Fastfood Việt đổ bộ xuống phố

Không có mặt bằng cố định, các xe đồ uống, thức ăn nhanh trên đường phố với bảng hiệu, đồng phục nhân viên, cách giao tiếp... bài bản vẫn rất hút khách hàng.

Bắt đầu bán từ 6h, xe đẩy bánh mì chả cá Má Hải với 3 nhân viên phục vụ trong trang phục màu cam rực rỡ trên đường Tô Hiến Thành, quận 10 đã tấp nập người ghé mua. Nguyên liệu chủ yếu là chả cá tươi Vũng Tàu được chiên trực tiếp.

Một ổ bánh mì kẹp chả cá nóng ở đây bán với giá 10 000 đồng, do mỗi điểm được tổ chức khoảng bốn, năm nhân viên cùng bán một lúc, một người chào khách, mời người đi đường, một giao bánh, những người còn lại tập trung chuyên môn tối đa để làm xong những chiếc bánh với tốc độ chỉ 10 giây một chiếc. Quản lý xe bánh mì cho biết, đến 8h số lượng bánh bán ra lên đến 200. Riêng ở quận 10 thương hiệu này có đến hơn 20 xe đẩy bán trên những con đường như Tô Hiến Thành, ngã tư Thành Thái, Nguyễn Tri Phương, đường 3/2... Còn tại đoạn đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7, chỉ với khoảng cách chưa đầy 1km cũng đã có tới 2 xe cùng thương hiệu.

Người quản lý cho biết, hiện có khá nhiều thương hiệu bánh mì như Má Nam, Má Tâm, chả cá Vũng Tàu... hoạt động giống mô hình này, cũng được xem là đối thủ trực tiếp của các ông lớn như Five Star, "1 Phút 30 Giây"... vốn ra đời sớm, quy mô lớn hơn và cũng bán trên các xe di động.

Ông Thanh Cao, Trưởng phòng marketing hệ thống thức ăn sáng "1 Phút 30 Giây" cho biết đang sở hữu 130 cửa hàng, trong đó có 40% cửa hàng nhượng quyền và chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn như TP HCM, Đà Nẵng, Bình Dương. Đối tượng khách hàng là phụ huynh và học sinh nên địa điểm bán thường đặt ở gần trường học. Mỗi combo gồm bánh và nước được bán với mức giá 17.000 đồng, khách hàng có thể lựa chọn hamburger, pita, sandwich hoặc hot-dog.

alt

Một xe đẩy Bánh mì chả cá Má Hải. Ảnh: CCM 

“Nếu như tập trung vào bán thức ăn toàn thời gian thì khó có thể cạnh tranh với các thương hiệu lớn như KFC hay McDonald's, nên chúng tôi chọn thị trường ngách từ 5h đến 10h sáng và đẩy mạnh phát triển hệ thống cửa hàng ở trên vỉa hè”, ông Cao nói và cho biết thêm xe đặt một phần ngoài lề đường nhưng trong giới hạn, không chiếm vỉa hè giành cho người đi bộ để khách hàng có thể nhận diện được thương hiệu và mặt bằng đều được thuê. Công ty ưu tiên mặt bằng gần trường, chấp nhận trả giá cao để khách hàng nhận diện thương hiệu tốt nhất.

Không chỉ thức ăn nhanh, những điểm bán cà phê mang đi ở các quận trung tâm TP HCM cũng đua nhau mọc lên, chủ yếu tập trung vào phân khúc trung bình với mức giá khá rẻ từ 10.000 đến 15.000 đồng một ly. Thậm chí hồi đầu năm, một công ty trong nước tại TP HCM còn mua nhượng quyền mô hình bán cà phê bằng xe ôtô di động để triển khai thí điểm ở quận 2.

Nhận biết sức hấp dẫn của mô hình kinh doanh này, nhiều thương hiệu thức uống khác từ nước ép trái cây, nước sâm đến đồ uống tổng hợp cũng nhanh chóng xuất hiện trên đường phố với cách làm bài bản hơn.

Nước ép trái cây nuBei Nước Mây bắt đầu xuất hiện đầu năm nay hiện đã có khá nhiều điểm bán và chủ yếu nhắm đến đối tượng khách hàng trẻ với vị uống mát lạnh cùng lớp bọt xốp mềm mịn đặc trưng. Hệ thống máy pha chế và xe đẩy được thiết kế khá hiện đại; nguyên liệu trái cây được nhập khẩu trực tiếp từ Hà Lan và được pha chế với công thức riêng. Các xe đẩy bán nước ép này thường được đặt trên những con đường ở quận 4 và quận 10. Riêng quận 4 có đến 9 - 10 xe, bán ở một số điểm trên bến Vân Đồn, đường Hoàng Diệu, Nguyễn Tất Thành…

“Chúng tôi thường bán ở trường học, khu đông dân cư, khu vực dạo chơi của các bạn trẻ như cầu Mống, rạp chiếu phim… Địa điểm bán là trên vỉa hè và hiện nay chưa có mặt bằng cố định. Lâu lâu cũng bị công an phường, khu dân phố nhắc nhở. Còn nếu gặp quản lý đô thị thì thường phải... chạy”,  anh Trung, nhân viên bán hàng của nuBei tại đường Hoàng Diệu, quận 4 cho biết. Loại nước ép này bắt đầu bán từ 3h chiều, nhưng hiện nay mở rộng bán thêm vào buổi sáng.

Nhận định về xu hướng kinh doanh tiện lợi này, chuyên gia marketing Nguyễn Xuân Nhật Huy cho rằng, phân khúc sản phẩm đường phố không có thương hiệu chuẩn mực hiện nay chiếm một dung tích thị trường rất lớn.

Chuyên gia này nhấn mạnh, trong kinh doanh thực phẩm, quan trọng nhất là khẩu vị, rồi đến giá cả phù hợp với phân khúc mục tiêu của thương hiệu. Sản phẩm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, giá cả hợp lý, có thương hiệu và được trang bị hệ thống nhận diện, nếu biết khai thác, đây là những yếu tố để cạnh tranh không chỉ với các cá nhân kinh doanh đơn lẻ truyền thống mà còn với các thương hiệu lớn.

"Bán lẻ thực phẩm ở Việt Nam là một thị trường tiềm năng với nhiều cơ hội. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng tiềm ẩn những rủi ro, đặc biệt là vấn đề pháp lý (lấn chiếm lòng lề đường, khai thuế...). Nhưng theo cá nhân tôi, tiềm năng phát triển vẫn áp đảo rủi ro tiềm ẩn", ông Huy nhận định.

Theo VnExpress

Bình luận của bạn