Hà Nội: Hội chợ vùng sâu nhưng bày bán bàn ghế mấy trăm triệu!


Đây là ví dụ về việc tổ chức hội chợ không phù hợp của bà Lê Thị Kim Oanh, Phó Chủ tịch thường trực Mặt trận Tổ quốc TP. Hà Nội, Phó trưởng Ban Chỉ đạo TP. Hà Nội về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 5/4, bà Lê Thị Kim Oanh đã cung cấp những thông tin giá trị về các hoạt động của Hà Nội nhằm thúc đẩy cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Theo đó, thực hiện chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong quý I/2016 Sở Công thương đã ban hành và tổ chức triển khai các kế hoạch của ngành với mục tiêu chuẩn bị tốt nhất các điều kiện để mọi người dân trên địa bàn TP được tiếp cận với nhiều mặt hàng, đảm bảo ổn định giá, an toàn vệ sinh thực phẩm như tổ chức hội nghị với các quận, huyện, thị xã và doanh nghiệp, ban quản lý chợ trên địa bàn để quán triệt và triển khai các kế hoạch phục vụ Tết nguyên đán.

Bà Lê Thị Kim Oanh cho biết, ước tính tổng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết trên địa bàn TP đạt khoảng 21.600 tỉ đồng; phối hợp với các Sở, ngành trình UBND TP tổ chức 47 hội hoa xuân, chợ nông sản thực phẩm, hội chợ xuân trên địa bàn TP; tổ chức 9 trung tâm bán hàng phục vụ Tết tại 9 huyện, khu công nghiệp để phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân với quy mô từ 60-70 gian hàng/điểm; tổ chức 184 chuyến bán hàng lưu động tại 18 huyện, thị xã; triển khai bán hàng bình ổn giá tại 1.165 điểm bán hàng. UBND các quận huyện thị xã giới thiệu 65 địa điểm để các doanh nghiệp tổ chức địa điểm bán hàng bình ổn giá phục vụ nhân dân…

Ngoài ra, Sở Công thương tổ chức "Tháng vì quyền người tiêu dùng" thu hút hơn 40 doanh nghiệp với trên 300 điểm bán hàng vì người tiêu dùng; chuẩn bị tổ chức mít-tinh hưởng ứng "Ngày vì quyền của người tiêu dùng Việt Nam". 

Trong công tác quản lý thị trường, phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại, 3 tháng đầu năm lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra 2.132 vụ, xử lý 2.107 vụ, tổng số tiền thu nộp gần 31,5 tỉ đồng, trong đó xử phạt hành chính 14,5 tỉ đồng; trị giá hàng tịch thu hơn 6,3 tỉ đồng; trị giá hàng tiêu hủy hơn 8 tỉ đồng; trị giá hàng tái xuất, chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc loại bỏ yếu tố vi phạm gần 2,6 tỉ đồng.

Tuy nhiên, bà Lê Thị Kim Oanh cũng thừa nhận còn một số doanh nghiệp chưa quan tâm đến công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá về sản phẩm hàng hóa của đơn vị mình đến đông đảo người tiêu dùng; chưa quan tâm đến việc bảo vệ thương hiệu nhãn mác của sản phẩm, hàng hóa.

“Một số đơn vị, Sở, ngành chưa quan tâm đến việc triển khai, thực hiện cuộc vận động, một số đơn vị chưa chủ động báo cáo kết quả triển khai thực hiện cuộc vận động ở đơn vị mình về  Ban Chỉ đạo cuộc vận động của Thành phố. Trên thị trường vẫn xảy ra những vụ buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, thực phẩm không an toàn dẫn đến giảm lòng tin của người tiêu dùng”- bà Kim Oanh nhấn mạnh.

Bà Kim Oanh cũng thừa nhận, trong dịp Tết nguyên đán Bính thân năm 2016, công tác tổ chức đưa hàng Việt về chợ nông thôn còn một số đơn vị, doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm hoặc triển khai nhưng hiệu quả chưa cao. Ví dụ, do khâu khảo sát nhu cầu tiêu dùng ở các khu vực chưa tốt dẫn tới hàng hóa chưa phù hợp, có những hội chợ không đáp ứng được tiêu chí khiến người dân phản đối như hội chợ diễn ra ở vùng sâu, vùng xa mà đem trưng bày những bộ bàn ghế mấy trăm triệu…./.

Bình luận của bạn