Nghệ thuật thấu hiểu trong giao tiếp
Hình thức giao tiếp chính chúng ta thường dùng hàng ngày trong công việc cũng như trong cuộc sống là: giao tiếp trực tiếp và giao tiếp gián tiếp. Trong đó giao tiếp trực tiếp hay còn gọi là giao tiếp mặt đối mặt, còn giao tiếp gián tiếp bao gồm giao tiếp qua điện thoại, giao tiếp qua mạng xã hội và giao tiếp qua email. Trong ba hình thức này, bạn thiên về hình thức nào?
Mỗi người, tùy theo tính cách, sở thích, nghề nghiệp của mình mà sẽ có thế mạnh riêng cho từng hình thức giao tiếp. Và việc thấu hiểu được thế mạnh của mình cũng như đối tượng giao tiếp là gì, bạn sẽ chủ động hơn và có những điều chỉnh tốt hơn khi giao tiếp, trao đổi với họ.
Thấu hiểu đối tượng giao tiếp trực tiếp
Người mạnh về hình thức này thường là người hướng ngoại, có sự tự tin nhất định cũng như là người “nói giỏi hơn viết”. Họ sử dụng ngôn ngữ cơ thể tốt, khả năng diễn đạt cũng như truyền tải cảm xúc khá hiệu quả, và nhiều khi có sự hài hước khiến người đối diện cảm thấy khá thu hút.
Những người có xu hướng giao tiếp mặt đối mặt thường có vẻ ngoài thân thiện, dễ tạo ra sự đồng cảm ở nơi người khác trong quá trình giao tiếp. Họ biết điều chỉnh lời ăn tiếng nói của mình sao cho hợp ý người nghe. Tuy nhiên những người này kỹ năng lắng nghe thường không được tốt.
Đối tượng thường giao tiếp qua điện thoại
Giao tiếp qua điện thoại sẽ có hai dạng: nhắn tin và gọi điện. Thường người thích nhắn tin có tính hướng nội nhiều hơn, hay suy nghĩ và cẩn thận. Điều gì với họ cũng cần có thời gian, không thể quyết định nhanh chóng được. Người nhắn tin điện thoại có thể hơi nhút nhát và không ưa mạo hiểm.
Họ khá e dè trong các mối quan hệ và để thật sự thấu hiểu họ là một việc không dễ dàng. Với những người thích giao tiếp bằng các cuộc gọi, tính thiếu kiên nhẫn là điều dễ thấy ở họ. Suy nghĩ của họ cũng kém sâu sắc hơn, đời sống nội tâm kém phong phú hơn.
Tuýp người này thích chia sẻ, giãi bày song không phải là người thích san sẻ tình cảm cho nhiều người.
Giao tiếp qua mạng xã hội
Hình thức giao tiếp này ngày càng phổ biến và được rất nhiều đối tượng ưa chuộng. Viết blog, chia sẻ status trên facebook, vào phòng chat, “tám” trên các forum, diễn đàn… là những hình thức giao tiếp qua mạng xã hội. Bản thân các cá nhân thích hình thức này đều là người thích thể hiện bản thân song lại không năng nổ khi ra xã hội bên ngoài. Họ bất mãn, thất bại, cô đơn trong đời sống thực và muốn tìm một sự đồng cảm trên mạng xã hội ảo rộng lớn. Dĩ nhiên chúng ta sẽ không nói đến những tay viết blog chuyên nghiệp hay xem blog là một nơi thể hiện ý kiến cá nhân về các vấn đề xã hội, kinh tế,…
Hình thức giao tiếp qua mạng xã hội khá đặc biệt so với các hình thức giao tiếp kia vì người tiếp nhận ở đây không xác định cụ thể là ai cả. Chính vì thế, cảm xúc, sự kiện được chia sẻ trở nên thật hơn, táo bạo hơn là ở hình thức giao tiếp khác. Mặt khác, trong hình thức giao tiếp qua mạng xã hội, chúng ta có thể giả danh, không thừa nhận tên thật, giấu giếm trình độ, bằng cấp… vì vậy, các mẫu người sử dụng hình thức giao tiếp này cũng đa dạng hơn.
Giao tiếp qua email
Hình thức giao tiếp này thường dùng trong công việc nhiều hơn, dành cho những người bận rộn, ít gặp mặt nhau. Giao tiếp qua email đòi hỏi bạn phải có khả năng diễn đạt, trình bày để thông điệp truyền đi đạt hiệu quả cao nhất. Nếu như trong tin nhắn, chat, bạn có thể viết từ không dấu, chấm phẩy lộn xộn, dùng tiếng lóng… thì trong email, mọi người rất dị ứng điều này. Nó có tính chất trang trọng hơn là các hình thức kia.
Giao tiếp qua email thể hiện rất nhiều trình về độ học vấn, năng lực ngôn ngữ và tính chuyên nghiệp trong công việc của một người. Đây là một hình thức giao tiếp bạn phải học hỏi, chứ không phải một sớm một chiều mà bạn có thể thành thạo được.
Tuy nhiên, các hình thức giao tiếp chỉ phần nào phản ánh tính cách của một người, để thấu hiểu về họ thật sự, bạn cần xem xem họ đang nói gì và tiếp xúc, gặp gỡ họ nữa. Những câu chữ, lời nói trong các hình thức giao tiếp gián tiếp chỉ là bề nổi của tảng băng trôi, nên bạn cũng đừng phụ thuộc quá.