Báo chí châu Âu đánh giá cao thành tựu kinh tế-xã hội của Việt Nam
Mạng tin châu Âu (Europe Presse Image) ngày 26/9 đã đăng bài bình luận về việc Việt Nam chuẩn bị tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bài báo nhấn mạnh đây sẽ là bảng tổng kết với nhiều gam màu hồng.
Tác giả bài báo nhận xét diện mạo đất nước Việt Nam thay đổi gần như hoàn toàn, kinh tế tăng trưởng mạnh, công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển, nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa được đẩy nhanh, mức sống của người dân được nâng lên rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người tăng hàng năm đưa Việt Nam ra khỏi nhóm các nước kém phát triển, trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình.
Bài báo dẫn nhận định của nhà báo Bruno Philip, phóng viên báo Le Monde cho rằng 40 năm sau khi Sài Gòn được giải phóng, người ta không thể hình dung sự thay đổi nhanh chóng của thành phố. Thành phố Hồ Chí Minh rất có thể sẽ trở thành một trung tâm kinh tế quan trọng của Đông Nam Á... Người ta có cảm giác thành phố 8 triệu dân này có dáng vẻ của một Thượng Hải thu nhỏ với các tòa nhà chọc trời lấp lánh trong đêm...
Về đối ngoại, Việt Nam vừa ký thỏa thuận tiến tới thành lập khu vực mậu dịch thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU).
Như nhận xét của ủy viên phụ trách thương của EU, bà Cecilia Malmström, thỏa thuận sẽ giúp thúc đẩy quan hệ thương mại với các nền kinh tế năng động của châu Á, giữa EU và Đông Nam Á và có thể trở thành hình mẫu để EU thiết lập các thỏa thuận tương tự với các nền kinh tế đang phát triển khác.
Việt Nam đang đàm phán Hiệp định thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với sự tham gia của 12 quốc gia. Nếu được ký kết, đây sẽ là thỏa thuận thương mại lớn nhất toàn cầu, chiếm 40% giao dịch thương mại thế giới.
Bên cạnh đó, tác giả bài báo đã đưa ra những hạn chế trong nền kinh tế Việt Nam về trung và ngắn hạn, trong đó có vấn đề cải cách hành chính, sự thiếu hụt tài chính cho các dự án cơ sở hạ tầng.
Ảnh hưởng của sự sụt giảm giá dầu sẽ tác động không nhỏ đến thu nhập quốc nội và dự báo ngân sách sẽ thâm hụt 6%, trên mức 5% do chính phủ đề ra.
Ngoài ra, phải kể tới sự thiếu hiệu quả về quản lý kinh tế xã hội, chưa coi trọng vấn đề môi truờng, khoảng cách giàu nghèo.
Tác giả đánh giá cao sự ổn định chính trị ở Việt Nam, coi đây là điều cần thiết và không thể thiếu để phát triển kinh tế-xã hội.
Theo nghiên cứu của Bộ phận nghiên cứu đầu tư trực tiếp nước ngoài của báo Financial Times, nhờ môi trường chính trị ổn định, Việt Nam đứng đầu trong các nền kinh tế nước ngoài về thu hút vốn nước ngoài cho các dự án mới.
Công ty kiểm toán Price Waterhouse Coopers nhận định, từ nay đến năm 2050, Việt Nam sẽ nằm trong nhóm các quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. Đây chính là những điều tích cực từ mô hình một đảng.
Kết thúc bài báo, tác giả đưa ra đánh giá chung: chính sách đổi mới mà Việt Nam khởi xướng từ cuối những năm 1980 đang ngày càng được khẳng định, củng cố qua từng năm và sẽ là định hướng chủ đạo tại Đại hội 12 sắp tới của Đảng Cộng sản Việt Nam.