Du lịch biển Việt Nam: Giàu tiềm năng nhưng "nghèo" dịch vụ

Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn về biển, hải đảo khi có hơn 1 triệu km2 diện tích mặt biển, bờ biển dài hơn 3.000km trải dài khắp Bắc-Trung-Nam; hàng ngàn hòn đảo lớn nhỏ cùng những bãi tắm cát trắng, nước xanh và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. 

Tài nguyên dồi dào

Vịnh Hạ Long, Vịnh Nha Trang là những địa danh du lịch nổi tiếng của Việt Nam, trong khi bãi biển Đà Nẵng đã được tạp chí Forbes bầu chọn là 1 trong 6 bãi tắm quyến rũ nhất hành tinh. Đây chính là những điều kiện lý tưởng để Việt Nam khai thác tiềm năng du lịch.

Du lịch biển đảo chiếm khoảng 70% hoạt động của toàn ngành du lịch Việt Nam. Cả nước có 2.770 đảo ven bờ cùng hàng loạt các bãi tắm đẹp từ Bắc vào Nam với những đặc trưng khác nhau. 

Trong số đó có 125 bãi biển, vịnh biển thuận lợi để phát triển du lịch và hơn 30/125 trong số này đã được các địa phương khai thác tốt để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. 

Một số điểm đến nổi tiếng thu hút nhiều du khách quốc tế tới du lịch hàng năm là Vịnh Hạ Long - di sản thiên nhiên thế giới thuộc tỉnh Quảng Ninh; Vịnh Nha Trang - một trong những vịnh đẹp nhất thế giới; bãi biển Đà Nẵng - mỗi năm thu hút khoảng 70% số lượng khách quốc tế và 50% khách nội địa, mang lại 70% doanh thu cho ngành du lịch cả nước. 

Trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, du lịch biển chính là thế mạnh cần ưu tiên, trong đó mỗi địa phương, vùng miền có biển trên dải đất hình chữ S này lại có thể phát triển sản phẩm du lịch biển một cách khác biệt. 

Chẳng hạn, dải đất miền Trung từ Sầm Sơn (Thanh Hóa), Cửa Lò (Nghệ An) cho đến Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu hấp dẫn khách du lịch bởi những bãi biển tuyệt đẹp, còn Hạ Long và Cát Bà, ngoài vẻ đẹp của biển lại có thêm những cảnh quan đá vôi hùng vĩ.

Du lịch biển đã mang lại cơ hội xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống của người dân ở vùng ven biển nhiều địa phương trong cả nước. Các bãi biển thiên nhiên tươi đẹp thu hút đồng đảo du khách khiến nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú, cơ sở hạ tầng du lịch vùng ven biển nhằm đáp ứng nhu cầu du khách.

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, hiện vùng ven biển Việt Nam có khoảng 1.400 cơ sở lưu trú, đặc biệt là các khách sạn từ 3 sao trở lên phần lớn tập trung ở đây. 

Các sản vật địa phương liên quan đến biển cũng theo đó mà phát triển thành thương hiệu, đậm dấu ấn bản sắc văn hóa địa phương, góp phần đáng kể vào việc phát triển sản phẩm gắn với các tour du lịch.

 alt

Du khách thư giãn trong hồ bơi khoáng ấm ở Trung tâm bùn khoáng Mũi Né, Bình Thuận.
 
Du lịch biển vẫn ở dạng tiềm năng

Hiện nay, du lịch Việt Nam vẫn chưa trả lời được 4 câu hỏi quan trọng nhất của phát triển du lịch biển, đó là Ai đến? Đến đây làm gì? Đến bằng cách nào? Để lại cái gì?

Các chuyên gia trong ngành có số liệu chung chung về du khách quốc tế chọn biển Việt Nam làm điểm đến, nhưng chưa phân tích rõ từng thị trường vì mỗi thị trường khách có nhu cầu khác nhau.

Câu hỏi đến đây để làm gì cũng chưa được trả lời thỏa đáng, vì biển Việt Nam thiếu quá nhiều dịch vụ bổ trợ hoặc không đa dạng sản phẩm vui chơi giải trí trên biển như các nước trong khu vực. 

Ở một khía cạnh khác, du lịch Việt Nam đang lãng phí trong quá trình khai thác tiềm năng du lịch biển. Quy hoạch của nhiều bãi biển đẹp ở Việt Nam đã bị phá vỡ, phát triển manh mún và khó điều chỉnh.

Điển hình là bãi biển Mũi Né đang kẹt cứng trong không gian ven bờ khi có quá nhiều khách sạn, resort chen dày ở mặt tiền biển.

Ngành du lịch tàu biển ở Việt Nam chưa thu hút du khách vì hiện tại Việt Nam vẫn chưa có cảng hành khách tàu biển chuyên biệt. Các tàu biển du lịch đang phải cập cảng chung với cảng hàng hóa, nên chất lượng dịch vụ cũng như điều kiện kỹ thuật tại các cảng này chưa đảm bảo chất lượng cao cho khách du lịch. 

Mặt khác, sản phẩm du lịch ở các điểm dừng chân của du khách còn đơn điệu, vấn đề an ninh du lịch còn nhiều bất cập, trình độ nhân lực phục vụ cho ngành du lịch còn nhiều hạn chế về kỹ năng, ngoại ngữ..

Nhu cầu khách đi biển vào dịp cuối tuần tăng rất cao, các trung tâm du lịch biển đều quá tải. Nhược điểm lớn nhất là dịch vụ ở các nơi này thiếu, yếu và ít dịch vụ bổ trợ cho khách vui chơi, mua sắm.

Một số vùng biển còn tiềm năng lớn nhưng rất khó đưa khách đến với số lượng đông như Hà Tiên, Hòn Chông và Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang, do thiếu hạ tầng, dịch vụ hoặc đường bay chưa thật thuận lợi. 

An ninh trật tự và quản lý giá cũng là những vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp du lịch bức xúc. Rất nhiều khu du lịch lên giá vào giờ chót làm cho khách bất bình. Giá có thể cao vào những ngày cao điểm nhưng không nên vượt quá 50% so với ngày thường và điều này cần được thông báo trước cho khách, cũng như các công ty lữ hành. 

Theo bà Trương Thị Như Ngọc, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Trà Vinh, các bãi biển Việt Nam cho đến nay phát triển theo lối tự phát và phần nào tùy tiện, mang tính riêng lẻ và không có đặc trưng. 

Các khu nghỉ dưỡng ven biển ở Việt Nam có giá cao, chủ yếu nhắm vào đối tượng khách quốc tế và một phần du khách giàu có trong nước, rốt cuộc đã đẩy du khách có thu nhập trung bình đi du lịch ra nước ngoài. Trong khi đó, khách quốc tế vào Việt Nam chỉ đi theo mùa (thường là bốn tháng cuối năm), còn lại phần lớn thời gian không khai thác hết công suất phòng. 

Trên suốt chiều dài 3.260km bờ biển, Việt Nam có nhiều lợi thế để xây dựng một trung tâm cho du khách, nhưng cho đến nay vẫn không có một cảng chuyên biệt nào dành cho du khách. 

Nhiều tàu biển chở khách vào Việt Nam vẫn phải neo đậu nhờ các cảng hàng hóa, gây bất tiện và không khai thác được gì thêm các giá trị gia tăng khác như mua sắm, giải trí, ăn uống tại cảng. 

Hành trình di chuyển từ cảng vào trung tâm thành phố mất quá nhiều thời gian, do đây là đoạn đường có nhiều xe tải chở hàng, khiến khách phàn nàn. Do đó, du lịch Việt Nam đã mất đi phần nào cơ hội từ thị trường khách này mang lại. 

Bên cạnh đó, việc khai thác tiềm năng du lịch biển ở một số địa phương chưa hợp lý. Minh chứng là hệ thống di sản được thế giới công nhận nằm ven biển chỉ có Hội An, Hạ Long, Huế được khai thác tốt, còn Phong Nha-Kẻ Bàng thì chưa. 

Du khách chủ yếu tập trung ở các bãi biển miền Trung, những bãi biển khác chỉ đón khách theo mùa. Việc phát triển các bãi biển không theo quy hoạch, khiến sản phẩm bị trùng lặp. 

Chẳng hạn trong khi bãi biển Lăng Cô ảnh hưởng nhiều bởi khí hậu phía Bắc, mưa kéo dài trong năm, nhưng lại tổ chức các sản phẩm nghỉ dưỡng giống như Đà Nẵng, Quảng Nam chịu ảnh hưởng của khí hậu phía Nam.

Phát triển du lịch biển hấp dẫn nhất Đông Nam Á

Với định hướng đến năm 2020 du lịch biển Việt Nam đứng vào nhóm các nước có du lịch biển phát triển nhất Đông Nam Á (cùng Thái Lan, Indonesia, Malaysia), từ nay đến năm 2020, Việt Nam hình thành 5 khu vực du lịch biển có sức cạnh tranh cao trong khu vực gồm khu Hạ Long-Cát Bà; Lăng Cô-Sơn Trà-Hội An; Nha Trang-Cam Ranh; Phan Thiết- Mũi Né; khu du lịch Phú Quốc. 

Bên cạnh đó, các khu du lịch biển giàu tiềm năng khác cũng được đầu tư phát triển như Vân Đồn-Cô Tô; bước đầu khai thác tour du lịch ra Trường Sa; đầu tư, khai thác cảng du lịch chuyên dụng. 

Du lịch sinh thái được xem là một loại hình mới mẻ nhưng hứa hẹn sẽ phát triển mạnh trong tương lai vì tiềm năng sinh thái hết sức đa dạng. Việt Nam hiện có hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình, thuộc 6 vùng đa dạng sinh học biển khác nhau. 

Các hệ sinh thái này có giá trị dịch vụ rất lớn, là nơi cư trú, sinh sản, ươm nuôi của nhiều loài thủy hải sản sinh vật bản địa và di cư, cũng như một số hệ sinh thái có năng suất sinh học cao là rạn san hô, thảm cỏ biển và rừng ngập mặn. 

Toàn bộ vùng biển Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa với sự khác biệt đáng kể về khí hậu giữa các vùng biển, rất thuận lợi để hình thành những khu hệ động thực vật có tính đa dạng sinh học cao. Chính vì vậy, tổ chức thực hiện tốt công tác bảo tồn biển sẽ tạo đà cho việc phát triển thương hiệu "Biển Việt Nam." 

Để nâng cao tầm vóc và xây dựng thương hiệu du lịch biển Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 201/QĐ-TTg, về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. 

Với quan điểm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nên ngay từ bây giờ, ngành du lịch Việt Nam cần sớm khắc phục được các mặt hạn chế, nhanh chóng phát triển du lịch nói chung và du lịch biển nói riêng theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, trở thành điểm đến hấp dẫn và tiện ích cho mọi du khách trong và ngoài nước.

Theo TTXVN

Bình luận của bạn