Đà Nẵng: Tuyên truyền về Quyền được an toàn của người tiêu dùng

Nhằm hưởng ứng ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam (15/3) với chủ đề “Quyền được an toàn của người tiêu dùng”, đồng thời phổ biến Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đến người tiêu dùng thành phố, Sở Công Thương TP. Đà Nẵng phối hợp với Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thành phố tổ chức Hội thảo An toàn thực phẩm (ATTP) cho người tiêu dùng với sự tham gia của gần 600 người tiêu dùng Đà Nẵng.

Ông Lữ Bằng - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) TP. Đà Nẵng - cho biết, thực tế cho thấy vẫn còn nhiều trường hợp người tiêu dùng bị vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp nhưng người tiêu dùng không phản ánh đến các cơ quan chức năng hay hội. Các hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng còn diễn ra trên phạm vi rộng và mức độ ngày càng phức tạp, tinh vi. Các vụ việc liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng bị phát hiện và xử lý ngày một tăng như hàng giả, hàng kém chất lượng, đáng báo động là các sản phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của những doanh nghiệp chân chính.

Tại hội thảo, các chuyên gia về thực phẩm và người tiêu dùng đều thống nhất quan điểm ATVSTP đang là vấn đề đáng lo ngại của toàn cầu. Trên thế giới hiện có hơn 200 loại bệnh do thực phẩm không an toàn gây ra, và còn có xu hướng tiếp tục tăng cả về số lượng loại bệnh cũng như độ nguy hiểm, biến chứng của từng loại bệnh. Tại Việt Nam, từ giữa tháng 5/2015 đến nay, ATVSTP là vấn đề nóng của toàn xã hội sau khi các lực lượng chức năng liên tục phát hiện hàng loạt vụ vi phạm ATVSTP như sử dụng chất vàng ô trong chăn nuôi gia cầm, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan và vượt dư lượng cho phép trong rau xanh, sử dụng chất phụ gia….

Thạc sỹ Nguyễn Văn Trừ - Trưởng phòng KT - AT - MT, Sở Công Thương Đà Nẵng - đã chỉ ra những vi phạm chủ yếu về ATTP Việt Nam hiện nay như: vi phạm chủ yếu trong sử dụng nguyên liệu thực phẩm không đảm bảo ATTP, không rõ nguồn gốc xuất xứ để chế biến; sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục được phép hoặc trong danh mục được phép nhưng vượt giới hạn cho phép và sử dụng chất phụ gia, chất hỗ trợ không rõ nguồn gốc xuất xứ; sử dụng hóa chất cấm, hóa chất không có trong danh mục, không có nguồn gốc xuất xứ, sử dụng hóa chất được phép nhưng vượt mức quy định hoặc quá thời hạn sử dụng hay không có thời hạn sử dụng.

Riêng Đà Nẵng, trong năm 2015, ngành y tế thành phố đã tiến hành thanh kiểm tra 6.893 cơ sở, phát hiện 579 cơ sở vi phạm, ngành công thương kiểm tra 500 cơ sở, xử lý 338 cơ sở vi phạm chủ yếu là không có giấy chứng nhận ATTP. Tổ chức lấy mẫu ngẫu nhiên hơn 900 mẫu rau, củ quả, phát hiện 8 mẫu có dấu hiệu vi phạm về tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật. Trong đó, có 2 mẫu trái cây nhập từ Trung Quốc là hồng giòn và khoai tây. Ngoài ra, năm 2015, trên địa bàn thành phố xảy ra 1 vụ ngộ độc nhẹ, giảm mạnh so với các năm trước.

Cũng tại hội thảo, người tiêu dùng thành phố đã được hướng dẫn, tư vấn cách bảo quản thực phẩm an toàn và một số phương pháp nhận biết thực phẩm giả đối với các mặt hàng thực phẩm thiết yếu như rau, củ, quả tươi, rượu… và những khuyến cáo về khung hình phạt đối với những hộ kinh doanh, sản xuất cố tình vi phạm pháp luật về ATVSTP.

Chủ tịch Hội BVQLNTD TP. Đà Nẵng kêu gọi: “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không chỉ là mối quan tâm, là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước mà còn là trách nhiệm chung của cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội. Người tiêu dùng cần phải lên tiếng và có những hành động thiết thực để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của bản thân cũng như chủ động thực hiện nghĩa vụ của người tiêu dùng là kiểm tra hàng hóa trước khi nhận, lựa chọn sử dụng hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng… và thông tin ngay cho các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện sản phẩm không đảm bảo an toàn có nguy cơ xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân”.

Bình luận của bạn