Đến cuối năm 2015, Hà Nội sẽ có hơn 5.000 ha rau an toàn

Sau 5 năm thực hiện, Đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn thành phố Hà Nội (giai đoạn 2009-2015), dưới sự chỉ đạo sát sao của UBND thành phố, sự nỗ lực của Sở NN&PTNT và các đơn vị liên quan, đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng Thủ đô. Đến hết năm 2015 diện tích RAT của thành phố có khả năng đạt 5.100ha. 

alt

Để đáp ứng an toàn thực phẩm (ATTP) trong sản xuất, Chi cục BVTV thành phố đã tập trung nâng cao kiến thức, kỹ năng sản xuất RAT cho nông dân thông qua các hoạt động tập huấn, huấn luyện, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và truyền thông như: Tổ chức 818 lớp huấn luyện nông dân về IPM rau cho 24.540 nông dân và 825 lớp tập huấn ngắn hạn về an toàn thực phẩm trong sản xuất RAT cho 66.000 người.

Chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật không sử dụng thuốc BVT như che phủ nilon, nhà lưới trồng rau trái vụ triển khai tại 116 xã, bả Protein diệt ruồi đục quả họ bầu bí, ruồi đục lá họ đậu, cây ăn quả có múi, ổi..., bả chua ngọt diệt trưởng thành họ ngài đêm như sâu khoang trên rau ngót, rau muống, rau họ hoa thập tự, họ đậu,...; và các mô hình về rào chắn bọ nhảy, chế phẩm sinh học Emina xử lý tàn dư cây trồng.... Các biện pháp trên đều đầu tư thấp, hiệu quả cao, cộng đồng dễ thực hiện.

Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người sản xuất và người tiêu dùng các quy định về ATTP, quy trình, hướng dẫn kỹ thuật, các tiến bộ kỹ thuật, kinh nghiệm, kết quả sản xuất RAT trên đài truyền thanh các xã; trên các phương tiện thông tin đại chúng: VTV1, VTV2, Hà Nội (H1, H2), ANTV, TTXVN, VTC10, VTC14, VTC16, báo: Hà Nội mới, Kinh tế đô thị, Nông nghiệp Việt Nam, Nhân Dân, Tiền Phong, Lao  động.... In ấn, lắp đặt trên 2.000 panô, áp phích, bảng biển qui đinh, cảnh báo về thuốc BVTV, tuyên truyền về RAT tại các vùng sản xuất và trụ sở, nơi công cộng tại một số phường. Xây dựng chuyên mục “RAT với người tiêu dùng” phát trên kênh H1 - Đài PTTH Hà Nội. Vận hành thí điểm Tổng đài tư vấn về RAT (1081 nhánh 2); xây dựng Bản đồ số hóa về ATTP trong sản xuất rau và website về rau an toàn Hà Nội (http://rauantoan.hanoi.vn). Thỏa thuận hợp tác về sản xuất và tiêu thụ RAT với các tỉnh phía Bắc.

Những hoạt động trên đã tác động tích cực, làm thay đổi tập quán canh tác và sử dụng thuốc BVTV của nông dân. Kết quả điều tra cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc thảo mộc, sinh học khoảng 60%, giảm 30% số lần sử dụng thuốc. Chi phí sử dụng thuốc BVTV giảm 50%, tuân thủ thời gian cách ly khi thu hái sản phẩm. Tỷ lệ mẫu rau phân tích vượt dư lượng thuốc BVTV tối đa cho phép thấp (hàng năm phân tích gần 1.000 mẫu rau, chỉ có khoảng 1% mẫu vượt ngưỡng). Năng suất rau tăng 18% (năm 2009, năng suất đạt 17 tấn/ha/vụ, năm 2014, năng suất đạt 20 tấn/ha/vụ), sản lượng đạt 400 nghìn tấn/năm, đáp ứng 40% nhu cầu tiêu dùng, giá trị sản xuất đạt 300-500 triệu đồng/ha/năm.

Riêng tại các vùng trồng rau trái vụ tăng thêm 3-5 vụ/năm (rau cải 5 vụ, su hào 3 vụ), giá trị sản xuất đạt 1 tỷ đồng/ha/năm, có diện tích đạt 2 tỷ đồng/ha/năm (Yên Viên), tổng giá trị sản xuất đạt trên 1.200 tỷ đồng/năm, tương đương 30.000ha lúa/vụ. Giá trị sản xuất RAT cao hơn sản xuất rau thường từ 10-20%. Xây dựng 8 cơ sở sơ chế RAT gắn với vùng sản xuất tập trung công suất 3-7 tấn/ngày (Văn Đức, Yên Mỹ, Duyên Hà, Thanh Đa, Tiền Lệ, Chúc Sơn, Đặng Xá, Nam Hồng và 9 dự án đã được phê duyệt); 42 cơ sở sơ chế nhỏ của các HTX, doanh nghiệp công suất 200-1.000 kg/ngày.

Để truy xuất nguồn gốc, từ năm 2011 đã thí điểm gắn tem, nhãn nhận diện RAT bán buôn (Văn Đức), năm 2012 nhân rộng gắn tem, nhãn nhận diện RAT bán lẻ ra các vùng: Duyên Hà, Thanh Đa, Tráng Việt... đến năm 2014 có 40 cơ sở dán tem nhận diện, mỗi cơ sở được cấp 01 mã số, sản phẩm dán tem được đưa đi tiêu thụ rộng rãi ở Hà Nội và các tỉnh, được doanh nghiệp và người tiêu dùng đánh giá cao.

Từ kết quả thí điểm gắn nhãn, tem nhận diện RAT, Chi cục BVTV Hà Nội lập hồ sơ đăng ký “Nhãn hiệu chứng nhận rau an toàn Hà Nội” và đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tại Quyết định số 9258/QĐ-SHTT ngày 9/2/2015. Đến nay, các doanh nghiệp tự in, gắn tem, nhãn nhận diện sản phẩm để phát triển thương hiệu. Rau an toàn Hà Nội hình thành một số chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ, có tem, nhãn nhận diện, truy xuất nguồn gốc, được tiêu thụ qua 18 doanh nghiệp, 17 hợp tác xã cung cấp cho các cửa hàng bán lẻ, điểm phân phối, bếp ăn tập thể và hệ thống siêu thị với sản lượng khoảng 30.000 tấn/năm (chiếm 7,5% sản lượng sản xuất rau an toàn). Rau an toàn chưa có tem, nhãn nhận diện truy xuất nguồn gốc tiêu thụ tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh, khu dân cư với sản lượng khoảng 370.000 tấn/năm (chiếm 92,5% sản lượng sản xuất rau an toàn).

Trong thời gian tới, Chi cục BVTV Hà Nội đề xuất xây dựng "Dự án chuỗi cung cấp rau an toàn cho thành phố Hà Nội” để từng bước đáp ứng nhu cầu RAT cho người tiêu dùng thủ đô.

Theo http://baocongthuong.com.vn/

Bình luận của bạn