Hà Nội: Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và chủ động hội nhập
TP Hà Nội luôn xác định hỗ trợ doanh nghiệp (DN) phát triển, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.
Hà Nội đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp phát triển để chủ động hội nhập quốc tế. Ảnh: Huy Hùng
Năm 2015 được đánh giá là một dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam. Việc đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các thị trường lớn tạo ra nhiều cơ hội cho nền kinh tế, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức đối với DN và sự quản lý của nhà nước. Trong bối cảnh đó, Hà Nội đã chủ động đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ DN phát triển để chủ động hội nhập quốc tế…
Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Lê Hồng Thăng cho biết, với sự chỉ đạo quyết liệt của thành phố, từ đầu năm đến nay, Sở đã tập trung chỉ đạo sâu sát, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực công tác, triển khai ngay từ những tháng đầu năm các nhiệm vụ trọng tâm. Sở đã phối hợp với Sở Tài chính triển khai quyết định của thành phố về hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho các DN sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực trên địa bàn như các công ty TNHH MTV Thống Nhất, CP Xích líp Đông Anh, CP Khóa Việt-Tiệp…; hoàn thành công tác xây dựng, trình UBND thành phố phê duyệt bộ tiêu chí đánh giá sản xuất công nghiệp theo hướng giá trị gia tăng cao; xây dựng đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn giai đoạn 2016-2020, đề án hỗ trợ DN sản xuất công nghiệp đẩy mạnh ứng dụng phần mềm quản trị, điều hành.
Qua nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh và kiến nghị của DN, nhất là tại những huyện còn nhiều khó khăn như Thạch Thất, Quốc Oai, Đan Phượng, Hoài Đức… Sở Công thương đã triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn về thủ tục đầu tư, mở rộng cụm công nghiệp, tạo điều kiện bố trí mặt bằng sản xuất cho DN tại các cụm làng nghề…; đồng thời, đôn đốc UBND các cấp, các chủ đầu tư khẩn trương triển khai và hoàn thiện thủ tục thành lập đối với 66 cụm công nghiệp…
Việc duy trì thường xuyên công tác khảo sát, nắm bắt thông tin và tổ chức giao ban tháo gỡ khó khăn cho DN trên địa bàn thành phố được Sở Công thương Hà Nội tích cực triển khai, tham mưu kịp thời với UBND thành phố đã góp phần hỗ trợ cho hoạt động của khu vực DN. Quý I-năm 2016, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó có những ngành sản xuất chiếm tỷ trọng lớn, có tốc độ tăng cao so với mức tăng bình quân chung, như sản xuất đồ uống tăng 11%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 21,5%; sản xuất kim loại tăng 25%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 34,3%; sản xuất trang phục tăng 39,7%...
Nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ
Năm 2016, ngành công thương Hà Nội tập trung chỉ đạo hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển thương mại văn minh, hiện đại; phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu chủ yếu năm 2016: tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tăng 11-12% so với năm 2015; kim ngạch xuất khẩu tăng 7-8%. Để đạt được mục tiêu đó, Sở Công thương Hà Nội sẽ tổ chức chương trình phát triển các loại hình dịch vụ trình độ cao và nâng cao chất lượng dịch vụ trong hội nhập kinh tế quốc tế như dịch vụ logistics, giám định hàng hóa; thu hút đầu tư phát triển các lĩnh vực dịch vụ có tiềm năng, lợi thế mang lại giá trị gia tăng cao… Triển khai đề án phát triển thương mại điện tử quốc gia năm 2016 và chương trình phát triển thương mại điện tử trên địa bàn thành phố năm 2016.
Sở sẽ phối hợp cùng các ngành chức năng, các hiệp hội tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, thực hiện các giải pháp mở rộng thị trường nội địa và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; cung cấp thông tin về các thị trường xuất khẩu, ngành hàng xuất khẩu, các FTA mà Việt Nam tham gia để hỗ trợ DN; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; tăng cường tuyên truyền, quảng bá để nâng cao vị thế và uy tín của hàng hóa sản xuất trong nước.
Cùng với đó, Sở tiếp tục triển khai các khóa đào tạo, các lớp tập huấn phổ biến kiến thức cho DN có biện pháp tích cực, chủ động phòng tránh các hàng rào trong thương mại…; triển khai quy chế "Hỗ trợ các DN trên địa bàn TP Hà Nội xây dựng và phát triển thương hiệu"; thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước để thúc đẩy phát triển thương mại trên địa bàn và phát triển sản phẩm xuất khẩu; tập trung rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời đề xuất điều chỉnh để bảo đảm cơ chế chính sách phát huy được hiệu quả khi áp dụng vào thực tế; tạo thuận lợi hơn nữa trong sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại.