Có thể thông qua Peru xuất khẩu hàng vào Mỹ -Latin
Ngày 22/5, Tuần lễ Liên minh Thái Bình Dương khai mạc nhằm giới thiệu về văn hóa, ẩm thực, cơ hội đầu tư kinh doanh của 4 quốc gia thành viên là Peru, Mexico, Colombia và Chile chính thức khai mạc tại Hà Nội. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ngài Luis Tsuboyama, Đại biện Đại sứ quán Peru tại Việt Nam khẳng định, doanh nghiệp Việt Nam có thể thông qua Peru để xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ - Latin.
Thưa ngài, hoạt động nào sẽ là điểm nhấn tại Tuần lễ Liên minh Thái Bình Dương tại Hà Nội lần này?
Trong Tuần lễ Liên minh Thái Bình Dương được tổ chức từ ngày 22 đến 28/5, Đại sứ quán Peru cùng Đại sứ quán các nước Mexico, Colombia và Chile sẽ tổ chức tuần lễ Liên minh Thái Bình Dương. Tuần lễ sẽ giới thiệu tới người dân cũng như doanh nghiệp Việt Nam về văn hóa, thương mại, du lịch của các nước thành viên thuộc Liên minh Thái Bình Dương. Trong đó, điểm nhấn của Tuần lễ là Hội thảo “Liên minh Thái Bình Dương và Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu”. Hội thảo sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam có cái nhìn tổng quan về kinh tế - xã hội của Liên minh Thái Bình Dương và những cơ hội kinh doanh đầu tư tiềm năng.
. |
Peru là đất nước giàu tiềm năng và đang đẩy mạnh thu hút đầu tư. Tại hội thảo nêu trên, thông điệp mà ngài sẽ đưa tới cho các doanh nghiệp Việt Nam là gì?
Thông điệp lớn nhất mà chúng tôi muốn truyền tải đến doanh nghiệp Việt Nam là, dù Peru và các nước khác trong Liên minh Thái Bình Dương đều có quy mô không lớn, nhưng rất giàu tiềm năng. Doanh nghiệp Việt Nam có thể thông qua các nước thuộc Liên minh Thái Bình Dương để xuất khẩu, đầu tư vào khu vực Mỹ - Latin, bởi chúng tôi có hiệp định thương mại tự do với các nước lớn như Brazil, hay Hoa Kỳ. Các bạn có thể thông qua Peru để xuất khẩu hàng hóa đến các nước đó với giá ưu đãi hơn.
Thứ hai, thu nhập bình quân đầu người tại Peru đang tăng lên cùng với thói quen tiêu dùng đang thay đổi ngày một đa dạng hơn, do đó hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Peru cũng là một lợi thế. Bên cạnh đó, đã có 2 doanh nghiệp Việt Nam đã và đang đầu tư tốt ở Peru là Viettel (với tên gọi Bitel tại thị trường này) và Petro Vietnam.
Những lĩnh vực Peru đang mong muốn thu hút đầu tư mà doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia là gì? Và ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp Peru đánh giá thế nào về tiềm năng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam?
Peru là đất nước rất giàu tiềm năng về khoáng sản, do đó các lĩnh vực mà doanh nghiệp Việt Nam có thể quan tâm khi tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Peru là khai khoáng, các sản phẩm may mặc chất lượng cao, lĩnh vực dịch vụ và nông nghiệp công nghệ cao.
Các lĩnh vực mà doanh nghiệp Peru quan tâm là xuất khẩu các loại hàng hóa đặc trưng như hoa quả và trang sức. Peru là đất nước giàu tiềm năng ở các sản phẩm trang sức đá quý như vàng bạc và một số mặt hàng khác mà chúng tôi muốn xuất khẩu sang Việt Nam.
Bên cạnh đó, tôi cũng muốn nhấn mạnh là, Việt Nam và Peru đã có Ủy ban liên Chính phủ hai nước về các vấn đề kinh tế và hợp tác kỹ thuật. Đây là một diễn đàn tốt để quan chức các bộ, ngành và doanh nghiệp hai bên gặp gỡ và trao đổi thúc đẩy các cơ hội về thương mại, đầu tư.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa đang gặp nhiều thách thức, đặc biệt là Hoa Kỳ đã chính thức thông qua quyết định sẽ không tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Peru cũng là một quốc gia tham gia đàm phán, ngài nhận định thế nào về khả năng thành công của TPP mà không có sự tham gia của Hoa Kỳ?
Peru là đất nước có nền kinh tế mở và luôn ủng hộ tự do thương mại trên thế giới. Chúng tôi đã có nhiều đổi mới từ tự do hóa thương mại trong 20 năm trở lại đây. Việt Nam cũng là quốc gia đã có nhiều thay đổi tích cực kể từ khi tham gia quá trình tự do hóa thương mại. Như vậy, Peru và Việt Nam có điểm chung là thu được nhiều lợi ích từ tự do hóa thương mại, theo đó đem lại lợi ích cho người dân của hai nước.
Quan điểm này sẽ được khẳng định mạnh mẽ hơn tại Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vào tháng 11 tới. Thông điệp mà Peru muốn gửi tới các nền kinh tế thành viên APEC lần này là ủng hộ mạnh mẽ tự do hóa thương mại, chống lại chủ nghĩa bảo hộ đang diễn ra tại một số nơi trên thế giới.
Do đó, quan điểm của Peru là tiếp tục tham gia việc đàm phán Hiệp định TPP trong bối cảnh hiện nay và chúng tôi rất mong đợi vào quyết định của Trưởng đoàn đàm phán các nước về tương lai của TPP. Chúng tôi rất ủng hộ những lợi ích mà TPP mang lại không chỉ cho Peru, mà còn cho các nước thành viên.