Đưa thương hiệu nông sản Việt ra thế giới: Doanh nghiệp cần sáng tạo, chủ động
Các hiệp định thương mại đã ký kết hoặc kết thúc đàm phán đang mở ra cánh cửa lớn cho thương hiệu nông sản Việt vươn ra thị trường thế giới. Nhưng thực tế, con đường này không trải hoa hồng, đòi hỏi doanh nghiệp (DN) phải sáng tạo, chủ động. Đây là chia sẻ của doanh nhân Nguyễn Liên Phương với phóng viên Báo Công Thương nhân dịp đầu Xuân mới.
Nâng cao giá trị nông sản Việt
Nhiều người thường cho rằng, đầu tư vào nông nghiệp chứa đựng nhiều rủi ro, lợi nhuận thấp, nhưng theo ông Nguyễn Liên Phương, đó là với nông sản xuất khẩu (XK) thô. Còn với nông sản chế biến, có thương hiệu như bánh mì Mcdonald, cà phê Starbuck, cũng chế biến từ nông sản, giá trị đem lại không hề nhỏ. Ở Pháp, trong các siêu thị của Monoprix, nước dừa tươi loại 1 lít đóng trong hộp giấy, giá tới 4,85 euro, tương đương 115.000 đồng, ngang ngửa giá rượu vang! Vấn đề là làm thế nào để tạo ra được giá trị đó?
Việc nhiều đại gia Việt đầu tư vào nông nghiệp sản xuất nông sản sạch trong năm 2015 đã khẳng định: Nông nghiệp hoàn toàn có thể tạo ra lợi nhuận cao nếu đi đúng hướng. Tuy nhiên, việc tạo ra nông sản sạch mới chỉ là một nửa câu chuyện, khó mà phát triển được thành thương hiệu nông sản Việt đưa ra toàn cầu. Chúng ta khó xuất khẩu (XK) rau quả tươi ra nước ngoài nhiều như Israel. Lý do đơn giản, Israel làm chủ khoa học công nghệ sản xuất rau quả sạch, chất lượng cao. Hơn nữa, Israel rất gần châu Âu - điều kiện vô cùng thuận lợi để XK rau quả tươi.
Ông Nguyễn Liên Phương khẳng định: Lợi thế thực sự của nông nghiệp Việt Nam phải ở khâu chế biến. Do vậy, để vươn ra thị trường toàn cầu, cần giải bài toán chế biến và làm thương hiệu để nâng cao giá trị nông sản. Vấn đề là làm thế nào để tạo ra được giá trị đó. Đây là câu chuyện từ đồng ruộng đến bàn ăn, nhưng không phải chỉ đến với bàn ăn trong nước, mà phải vươn ra toàn cầu. Muốn như vậy, với những nguyên liệu đạt chất lượng, chúng ta phải chế biến, đóng gói theo khẩu vị, thói quen tiêu dùng, sản phẩm phải đạt được các chuẩn mực theo đẳng cấp quốc tế. Những tập đoàn chế biến nông sản lớn của thế giới như Nestlé (Thụy Sỹ), Cargill (Mỹ) doanh thu mỗi năm hàng chục tỷ USD. Như vậy, đây là “cuộc chơi” của thương hiệu. Muốn đưa được nông sản Việt ra nước ngoài, chúng ta phải chế biến và xây dựng được những thương hiệu nông sản Việt toàn cầu.
Cửa ngõ Dubai
Để đưa được thương hiệu nông sản Việt ra nước ngoài là một chặng đường dài và vô cùng khó khăn. Nhiều DN Việt không biết nên bắt đầu từ đâu để vươn ra được thị trường toàn cầu. Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Liên Phương cho biết, ông đã đi khảo sát rất nhiều khu vực thị trường trên thế giới, ở đâu cũng thấy có cơ hội cho nông sản thực phẩm Việt. Nhưng đặc biệt khi đến Dubai, ông nhận thấy ngay đây là miền đất hứa đối với những DN có tham vọng chinh phục thị trường thế giới, bởi Dubai không chỉ là cửa ngõ của các nước vùng Trung Đông, mà còn là điểm giao thoa thương mại lý tưởng của ba châu lục: châu Á, châu Phi và châu Âu.
Với hàng nông sản, Dubai có hội chợ lớn nhất thế giới về nông sản thực phẩm và đồ uống - Hội chợ Gulfood Dubai. Hội chợ được tổ chức thường niên vào tháng 2, với sự tham gia của 120 gian hàng quốc gia, bao gồm gần 5.000 DN trưng bày hàng hóa. Đây là cơ hội lớn để DN Việt quảng bá sản phẩm với trên 85.000 khách mua hàng đến từ 170 quốc gia. Năm 2016, sẽ có 23 DN Việt Nam mang đến Hội chợ Gulfood Dubai nhiều sản phẩm đa dạng. Trong thời gian diễn ra Gulfood Dubai 2016, sẽ có gần 200 doanh nhân Việt tham gia khảo sát và tham dự Hội thảo “Kinh nghiệm đưa thương hiệu nông sản Việt Nam hội nhập toàn cầu” tại Dubai do Đại sứ Việt Nam tại UAE chủ trì. Các doanh nhân Việt sẽ có dịp thảo luận với các nhà mua hàng khu vực Trung Đông và quốc tế, các quỹ đầu tư XK nông sản thực phẩm quốc tế, trao đổi kinh nghiệm, giải pháp thiết thực về XK nông sản thực phẩm Việt Nam ra thế giới.
Xây dựng thương hiệu cho trầm hương
Là người có nhiều kinh nghiệm kinh doanh trên thị trường quốc tế, doanh nhân Nguyễn Liên Phương nhiều năm ấp ủ ý định xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản Việt. Ông tâm niệm, nếu thành công có thể là ví dụ tốt cho DN có cùng ước mơ. Và như là duyên phận, giữa hàng ngàn mặt hàng nông sản, Nguyễn Liên Phương đã chọn xây dựng thương hiệu cho sản phẩm Trầm hương Việt Nam.
Trầm hương là nhựa của cây dó tích tụ lâu ngày, từ xa xưa đã được tôn vinh là mùi hương của Chúa. Trên thế giới, chỉ có 10 nước vùng Đông Nam Á và Nam Á trồng được cây dó có nhựa hình thành trầm hương. Trong đó, trầm hương Việt Nam được đánh giá có mùi hương đặc sắc. Hiện cả nước ta đang có khoảng 35.000 ha trồng cây dó tạo trầm hương, tập trung ở các tỉnh miền Trung.
Thời gian qua, Công ty LP đã phát triển thành công mặt hàng trầm hương kết hợp với hương liệu Ả-rập cho thị trường Trung Đông và đang xây dựng dòng sản phẩm trầm hương cao cấp mùi hương thuần khiết thiên nhiên để XK ra thị trường toàn cầu. Doanh nhân Nguyễn Liên Phương cho biết: Công ty ông mong muốn đồng hành với người nông dân trồng loại cây rất quý này, tạo ra nhiều loại sản phẩm trầm hương có giá trị thương mại cao mang thương hiệu Việt.
Doanh nhân Nguyễn Liên Phương chia sẻ: Nhiều DN Việt ước mơ đưa thương hiệu nông sản Việt ra thị trường quốc tế. Tuy nhiên, để tạo dựng được thương hiệu Việt toàn cầu, chỉ sự nỗ lực của DN thôi chưa đủ, nhà nước cần tăng cường hỗ trợ cho DN. Nếu được nhà nước hỗ trợ thiết thực, hiệu quả, cùng với các chính sách như tích tụ ruộng đất để sản xuất nguyên liệu nông sản ở quy mô công nghiêp, ưu đãi vốn đầu tư cho DN xây dựng thương hiệu nông sản XK… chắc chắn, “con đường” đưa thương hiệu nông sản Việt ra nước ngoài sẽ thuận lợi hơn nhiều.