Không chỉ kiến thức, hãy giúp con bạn học đạo làm người
Trước đây, ông cha ta từng có câu "Tiên học lễ, hậu học văn", lễ phép, ứng xử luôn là thứ quan trọng hàng đầu trong việc giáo dục trẻ nhỏ sau đó mới tới kiến thức sách vở, trường lớp. Những người thuộc thế hệ trước từng được dạy cách ứng xử sao cho đúng chuẩn mực, biết cách chào hỏi, biết cảm ơn, xin lỗi trước khi biết nói ngoại ngữ vanh vách hay làm toán như thiên tài.
Trẻ em hiện đại được sinh ra với rất nhiều đặc tính mới, chúng nhạy hơn với các sản phẩm công nghệ, nắm bắt thông tin hiện đại nhanh hơn và bỏ xa chúng ta về khả năng nắm bắt thông tin. Thế nhưng, có một thứ mà nhiều trẻ thiếu đó chính là phép lịch sự, một thứ mà không trường lớp nào giảng dạy.
Kể từ khi mới 18 tháng tuổi, trẻ đã bắt đầu hiểu được rằng người khác cũng có cảm xúc giống với mình, đây là thời điểm phù hợp để dạy trẻ về sự lễ phép ảnh hưởng ra sao tới người khác. Tất nhiên, lúc nào nói cũng dễ hơn thực hiện, rất ít trẻ chịu chấp nhận điều này vì chúng vẫn quen được chiều chuộng từ cha mẹ. Dưới đây là một số điều phụ huynh cần nhớ.
Cư xử đẹp là thói quen tốt
Cư xử lễ phép là một cách sống chuẩn mực, nó phải tới từ mọi khía cạnh trong cuộc sống chứ không phải là cách trẻ ngoan ngoãn khi cha mẹ cần. Rất quan trọng để xây dựng thói quen cư xử sớm cho trẻ để chúng trở thành thói quen và chuẩn mực khi trẻ lớn lên.
Lễ phép sẽ giúp trẻ hoà nhập cộng đồng tốt hơn
Trong thời kì hiện tại, việc trẻ em không có bạn, sống cô độc là điều rất thường gặp, cư xử không lễ phép hoặc hành động không đúng là một trong những lý do của vấn đề này. Trẻ em không được dạy những tác phong giao tiếp từ sớm sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi chúng lớn lên.
Không lễ phép sẽ khiến trẻ khó thuyết phục được bạn bè hay những phụ huynh khác, chẳng ai muốn con mình chơi với một đứa trẻ không có chuẩn mực, không biết cư xử sao cho lễ phép. Vì sao ư? Vì họ không muốn con mình cũng thế. Đưa con vào các hoạt động xã hội, giao tiếp mà không dạy con cách ứng xử chính là hại con.
Học ứng xử là một quá trình cả đời
Đừng mong rằng sẽ dạy con mình được cách lễ phép, ứng xử chuẩn mực chỉ trong một tối hay vài ngày. Ứng xử là một quá trình rèn luyện, học tập, nhiều hoàn cảnh khác nhau dẫn tới nhiều cách thức cư xử khác nhau, đừng vội vàng trách con vì không học kịp, quá trình này kéo dài hơn rất nhiều so với những gì chúng ta biết.
Các chuyên gia giáo dục cho rằng chỉ nên dạy cách ứng xử mới trong vòng 1 tháng. Ví dụ như dạy con 2 tuổi của mình nói chào người khác thì hãy cứ để bé tập chào trong 1 tháng rồi mới tới học cám ơn hay xin lỗi. Trong quá trình trẻ thực hiện, hãy có những phần thưởng khi con làm đúng nhưng đừng quá khắt khe nếu con làm sai, hãy nhớ nó là một quá trình.
Phụ huynh cần làm gương cho con cái
Hãy tạo nên sự công bằng với con, hãy tự biến mình thành một đứa trẻ, một phụ huynh mẫu mực sẽ khiến con học theo nhanh hơn bất kì thứ gì. Bạn hãy bắt đầu chào, cư xử chuẩn mực với người khác để trẻ có thể bắt đầu làm điều đó.
Tránh tức tối hay có những cư xử không đúng với người khác trước mặt trẻ em, giống với người lớn, chúng dễ học theo những thứ tiêu cực nhanh hơn là tích cực. Khả năng kiểm soát cảm xúc của trẻ khi còn nhỏ gần như bằng 0 nên đừng để con bắt được những thói xấu mà người lớn vẫn làm mỗi ngày.
Cố gắng duy trì đều đặn quá trình dạy
Nếu con đang học cám ơn người khác, hãy làm thật nhiều điều tốt cho con để chúng được thực hiện ứng xử "cám ơn" mỗi ngày. Luyện tập thường xuyên không những giúp ứng xử trở thành thói quen cho trẻ mà nó còn giúp trẻ sớm nhận ra lợi ích của ứng xử, ghi nhớ lâu hơn những gì cha mẹ dạy
Dạy con những gì khi mới bắt đầu?
Có lẽ đây là câu hỏi thường gặp đối với những vị phụ huynh mới có con hoặc có con đang còn nhỏ, đừng dạy con những thứ quá cao siêu như cách bắt tay với người lớn để được nể phục hay các phong cách ứng xử áp dụng ở người lớn. Dưới đây là 4 hành động ứng xử cơ bản nhất nên dạy cho trẻ.
Biết nói cám ơn
Hãy bắt đầu khi con bước sang tháng thứ 18, khi chúng bắt đầu nói được nhưng không hiểu nghĩa những gì mình nói. Trước hết hãy dạy con nói cám ơn thật nhiều và tới khi chúng được 2,5 tuổi, chúng sẽ bắt đầu hiểu được nghĩa của từ "cám ơn". Trong quá trình này hãy hỏi trẻ một số câu hỏi như "nếu ai cho con kẹo, con sẽ phải nói gì?"...
Biết xin lỗi
Vào tháng thứ 18, trẻ cũng bắt đầu hiểu cảm xúc tội lỗi về những hành động mình hay người khác làm, thế nhưng trẻ sẽ không hiểu tại sao mình phải xin lỗi. Giống với cám ơn, hãy dạy trẻ về từ "xin lỗi" và tới 2,5 tuổi trẻ sẽ hiểu từ này có ý nghĩa gì. Khó hơn cám ơn, xin lỗi là một hành động phức tạp để xác định, hãy theo dõi trẻ và khi nào chúng làm điều đó có lỗi, hãy yêu cầu chúng xin lỗi.
Việc theo dõi này sẽ hình thành nên một danh sách những việc làm tội lỗi bên trong trẻ, sau đó khi lượng dữ liệu này nhiều hơn, chúng sẽ biết tránh không làm những việc gì hay xin lỗi nếu đã làm việc đó.
Học cách chia sẻ
Trẻ em vốn ích kỉ, tính cách này được xây dựng do sự chiều chuộng của bố mẹ hay người thân. Tới lúc 2 tuổi, tính cách này sẽ giảm bớt và đây là thời điểm thích hợp để dạy trẻ cách chia sẻ với người khác. Hãy tăng cường các hoạt động giao tiếp của trẻ với bạn bè sau đó yêu cầu chúng trao đổi đồ chơi cho nhau và khen thưởng khi chúng làm theo. Điều này tất nhiên rất khó thực hiện nhưng thời gian sẽ thay đổi tất cả và giúp trẻ học được cách sẻ chia.
Ứng xử khi ăn uống
Vào năm 3 tuổi, khi trẻ bắt đầu tự ăn được, đừng bón hay nhá đồ ăn cho trẻ nữa, hãy để chúng tự tập cách ăn. Thay đĩa nhựa, để thức ăn lên bàn sau đó đưa thìa cho trẻ tập xúc, nếu trẻ ném thức ăn, hãy nói với chúng đó là hành động không tốt và khuyến khích trẻ hoàn thiện hết bữa ăn của mình.
Lưu ý trong giai đoạn này không nên cho trẻ ăn quá nhiều, hãy cho chúng ăn ít hơn một chút so với những gì chúng có thể. Bằng cách đó khi lớn lên chúng sẽ không phí phạm thức ăn.