‘4 nhà’ xây thương hiệu trái cây Việt
Bưởi da xanh được chọn là sản phẩm trái cây đầu tiên sản xuất theo chuỗi giá trị
Cuối tháng 11.2015, tại Bến Tre, Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (SOFRI) phối hợp UBND tỉnh Bến Tre và Tập đoàn Lộc Trời tổ chức hội nghị triển khai xây dựng chuỗi giá trị cây ăn quả tại ĐBSCL, nhằm tạo dựng thương hiệu cho trái cây vùng đất này.
Theo TS Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng SOFRI, ngành rau quả của VN nói chung và ĐBSCL có tiềm năng phát triển rất lớn, kim ngạch xuất khẩu trong những năm qua không ngừng tăng cao, năm 2013 trên 1 tỉ USD, năm 2014 gần 1,5 tỉ USD và dự kiến hết năm 2015 đạt 2 tỉ USD. Trong số này, kim ngạch xuất khẩu trái cây chiếm khoảng 70%. Tuy nhiên, hiện hầu hết là sản xuất nhỏ lẻ, chất lượng không đồng đều, thu hoạch, bảo quản còn thủ công lạc hậu, không truy xuất được nguồn gốc, chưa có thương hiệu và đặc biệt là không liên kết được với doanh nghiệp.
Chứng minh cho nhận định trên, TS Võ Hữu Thoại, Phó viện trưởng SOFRI, kể: “Tôi có dịp đi Brunei, vào các siêu thị của họ thấy có bán thanh long và sapoche. Tôi tìm hiểu và được biết nó là của VN nhưng lại không có tên tuổi gì liên quan đến VN hết. Trong khi đó, Thái Lan họ có hẳn một gian hàng riêng với tên tuổi rõ ràng và các loại trái cây thông thường nhưng cũng có giá 70.000 - 80.000 đồng/kg”.
Toàn ĐBSCL có trên 288.500 ha trồng cây ăn quả, chiếm 34,2% diện tích của cả nước. Trong số này, diện tích được chứng nhận GlobalGAP, VietGAP chỉ có 0,39%, tương đương gần 1.159 ha. Tiền Giang là tỉnh có diện tích được chứng nhận GAP lớn nhất khu vực ĐBSCL với hơn 401 ha, kế đến là Bến Tre với 218 ha. Trong 3 năm qua, diện tích cây ăn trái ở ĐBSCL đạt chứng nhận GAP chỉ tăng 0,25 điểm phần trăm. “Chính vì vậy đề án xây dựng chuỗi giá trị trên cây ăn quả vùng ĐBSCL nhằm mục đích hướng đến việc xây dựng các vùng chuyên canh cây ăn quả theo hướng bền vững, an toàn, chất lượng; tập trung xây dựng thương hiệu và gia tăng lợi nhuận cho bà con nông dân”, TS Hòa nói.
Bắt đầu từ bưởi da xanh
Ông Lê Quốc Điền, Giám đốc Trung tâm chuyển giao kỹ thuật nghề vườn thuộc SOFRI, cho biết theo đề án này, trong giai đoạn 1 (2015 - 2017) sẽ phối hợp với các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long xây dựng chuỗi giá trị trên cây bưởi da xanh diện tích 100 - 120 ha ở mỗi tỉnh. Giai đoạn 2 (2017 - 2020) mở rộng chuỗi giá trị trên các loại cây trồng khác như: xoài, thanh long, nhãn và các cây trồng khác theo quy hoạch của ngành nông nghiệp; phạm vi của đề án sẽ mở rộng ra thêm một số địa phương như Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang.
Theo các chuyên gia, ngành cây ăn quả trước nay chủ yếu là phát triển tự phát, thiếu liên kết. Chính vì vậy, điểm đặc biệt của dự án này là có sự tham gia hỗ trợ của doanh nghiệp. Trong mối liên kết “4 nhà”, có sự phân vai cụ thể của các bên tham gia. Như Viện Cây ăn quả sẽ xây dựng các quy trình kỹ thuật, quy trình sản xuất, tập huấn cho nông dân. Tập đoàn Lộc Trời tổ chức vùng nguyên liệu, tham gia xây dựng và kiểm soát quy trình kỹ thuật, ứng trước vật tư nông nghiệp và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân. Chính quyền địa phương hỗ trợ về chính sách, chọn địa điểm và nông dân tham gia. Nông dân tự nguyện tham gia và tuân thủ nghiêm các quy trình kỹ thuật...
Hướng tới chất lượng, an toàn cao nhất
Bà Phan Thị Thu Sương, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Bến Tre, cho biết diện tích trồng bưởi da xanh khoảng 5.500 ha, chiếm 20% diện tích cây ăn quả toàn tỉnh. Trong đó, diện tích cho trái là 4.200 ha, năng suất bình quân 11,4 tấn/ha, sản lượng 47.670 tấn; nhà vườn trồng bưởi thu nhập 400 - 500 triệu đồng/ha. “Bưởi da xanh nằm ở phân khúc cao của thị trường, được tiêu thụ mạnh ở TP.HCM, Hà Nội và xuất khẩu. Tuy nhiên, hạn chế là chất lượng không đồng đều, diện tích chứng nhận ít. Nếu ngay từ bây giờ không chú trọng phát triển, nâng cao chất lượng sẽ có nguy cơ mất thị trường”, bà Sương cảnh báo.
Đại diện nhiều địa phương cũng lưu ý, thực tế ngay các kênh phân phối hiện đại trong nước khi đến địa phương thu mua trái cây cũng yêu cầu phải có chứng nhận cao nhất GlobalGAP. Chính vì vậy, nếu muốn cung cấp sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường thì phải áp theo chuẩn này. Trong khi đó, hiện tổng diện tích trồng bưởi da xanh của từng địa phương rất lớn nhưng rải rác ở khắp nơi, mỗi hộ khoảng 0,2 - 0,3 ha, không có vùng chuyên canh, quy mô lớn nên sẽ rất khó áp dụng các tiêu chuẩn. Việc xây dựng vùng nguyên liệu lại nằm ở nhiều tỉnh khác nhau nên xây dựng thương hiệu như thế nào cho phù hợp và hài hòa lợi ích của các bên. “Việc xây dựng thương hiệu cần phải tính toán rất cẩn thận, vì người VN chúng ta còn phân biệt bưởi da xanh với bưởi năm roi hoặc các loại bưởi khác; nhưng khi chúng ta xuất khẩu thì người tiêu dùng nước ngoài chỉ biết “trái cây VN hay bưởi VN” chứ không để ý nhiều về thương hiệu của từng địa phương cụ thể”, TS Võ Mai, Phó chủ tịch Hội Làm vườn VN, lưu ý.
Theo đại diện HTX bưởi da xanh Mỹ Thạnh An (Bến Tre), HTX sản xuất bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP đã 5 năm nay, nhưng giá bán sản phẩm vẫn như bưởi trồng theo cách truyền thống. “Nếu có doanh nghiệp bao tiêu đầu ra với giá cả ổn định và cao hơn cách trồng thông thường thì mới khuyến khích được bà con tham gia”, vị này nói.