Bắc Giang: Chuyển biến mạnh trong ý thức dùng hàng Việt
Qua gần 7 năm triển khai thực hiện, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ) đã tạo chuyển biến ý thức trong người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Nhìn chung, người dân đã có ý thức sử dụng các sản phẩm hàng hóa Việt Nam thay vì hàng nhập ngoại, góp phần xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam.
Hàng Việt chiếm tỷ lệ lớn
Nhằm giúp người dân dễ dàng mua bán và sử dụng hàng Việt Nam, Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang đã tham mưu cho UBND tỉnh đề xuất xây dựng Điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại Cửa hàng Vinh Tám (số 158, đường Lê Lợi, TP. Bắc Giang). Cửa hàng bày bán một số nông sản của tỉnh như: Mỳ chũ, bánh đa kế, vải thiều sấy khô, mật ong hoa vải thiều... Điểm bán hàng này cũng được tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh biết đến, từ đó quan tâm và lựa chọn sử dụng hàng Việt Nam. Công tác quản lý thị trường cũng được chú trọng triển khai nhằm tăng cường kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Xác định tuyên truyền có vai trò quan trọng hàng đầu trong việc đẩy mạnh triển khai CVĐ, những năm vừa qua, dựa trên thực tế địa phương, công tác thông tin tuyên truyền về CVĐ đã được Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang triển khai dưới nhiều hình thức khác nhau. Cụ thể, Sở Công Thương tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến thương mại phối hợp với Đài Phát thanh - truyền hình tỉnh Bắc Giang tổ chức sản xuất và phát sóng 11 tạp chí xúc tiến thương mại trên Đài phát thanh và truyền hình tỉnh; biên soạn và phát hành 11 số Bản tin Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Bắc Giang (1 tháng/tạp chí, bản tin). Bên cạnh đó, tổ chức biên tập và phát hành tài liệu xúc tiến thương mại (catalog, tờ rơi và các ấn phẩm) giới thiệu về các sản phẩm hàng hóa của tỉnh.
Nhờ các giải pháp kể trên, tỷ lệ sử dụng hàng Việt Nam trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã tăng lên nhanh chóng. Cụ thể, đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, lựa chọn của người tiêu dùng chiếm 95% là các sản phẩm có nguồn gốc nội địa. Hàng tiêu dùng chiếm trên 70%, hàng may mặc chiếm 60%, hàng vật tư nông nghiệp chiếm 80%, vật liệu xây dựng chiếm 60%…
Tiếp tục thực hiện CVĐ
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện CVĐ trong những năm tiếp theo, Ban chỉ đạo CVĐ tỉnh sẽ tập trung vào việc quán triệt, triển khai thực hiện đến các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện tốt các quy định của Đảng và Nhà nước về thực hiện CVĐ, góp phần nâng cao nhận thức của toàn dân về ý nghĩa của CVĐ. Các hội nghị thông tin, tuyên truyền cũng được tổ chức để các DN thấy rõ được ý thức, trách nhiệm, quyền lợi của mình trong việc thực hiện CVĐ, tiếp tục thu hút vốn đầu tư, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam.
Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh trong việc tuyên truyền, vận động và xử phạt nghiêm những vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, kiểm tra việc thực hiện các quy định về niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Triển khai nhân rộng mô hình điển hình bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt”, chợ vệ sinh an toàn thực phẩm…