Rèn luyện trí tuệ cảm xúc bước tiến để thành công hơn
Trí tuệ cảm xúc (Emotional Intelligence) là khả năng “giám sát” và phân biệt cảm xúc của bản thân, của những người xung quanh và sử dụng những thông tin đó để định hướng suy nghĩ và hành động.
Trong lĩnh vực kinh doanh, trí tuệ cảm xúc mang đến ít nhất 3 lợi thế:
- Hiệu quả công việc cao. Nhiều nghiên cứu cho thấy năng lực cảm xúc quan trọng gấp đôi năng lực nhận thức đối với nhân viên khi thực hiện những nhiệm vụ bên ngoài văn phòng làm việc. Điều này đúng với cả các vị trí kỹ sư.
- Những nhà lãnh đạo, nhà quản lý giàu trí tuệ cảm xúc thường vận hành công việc hiệu quả hơn những nhà lãnh đạo, quản lý khác.
- Trí tuệ cảm xúc giúp một cá nhân hạnh phúc. Nhân viên hạnh phúc chính là tài sản vô giá cho công ty vì họ sẽ làm việc nhóm hiệu quả hơn, đem đến dịch vụ tốt hơn cho khách hàng (khi khách hàng hài lòng, họ sẵn sàng chi nhiều tiền hơn), làm việc với năng suất cao hơn và sáng tạo hơn.
Xét dưới góc độ cá nhân, trí tuệ cảm xúc cũng mang đến nhiều lợi thế như:
- Bình tĩnh và sáng suốt. Người giàu trí tuệ cảm xúc sẽ biết cách “xoa dịu” cơ thể và đầu óc, nhìn mọi thứ rõ ràng và khách quan, thậm chí trong những tình huống khó khăn. Nhiều nghiên cứu cho thấy chỉ vài tuần tập thiền chánh niệm có thể làm giảm hoạt động của hạch hạnh nhân (nằm ở tâm của não, là nơi xử lý các yếu tố gây cảm xúc ở con người, trong đó có cảm xúc sợ hãi). Một nghiên cứu khác được thực hiện năm 2014 cũng cho thấy chỉ với 15 phút thiền chánh niệm, chúng ta đã có thể bắt đầu vượt qua được những quan điểm thành kiến trong việc đưa ra quyết định.
- Kiên cường đối mặt với khó khăn. Khi tinh thần vui vẻ, thoải mái, chúng ta sẽ vượt qua các trở ngại dễ dàng hơn.
- Dùng lòng tốt để nhìn nhận bản thân và nhìn nhận người khác. Nhờ đó, các mối quan hệ xung quanh sẽ trở nên tốt đẹp hơn.
Theo Chade-Meng Tan – cựu kỹ sư phần mềm của Google, người tạo ra chương trình Tự khám phá bản thân (Search inside yourself) tại Công ty Google, tác giả sách bán chạy của New York Times, trí tuệ cảm xúc là sự tập hợp các kỹ năng về trí tuệ và cảm xúc. Để rèn luyện trí tuệ cảm xúc, tất cả những gì chúng ta cần làm là rèn luyện tâm trí để nắm bắt được những kỹ năng đó.
Chade-Meng Tan cho rằng quá trình tự khám phá chính mình được thực hiện trong 3 bước:
Bước 1: Rèn luyện khả năng chú ý. Sự chú ý là nền tảng của tất cả khả năng nhận thức và cảm xúc. Rèn luyện khả năng chú ý có thể tạo ra một tâm thế bình tĩnh và sáng suốt. Đây chính là cơ sở của trí tuệ cảm xúc.
Bước 2: Tự nhận thức và tự chủ. Sử dụng sự chú ý đã được “mài sắc” để nâng cao khả năng nhận thức và điều khiển cảm xúc. Nhờ đó, bạn trở nên sáng suốt hơn khi “quan sát” những suy nghĩ và cảm xúc của mình một cách khách quan như từ góc nhìn của một người khác. Khi làm được điều này, bạn sẽ có được sự tự nhận thức sâu sắc và từ đó trở nên tự chủ hơn.
Bước 3: Tạo thói quen tích cực trong các mối quan hệ xã hội. Sự tử tế và lòng yêu thương có thể được rèn luyện để dần tạo thành một thói quen. Ví dụ, hãy tưởng tượng khi gặp ai đó, suy nghĩ đầu tiên của bạn sẽ là “Tôi ước người này sẽ được hạnh phúc”. Tương tự, bạn cũng có thể rèn luyện những thói quen tích cực khác về mặt tinh thần để có nhiều mối quan hệ tốt.