Nên lưu trữ hay lưu chuyển tri thức?
Lưu trữ hay lưu chuyển tri thức? Cách nào lợi hơn? Quan trọng hơn, xu thế nào sẽ đem lại giá trị trong tương lai? Rõ ràng, không phải mọi kho tri thức đều nhanh chóng mất đi giá trị và không phải mọi dòng chảy tri thức đều đem lại hiệu quả.
Khi bạn có được nguồn thông tin quý giá mà không ai khác biết hoặc tiếp cận được, bạn đang có cơ hội mười mươi để làm giàu. Nhưng liệu bảo toàn vốn kiến thức đó cho riêng mình và tối đa hoá lợi ích từ nền tảng kiến thức đó để tạo ra sản phẩm và dịch vụ càng hiệu quả và trên quy mô càng lớn càng tốt, là cách làm tối ưu?
Có tri thức là có cơ hội
Có nhiều lập luận cho rằng đúng thế. Công thức pha chế độc quyền của nhãn hiệu nước ngọt Coca-cola hay bằng sáng chế dược phẩm chính là những ví dụ không thể chuẩn xác hơn.
Chính sức mạnh, sự giản đơn, và thành công đã được chứng minh là lý do khiến lập luận này ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều nhà quản lý, đến độ ngày nay người ta đa phần dựa vào nó để đưa ra các quyết định kinh doanh. Mọi công ty đều được cơ cấu và vận hành trên cơ sở tích luỹ, bảo toàn và tận dụng nguồn tri thức để tận thu giá trị.
Không chỉ được áp dụng trong lĩnh vực kinh doanh, từ lâu, lập luận này đã trở thành phương châm sống của nhiều người. Trên phương diện cá nhân, chúng ta đều mong dốc toàn lực học tập trong những năm tháng đầu đời để rồi hăm hở tham gia vào lực lượng lao động với hi vọng những kỹ năng và kiến thức đã có sẽ là hành trang theo ta trong suốt quá trình làm việc.
Nhưng tôi buộc phải nói với các bạn rằng phương châm sống này không còn giữ nguyên giá trị nữa. Chúng ta có lý do xác đáng để tin rằng: giờ đây lưu chuyển kiến thức đã soán ngôi lưu trữ kiến thức để trở thành xu thế thời đại. Nói một cách đơn giản, thời đại mới, dòng chảy kiến thức nhân loại nên được lưu chuyển thay vì bị khoá chặt và cất kỹ.
Ngày nay, sự dịch chuyển của cơ sở hạ tầng kỹ thuật số cùng các chính sách xã hội đã phá vỡ tính ổn định và thúc đẩy sự xoay vần, biến chuyển. Thế giới càng phát triển thì nguồn kiến thức càng khấu hao với tốc độ chóng mặt.
Ví dụ đơn giản, chu kỳ của các sản phẩm hiện tại đang rút ngắn dần. Ngay cả những sản phẩm tối tân nhất cũng không tránh khỏi vòng xoáy nghiệt ngã của cơn lốc công nghệ. Trước kia, chúng ta vẫn còn thời gian để tĩnh tại và nhâm nhi kho kiến thức đang có, nhưng bây giờ thì không.
Xu thế mới – lưu chuyển tri thức
Hiện nay, để thành công, chúng ta phải thường xuyên “làm mới” kho kiến thức của mình bằng việc hoà mình trong những dòng chảy tri thức mới. Thế nhưng – luôn là nhưng, chúng ta phải lường trước hai thách thức.
Thứ nhất: Tri thức – đặc biệt là tri thức trừu tượng – không dễ dàng lưu chuyển.
Tri thức trừu tượng thiên về cách thức thức hiện hơn là phổ biến kiến thức thông thường. Dù đọc hết những cuốn sách liên quan, bạn mới chỉ có thể mường tượng một ca mổ não diễn ra thế nào, chứ chưa thể bắt tay thực hiện nó. Đơn giản, sách chỉ cung cấp kiến thức hàn lâm, liệt kê những điều phải làm, còn làm như thế nào thì phải học từ thực tế.
Thứ hai: Nếu không biết cách chia sẻ, chúng ta khó lòng tham gia và hoà mình lâu dài trong dòng chảy tri thức bởi thành viên của các dòng chảy tri thức không chấp nhận những kẻ “há miệng chờ sung”.
Họ chỉ kết bạn và chia sẻ tri thức với những ai cũng sẵn lòng chia sẻ. Đây là vấn đề nan giải với phần lớn các nhà quản lý bởi bấy lâu nay họ chỉ quen bảo toàn vốn tri thức cho riêng mình. Vẫn giữ lối tư duy lỗi thời đó khi nhập cuộc chơi, họ sẽ nhanh chóng bị “ra rìa”. Dòng chảy tri thức chỉ phù hợp và chỉ dành cho những ai biết chia sẻ và học hỏi lẫn nhau.
Mô hình tín nhiệm theo nấc
Nhưng đừng vì thế mà vội vàng mở tung cho mọi người biết tất cả những gì bạn có. Trước khi công bố, hãy thận trọng cân nhắc nên theo dòng chảy nào, đâu là mảng kiến thức bạn chấp nhận chia sẻ. Hãy xem Mô hình tín nhiệm theo nấc tôi nêu ra đây như một gợi ý.
Thoạt đầu, bạn chỉ nên chia sẻ những kiến thức giá trị thấp để thăm dò những người sẵn lòng đáp lại “tấm thịnh tình” của bạn. Qua thời gian, khi tần suất trao đổi thông tin tăng dần, các bên đã thiết lập được nền tảng tin tưởng lẫn nhau và tìm ra đối tác chiến lược, lúc đó, chúng ta mới đề cập đến chuyện chia sẻ tri thức chuyên sâu.
Từ đây, những kiến thức có giá trị bắt đầu được chia sẻ và dòng chảy tri thức mới thực sự đem lại lợi ích cho các bên liên quan. Lúc đó, quá trình thiết kế sản phẩm và thiết lập mô hình kinh doanh mới đựơc hưởng lợi từ nhiều giải pháp chọn lọc và quy củ hơn có được qua quá trình chia sẻ tri thức.
Tham gia vào “hệ thống sáng tạo” và “mạng lưới kinh tế” có uy tín cao, các nhà quản lý cũng sẽ giảm thiểu rủi ro bằng cách tận dụng cơ hội học hỏi và sáng tạo giá trị. Bất chấp những rủi ro luôn song hành cùng quá trình chia sẻ tri thức, chúng ta phải nhìn nhận thực tế là nguy cơ xâm phạm tài sản trí tuệ giảm dần khi tốc độ đào thải kiến thức ngày một lớn. Cùng lúc, lợi ích đến từ nền tri thức đó lại tăng lên không ngừng.
Hoà mình vào dòng chảy tri thức
Sự lưu chuyển nhân lực và doanh nghiệp toàn cầu đã minh chứng rõ ràng hơn về giá trị ngày càng lớn của xu hướng lưu chuyển tri thức. Nhiều người cho rằng thế giới là phẳng bởi mọi cách biệt địa lý đã được san bằng nhờ sự kết nối của công nghệ trên quy mô toàn cầu. Nếu nhận định này đúng đắn thì chúng ta giải thích sao đây với sự gia tăng của các “trung tâm tri thức” như Thung lũng Silicon, Thẩm Quyến, Bangalore và Saint Peterburg?
Các cá nhân và doanh nghiệp tụ về những trung tâm đó đều ấp ủ mong muốn tham gia dòng chảy tri thức trừu tượng. Ngay cả trong một thế giới tưởng chừng phẳng, sự tương tác và trao đổi trực diện trong lòng dòng chảy tri thức vẫn đem lại hiệu quả hơn so với những kết nối xa xăm.
Lưu trữ hay lưu chuyển tri thức? Cách nào lợi hơn? Quan trọng hơn, xu thế nào sẽ đem lại giá trị trong tương lai? Rõ ràng, không phải mọi kho tri thức đều nhanh chóng mất đi giá trị và không phải mọi dòng chảy tri thức đều đem lại hiệu quả. Đâu là mức cân bằng tối ưu giữa hai xu thế này? Làm thế nào để tìm ra xu thế có giá trị hơn cả? Hơn hết, làm sao chúng ta có thế tiếp tục đưa ra lựa chọn trước tình hình thế giới biến chuyển không ngừng?