Đưa hàng Việt xuất ngoại bằng “con tàu” công nghệ
Nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập một cách sâu rộng với thế giới. Làm gì để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam?
Vai trò của khoa học và công nghệ (KH-CN) như thế nào trong việc này? Đó là nội dung chính trong cuộc trao đổi giữa phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng với Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân (ảnh)nhân dịp xuân mới 2016.
PHÓNG VIÊN: Thưa Bộ trưởng, theo ông, việc ứng dụng KH-CN để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa Việt Nam trong thời gian qua đã được chú trọng đúng mức chưa?
Bộ trưởng Bộ KH-CN NGUYỄN QUÂN: Có thể nói rằng, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam chưa nhận thức đúng mức tầm quan trọng của việc nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa. Trong đó, yếu tố quyết định nhất là việc ứng dụng những tiến bộ KH-CN để sản xuất kinh doanh.
Trong quá khứ, nền sản xuất của chúng ta là khép kín, tự cung tự cấp và chủ yếu là tiêu thụ nội địa. Khi chuyển sang kinh tế thị trường, chúng ta bắt buộc phải từng bước mở cửa thị trường, và khi đó hàng hóa Việt Nam không chỉ cạnh tranh trong nước với nhau mà còn phải cạnh tranh với hàng hóa nước ngoài.
Muốn hàng hóa Việt cạnh tranh với hàng hóa các nước phát triển thì không có cách nào khác là phải đưa những công nghệ mới, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.
Chúng ta đã có một chương trình quốc gia để tạo ra những sản phẩm chủ lực. Đó phải chăng là cách thức để Việt Nam có thể có những sản phẩm, hàng hóa trọng điểm đủ sức cạnh tranh với thế giới?
Hầu hết các nước trong khu vực và trên thế giới đều chọn một số sản phẩm mà quốc gia đó có thế mạnh, khó có đối thủ cạnh tranh, để đầu tư nghiên cứu, sản xuất; từ đó tạo ra được những sản phẩm, hàng hóa không chỉ chi phối nền kinh tế của đất nước họ, mà còn chi phối tới khu vực và thị trường thế giới.
Ví dụ như Nhật Bản tập trung cho công nghiệp điện tử và ô tô, xe máy; Hoa Kỳ thì công nghiệp vũ trụ, hàng không; các nước châu Âu thì công nghiệp nặng, cơ khí, hàng tiêu dùng... Việt Nam cũng phải tìm những sản phẩm mà chúng ta có thể mạnh, tiềm năng.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt danh mục 9 sản phẩm được lựa chọn để phát triển, tập trung đầu tư để đến năm 2020 trở thành sản phẩm chủ lực của quốc gia. Trong đó có 6 sản phẩm chính thức và 3 sản phẩm dự bị.
Xin Bộ trưởng nói rõ về danh mục sản phẩm trọng điểm quốc gia cũng như kết quả của chương trình này?
Những sản phẩm chính thức là những sản phẩm hiện nay đang phát triển với quy mô tương đối lớn, bắt đầu có thương hiệu và uy tín trên thị trường, có doanh thu cả nội địa và xuất khẩu tương đối lớn.
Cụ thể: lúa gạo Việt Nam chất lượng cao; vaccine phòng bệnh cho người và vật nuôi; sản phẩm cơ khí siêu trường, siêu trọng; phần mềm an ninh mạng; động cơ ô tô và xe máy; một số sản phẩm an ninh quốc phòng. Các sản phẩm dự bị gồm: nấm ăn và nấm dược liệu; cá da trơn; vi mạch điện tử.
Hiện nay, Bộ KH-CN đã xây dựng và phê duyệt khung chương trình, giao cho một số bộ, ngành phát triển các sản phẩm này. Hy vọng với sự đầu tư tập trung và theo chuỗi giá trị, đến năm 2020, Việt Nam sẽ có những sản phẩm mang thương hiệu quốc gia và đủ sức cạnh tranh với hàng hóa thế giới. Chúng ta đang hy vọng vào 2 nhóm sản phẩm lúa gạo và vaccine sẽ đạt tầm cỡ thế giới.
Được biết, chương trình sản phẩm trọng điểm quốc gia đã có cách đây 4-5 năm rồi. Tại sao đến nay mới chỉ có kết quả khiêm tốn vậy, thưa Bộ trưởng?
Chương trình sản phẩm trọng điểm quốc gia được Chính phủ phê duyệt vào năm 2011. Tuy nhiên, sau khi phê duyệt, quá trình chuẩn bị để thực thi mất quá nhiều thời gian. Chính vì vậy, trên thực tế, chương trình này mới được bố trí vốn từ 2014 - 2015.
Bên cạnh vốn, kinh phí thì việc xây dựng các dự án đầu tư cũng gặp nhiều khó khăn. Bởi đây là sự đầu tư theo chuỗi giá trị, có chiều sâu, nên phải có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, cơ quan chức năng.
Các doanh nghiệp Việt Nam trước đây hầu như đều xây dựng dự án theo kiểu kế hoạch từng năm để chờ cấp ngân sách, vì vậy khi tham gia vào chương trình thì đều lúng túng, mất thời gian.
Mối liên kết, phối hợp giữa 3 nhà (Nhà khoa học, Nhà sản xuất - doanh nghiệp và Nhà nước) còn lỏng lẻo, không hiệu quả khi triển khai những dự án của chương trình này...
Phải chăng, đó là khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai phát triển những sản phẩm trọng điểm quốc gia, cũng như đối với việc ứng dụng KH-CN để nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa Việt Nam?
Đúng vậy! KH-CN chúng ta nằm trong bối cảnh chung về cơ chế, chính sách, sự vận hành của xã hội Việt Nam hiện nay, nên những vướng mắc, hạn chế đó đang tồn tại khiến rất nhiều chương trình, mục tiêu, không chỉ lĩnh vực KH-CN, mà nhiều ngành nghề khác cũng không đạt được, hoặc tiến triển rất chậm.
Với Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, chúng ta đã quyết liệt đổi mới rất mạnh mẽ để tháo gỡ điều đó. Ví dụ, tạo ra hành lang pháp lý và cơ chế để doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn cho KH-CN. Doanh nghiệp đầu tư cho KH-CN thì họ sẽ chủ động hơn, vì xuất phát từ nhu cầu thực tế của họ; đồng thời tiền họ chi ra chủ động, không vướng mắc vào chuyện xin cấp kinh phí của Nhà nước.
Chúng tôi đã xác định rõ 3 cơ chế để nâng cao hiệu quả hoạt động KH-CN. Thứ nhất là cơ chế đặt hàng, mọi nhiệm vụ KH-CN phải xuất phát từ nhu cầu thực tế xã hội, thị trường và thực hiện theo sự đặt hàng của doanh nghiệp hoặc Nhà nước.
Thứ hai là cơ chế quỹ, tức là kinh phí dành cho việc nghiên cứu, ứng dụng đổi mới KH-CN, hỗ trợ doanh nghiệp phải được cấp phát kịp thời, ngay khi nhiệm vụ được phê duyệt. Thứ ba là cơ chế khoán chi, tức là coi trọng sản phẩm đầu ra trong hoạt động nghiên cứu.
Trong năm 2015, Việt Nam tham gia một loạt các hiệp định thương mai quốc tế. Vai trò của Bộ KH-CN như thế nào để giúp hàng hóa, sản phẩm Việt Nam đủ sức cạnh tranh trên sân nhà cũng tiến ra thị trường quốc tế?
Nói về sự cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, vai trò của KH-CN thể hiện 2 vấn đề. Một là tiêu chuẩn, chất lượng và hai là sở hữu trí tuệ.
Sản phẩm hàng hóa Việt Nam có cạnh tranh được hay không thì yêu cầu đầu tiên là chất lượng và tiêu chuẩn. Với chức năng của mình, Bộ KH-CN nghiên cứu, ban hành hệ thống tiêu chuẩn quốc gia trên mọi lĩnh vực để tất cả các doanh nghiệp khi sản xuất, kinh doanh có bộ tiêu chuẩn áp dụng theo.
Đó là bộ tiêu chuẩn hài hòa với thế giới, đảm bảo một sân chơi chung do tất cả các doanh nghiệp khi áp dụng những tiêu chuẩn này. Với sở hữu trí tuệ, chúng ta phải bảo đảm cho các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm khi đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đảm bảo cho hàng hóa, sản phẩm Việt Nam giữ được xuất xứ và thương hiệu khi giao thương quốc tế.
Đó là đăng ký thương hiệu, xuất xứ hàng hóa, đăng ký kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý... Tất cả những việc này, thời gian qua, Bộ KH-CN đã tích cực triển khai đồng bộ và mạnh mẽ để giúp doanh nghiệp Việt Nam hiểu rõ hơn, tham gia tích cực và yên tâm khi sản xuất, kinh doanh cả trong và ngoài nước.
Nhìn nhận một cách khách quan, thời gian qua, chất lượng sản phẩm hàng hóa Việt Nam đã được nâng cao đáng kể và sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế cũng mạnh lên.