Thuần Phác chia sẻ: Ekid không chỉ là đồ chơi thông minh mà còn là giáo cụ trực tuyến, giải tỏa nỗi lo lắng của các phụ huynh trước vấn đề làm sao trẻ có thể vừa chơi vừa học trong thế giới công nghệ. Giá trị trò chơi này là lồng ghép các phương pháp giáo dục sớm (như Montessori, Glenn Doman...) vào sản phẩm. Từ vài sản phẩm đầu tiên, hiện nay bộ đồ chơi Ekid có hàng chục loại, nhiều nội dung phong phú, được trẻ em, phụ huynh và nhiều trường mầm non ở TP Hồ Chí Minh và nhiều nơi khác đón nhận. Sản phẩm còn được xuất khẩu sang Ô-xtrây-li-a, Bỉ, Hàn Quốc...
Kết nối, vươn thị trường xa
Tại TP Hồ Chí Minh, thời gian qua, các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, các vườn ươm sáng tạo và khởi nghiệp chính là những đơn vị vận dụng các chính sách quản lý, hỗ trợ đắc lực cho các DNKN trong nghiên cứu, sáng tạo, tìm kiếm nguồn vốn... Vấn đề quan trọng nhất làm sao để đưa các sản phẩm của DNKN như Mimosa Tek, Ekid Studio bảo đảm các tiêu chuẩn về chất lượng, kỹ thuật, mẫu mã, để vươn ra và có chỗ đứng tại thị trường khu vực và quốc tế.
Là một trong những đơn vị tiên phong về hỗ trợ khởi nghiệp của TP Hồ Chí Minh, Sihub đã và đang thực hiện nhiều chương trình kết nối giữa hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam và thế giới, trong đó hỗ trợ DNKN thâm nhập thị trường bên ngoài. Giám đốc Sihub Huỳnh Kim Tước, đánh giá: Môi trường hỗ trợ khởi nghiệp ở Việt Nam đi sau các nước, cho nên DNKN gặp nhiều bất lợi khi tiếp cận thị trường, các nhà đầu tư, thu hút đội ngũ cố vấn giỏi; thiếu môi trường trải nghiệm, phát triển xa hơn ý tưởng của mình…
Việc đẩy mạnh hỗ trợ DNKN Việt Nam vươn ra nước ngoài về lâu dài chắc chắn tạo cơ hội cho cộng đồng khởi nghiệp trong nước và các nước kết nối, mở rộng hợp tác, chuyển giao tri thức, công nghệ, đồng thời thu hút nguồn lực của các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam. Thực tế cho thấy, thời gian qua Sihub giữ vai trò cầu nối quan trọng để đưa các nhà DNKN tiếp cận thị trường nước ngoài. Hiện Sihub đã ký chương trình trao đổi lĩnh vực startup với các đối tác Hàn Quốc, Ðức, Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a. Ðơn vị này đặt ra mục tiêu mỗi năm đưa 20 DNKN của Việt Nam ra nước ngoài học tập kinh nghiệm khởi nghiệp và 30 doanh nghiệp nước ngoài tới TP Hồ Chí Minh.
Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, đang quản lý một trong năm vườn ươm lớn của thành phố, hỗ trợ tích cực các DNKN. Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh Lê Hoài Quốc chia sẻ: Trong số DNKN được vườn ươm Khu công nghệ cao ươm tạo, đã có một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin phát triển ra nước ngoài, trưng bày sản phẩm tại nhiều hội chợ quốc tế, thậm chí kêu gọi nguồn vốn đầu tư ở Thung lũng si-li-côn (Mỹ). Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, chi phí đầu tư của DNKN còn hạn chế và cơ sở đầu tư ban đầu của vườm ươm cũng khiêm tốn cho nên số doanh nghiệp vươn ra nước ngoài còn quá ít.
Theo ông Lê Hoài Quốc, hiện nay chính sách hỗ trợ DNKN của Nhà nước đã có nhưng chưa đủ, cái thiếu ở đây chính là thiếu một thiết chế rất quan trọng để kết nối nhà khoa học và DNKN theo hình thức "win-win" (cả hai cùng thắng). Cụ thể hơn, thiết chế này tạo điều kiện hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm đạt hiệu quả cao nhất. Trong quá trình đó, Nhà nước cần đầu tư xây dựng những trung tâm nghiên cứu lớn như mô hình Hàn Quốc đang làm (Viện công nghệ Công nghiệp Hàn Quốc - Kitech) để giúp các nhà khoa học nghiên cứu, phát triển, tạo ra công nghệ mới, sau đó hướng dẫn chuyển giao cho DNKN, qua đây doanh nghiệp chỉ phải trả phí rất thấp.
Tuy nhiên, khi chúng ta nhìn nhận thấu đáo môi trường đầu tư kinh doanh tác động trực tiếp DNKN không chỉ ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Ðà Nẵng và nhiều nơi khác, nhiều vấn đề tồn tại về cơ chế, chính sách, quy định của luật pháp có nguy cơ tạo ra nhiều rào cản trong hoạt động kinh doanh.