Khởi nghiệp trong nông nghiệp: Vượt qua tâm lý sợ rủi ro
Khởi nghiệp ở Việt Nam đã và đang lan rộng vào tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó, nông nghiệp là lĩnh vực nhiều tiềm năng. Xu hướng tiêu dùng các sản phẩm nông nghiệp sạch và an toàn mở ra cho các nhà đầu tư khởi nghiệp một thị trường lớn và hứa hẹn nhiều triển vọng.
Mặc dù, hiện nay sản xuất nông nghiệp chỉ còn chiếm hơn 15,34% GDP (2017), nhưng với dân số sống tại khu vực nông thôn chiếm gần 66%, nông nghiệp - nông thôn vẫn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo an ninh lương thực, giữ vững an ninh quốc phòng và ổn định chính trị đất nước. Do vậy, phát triển nông nghiệp vẫn sẽ là định hướng quan trọng trong thời gian tới.
Ngày nay, thời đại công nghiệp 4.0, các công nghệ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp ngày càng hiện đại, sẵn có và hiệu quả. Bản thân người nông dân cũng đã thay đổi nhận thức trong sản xuất nông nghiệp, không chạy theo số lượng sản phẩm, ý thức trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm ngày càng được thể hiện bằng những hành động cụ thể và thiết thực. Giá trị trong sản xuất nông nghiệp đang được nâng cao. Các yếu tố đó cho thấy, nông nghiệp đang là “mảnh đất hứa” cho khởi nghiệp. Thực tế đã có những dự án khởi nghiệp thành công trong nông nghiệp, tuy nhiên số lượng chưa nhiều.
Theo đánh giá của các chuyên gia, khởi nghiệp trong nông nghiệp chưa thực sự đi vào cuộc sống bởi còn nhiều hạn chế và thách thức.
Việc quy hoạch không sát với thực tiễn hay nông dân còn sản xuất theo kiểu “phong trào” không theo quy hoạch, chính quyền và các cơ quan chức năng không kiểm soát được nên thường xuyên xảy ra tình trạng “được mùa - mất giá, mất mùa - được giá”. Tình trạng trồng ồ ạt rồi lại thi nhau chặt bỏ vẫn thường xuyên xảy ra. Chẳng hạn, như tỉnh Lâm Đồng, từ năm 2015 đến năm 2017 người dân đã chặt bỏ 2.000 ha chè để thay cây trồng khác. Hiện cả nước có trên 78 triệu mảnh ruộng dẫn đến việc sản xuất manh mún, phân tán, nhỏ lẻ gây khó khăn cho việc đầu tư công nghệ sản xuất và thu hoạch sản phẩm. Việc kết nối khâu sản xuất với tiêu thụ cũng còn nhiều bất cập.
Người nông dân Việt Nam mặc dù có bản chất cần cù, chịu khó, có đam mê sáng tạo, nhưng cũng có phần bảo thủ và an phận, ít chấp nhận thua thiệt để thay đổi. Hơn nữa, nông dân còn rất ít kiến thức về khởi nghiệp, chưa có tinh thần khởi nghiệp, thiếu tố chất doanh nhân.
Hơn nữa, bà con nông dân còn khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn đầu tư. Mặc dù, nhà nước đã có khá nhiều chính sách ưu đãi tín dụng cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là chính sách tín dụng cho việc phát triển cánh đồng lớn (Quyết định số 62/2013/QĐ- TTg ban hành ngày 25/10/2013) nhưng việc tiếp cận nguồn vốn còn hạn chế.