Đối tác Mỹ quyết giữ thương hiệu Kinh Đô
Bánh kẹo Kinh Đô đã ăn sâu vào tiềm thức người Việt và đang chiếm thị phần lớn, vì vậy Mondelēz sau khi tiếp quản sẽ tiếp tục phát triển thương hiệu này không chỉ ở thị trường nội địa, theo CEO Stephane Gripon.
Đầu tháng 11/2014, Mondelēz International (Mỹ) - một trong những công ty hàng đầu thế giới về thức ăn nhẹ tuyên bố chi 370 triệu USD để mua lại 80% cổ phần mảng bánh kẹo của Tập đoàn Kinh Đô. Sau thời gian hoàn tất và bàn giao công việc giữa hai bên, hôm 15/7 hãng bánh kẹo của Mỹ chính thức đổi tên doanh nghiệp bánh kẹo này thành Mondelēz Kinh Đô. Giám đốc điều hành Mondelēz trao đổi với VnExpress.net về kế hoạch phát triển thương hiệu Kinh Đô.
- Lý do nào khiến Mondelēz mạnh tay chi tiền để mua lại Kinh Đô khi thị trường bánh kẹo tại Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại?
- Theo số liệu nghiên cứu thị trường mà chúng tôi có được, giá trị thị trường bánh kẹo ở châu Á Thái Bình Dương xấp xỉ 370 tỷ USD. Tại Việt Nam mức độ tăng trưởng ngành là 9%, riêng mùa lễ, Tết lên đến 14%. Vì vậy, khi kinh tế Việt Nam đang dần phục hồi thì thị trường này lại rất tiềm năng.
Còn đối với Kinh Đô, đây là một nhãn hiệu đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt và cho tới thời điểm này họ vẫn đang chiếm thị phần lớn. Cùng với đó, công ty này tích hợp nhiều giá trị như 2 nhà máy sản xuất bán kẹo, hệ thống phân phối phủ khắp 63 tỉnh thành. Bên cạnh đó, họ có đội ngũ nhân viên giàu kinh nghiệm, nhiệt tình và gắn bó với công ty.
Trong quá trình thương thảo và làm việc với nhau từ cuối tháng 11/2014 đến nay, chúng tôi phát hiện ra nhiều giá trị tương đồng giữa hai công ty, trong đó, văn hóa doanh nghiệp và cách tiếp cận công việc của cả hai bên gần như giống nhau. Vì vậy, chúng tôi mong muốn đưa thương hiệu Kinh Đô đi khắp thế giới. Cũng từ 15/7 thương hiệu này chính thức chuyển thành Mondelēz Kinh Đô.
Ông Stephane Gripon, Giám đốc điều hành Modelez tại Việt Nam. |
- Vậy, các ông có kế hoạch như thế nào sau khi chuyển đổi sang thương hiệu mới?
- Hiện tại chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục phát triển kế hoạch kinh doanh như đại hội cổ đông của công ty thông qua trước đó. Mọi giao dịch với nhà phân phối và sản xuất sản phẩm vẫn diễn tiến bình thường. Chúng tôi kỳ vọng Tết Trung Thu và Tết Nguyên Đán năm nay sẽ đạt được kết quả tốt. Bởi lẽ, ban lãnh đạo công ty vẫn là những cá nhân xuất sắc của Kinh Đô. Riêng về ban quản trị, chúng tôi chưa đi đến thống nhất. Tuy nhiên, với việc nắm giữ 80% cổ phần, Mondelēz sẽ có khoảng 4 thành viên trong Hội đồng quản trị, một thành viên còn lại sẽ là người của Kinh Đô.
Như chúng tôi đã công bố năm ngoái, Mondelēz International có quyền mua và đối tác của chúng tôi có quyền bán 20% cổ phần còn lại sau 12 tháng từ hôm nay.
- Nếu mua hết 20% còn lại của đối tác, liệu các ông có tính đến chuyện thay đổi hoàn toàn thương hiệu Kinh Đô?
- Nếu mua hết 20% cổ phần còn lại, chúng tôi cũng vẫn không loại bỏ thương hiệu sản phẩm này. Mondelēz Kinh Đô sẽ là cái tên song hành với chúng tôi. Thương hiệu này không chỉ mang tính toàn cầu mà còn gợi nhớ lại quá khứ tốt đẹp cũng như giá trị mà đối tác một thời gây dựng.
Trước đây, tập đoàn chúng tôi đã "kết duyên" với khá nhiều công ty bánh kẹo ở châu Âu như Pháp, Anh. Điển hình là tại Pháp, chúng tôi mua lại công ty sở hữu thương hiệu bánh Lu. Đây là loại bánh có mặt trên thị trường Pháp từ năm 1886. Sau khi được Mondelēz mua lại, loại bánh này không những vẫn được phát triển tại Pháp mà còn được chúng tôi mang đi khắp thế giới.
Kinh Đô cũng vậy, những sản phẩm bánh quy, bánh trung thu nổi tiếng tại Việt Nam sẽ được phát triển tại thị trường thế giới trong tương lai thông qua các kênh của tập đoàn trên toàn cầu.
- Trong vòng 5 năm tới công ty sẽ có lộ trình phát triển như thế nào tại thị trường Việt Nam?
- Trước hết, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển ngành hàng dựa trên những nền tảng có sẵn. Tập trung đầu tư mở rộng và nâng cấp 2 nhà máy của Kinh Đô tại Bình Dương và Hưng Yên đạt chất lượng toàn cầu. Mục đích là tạo điều kiện cho sản phẩm phát triển tại các nước ASEAN, đồng thời, đưa công ty trở thành doanh nghiệp cung cấp thức ăn nhẹ được yêu thích nhất tại Việt Nam. Còn về mục tiêu kinh doanh, chúng tôi kỳ vọng luôn đạt mức tăng trưởng 2 con số.
- Sắp tới Việt Nam sẽ ra nhập TPP, thuế suất cho bánh kẹo nhập khẩu xuống 0%, sản phẩm của các nước ASEAN cũng đang tràn nhập tại thị trường này, vậy các ông sẽ phải cạnh tranh thế nào?
- Việc Việt Nam gia nhập TPP sẽ tạo đà cho sự tăng trưởng của nền kinh tế. Đặc biệt, số lượng tầng lớp trung lưu được dự báo sẽ tăng gấp đôi vào năm 2020 là tín hiệu tốt cho thị trường.
Mặt khác, TPP cũng giúp hoạt động kinh doanh của chúng tôi gặp nhiều thuận lợi hơn. Riêng về đối thủ cạnh tranh, chúng tôi không ngại. Bởi lẽ, Mondelēz là một công ty toàn cầu, có kinh nghiệm kinh doanh ở rất nhiều quốc gia khác nhau và cũng đã cạnh tranh với chính các đối thủ ấy ngay tại nước sở tại của họ.
- Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng của thị trường bánh kẹo Việt Nam?
- Tiềm năng của thị trường này rất lớn. Hiện, mức tiêu dùng bánh kẹo trên đầu người của Việt Nam còn thấp. Phần lớn bánh kẹo chỉ được tiêu thụ mạnh vào dịp lễ, Tết. Trong khi đó, trên thế giới, sản phẩm này còn len lỏi vào bữa ăn hằng ngày của người tiêu dùng, thậm chí, họ có thể ăn trên đường đi. Không những vậy, dân số Việt Nam trẻ, 50% dưới 30 tuổi. Đây cũng chính là đối tượng mà công ty muốn nhắm tới.
Bên cạnh đó, so với các nước trên thế giới, Việt Nam có nguồn nguyên liệu và nhân công dồi dào. Đó là thuận lợi để các sản phẩm tạo ra có giá hấp dẫn cho người dùng. Chúng tôi dự đoán, ngành thức ăn nhẹ Việt Nam thời gian tới vẫn sẽ luôn tăng trưởng cao hơn so với GDP.